Phú Quốc giữ vững nghề sản xuất nước mắm hơn 200 năm tuổi

Công bố của Bộ Y tế 100% mẫu nước mắm đều an toàn như trút bỏ nỗi lo của những làng nghề sản xuất nước mắm truyền thống trên cả nước, trong đó có Phú Quốc.
Phú Quốc giữ vững nghề sản xuất nước mắm hơn 200 năm tuổi ảnh 1Đóng gói nước mắm cho khách du lịch tại doanh nghiệp sản xuất nước mắm Khải Hoàn (Phú Quốc). (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)

Công bố của Bộ Y tế 100% mẫu nước mắm đều an toàn sau khi tiến hành kiểm nghiệm tại 5 tỉnh, thành phố lớn trên cả nước là sự “giải oan” cho những làng nghề sản xuất nước mắm truyền thống trên cả nước; trong đó có Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

“Nhà thùng” sản xuất nước mắm nơi hòn đảo ngọc này mừng vui, trút bỏ nỗi lo nước mắm nhiễm asen do Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đưa ra trước đó.

Nghề truyền thống hơn 200 năm

Người dân Phú Quốc hiện nay vẫn gọi các cơ sở sản xuất nước mắm trên đảo bằng cái tên quen thuộc: “Nhà thùng.”

Nghề truyền thống này có bề dày lịch sử hơn 200 năm với sản phẩm nổi tiếng “Nước mắm Phú Quốc.”

Xuất phát từ nghề gia truyền của dòng tộc, mỗi nhà thùng có một bí quyết làm nước mắm để tạo ra sản phẩm thơm ngon, hương vị đặc trưng, nhưng điểm chung của họ là “ Phát huy nghề truyền thống, giữ vững chữ tín với khách hàng, an toàn khi sử dụng.”

Bà Hồ Kim Liên, Chủ tịch Hội Nước mắm Phú Quốc, cho biết quy trình sản xuất nước mắm truyền thống trên đảo Phú Quốc mà ông cha để lại là “3 cá - 1 muối.” Con cá cơm ở vùng biển Phú Quốc này sau khi đánh bắt, rửa sạch bằng nước biển và muối ngay tại tàu. Nguồn nguyên liệu cá muối đó được nhà thùng cài nén chặt trong thùng gỗ làm bằng cây bời lời có tại đảo, ủ chượp tự nhiên trong thời gian 12-15 tháng. Sản phẩm cho ra đầu tiên là nước mắm cốt, tiếp đến là nước long 1, long 2.

Quá trình ủ chượp không chất xúc tác, cá phân hủy kết hợp với điều kiện tự nhiên, thời tiết khí hậu trên đảo cho ra nước mắm Phú Quốc có những tính chất rất đặc biệt mà những vùng khác không có được. Đó là hương vị nước mắm thơm ngon, ánh lên màu cánh gián bắt mắt, đậm sánh đặc trưng, độ đạm cao được người tiêu dùng ưa thích từ xưa đến nay.

Sản xuất nước mắm tại Phú Quốc hiện nay vẫn giữ vững quy trình truyền thống kết hợp công nghệ hiện đại nhằm kiểm soát các chỉ tiêu hóa lý theo tiêu chuẩn TCVN 5107:2003, chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Tất cả các nhà thùng Phú Quốc trong quá trình sản xuất đều có sự giám sát, kiểm soát chặt chẽ của cơ quan chức năng quản lý nhà nước theo quy chuẩn quốc gia, đảm bảo chất lượng cho người tiêu dùng.

Tại Doanh nghiệp tư nhân hải sản Khải Hoàn, số 11, Hùng Vương, thị trấn Dương Đông (Phú Quốc), sản phẩm nước mắm sản xuất trong dây chuyền khép kín từ khâu đánh bắt cá cơm nguyên liệu, quy trình ủ chượp theo cách truyền thống cho đến thành phẩm, cung ứng cho thị trường nước mắm ngon. Sản phẩm được ngành chức năng cấp chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, người tiêu dùng bình chọn hàng Việt Nam chất lượng cao.

Bà Hồ Kim Liên, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân hải sản Khải Hoàn, cho biết nước mắm Khải Hoàn hiện có 2 dòng sản phẩm; trong đó dòng nước mắm 38-43 độ đạm đạt chỉ dẫn địa lý được khối Liên minh châu Âu (EU) công nhận. Không riêng gì Khải Hoàn, các nhà thùng Phú Quốc luôn thiết tha gắn bó với nghề truyền thống lâu đời của tổ tiên, ông bà để lại, hết lòng chăm lo phát triển sản xuất, bảo vệ và giữ gìn chất lượng danh tiếng của sản phẩm nước mắm Phú Quốc.

Vươn ra thế giới khẳng định thương hiệu

Hơn 40 năm trở về trước, nước mắm Phú Quốc đã vươn ra thị trường thế giới và khẳng định thương hiệu, an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng trong mắt người tiêu dùng khó tính.

Ông Trần Quốc Khanh, Phó trưởng Phòng Kinh tế huyện Phú Quốc, cho biết trước năm 1975, nhà thùng Hưng Thành-Phú Quốc đã xuất bán sản phẩm nước mắm vào thị trường Pháp và những thị trường khác ở một số nước. Các nhà thùng nước mắm Phú Quốc luôn giữ gìn, bảo tồn và phát triển nghề sản xuất truyền thống nổi tiếng của địa phương, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm.

Theo Hội Nước mắm Phú Quốc, năm 2001, nước mắm Phú Quốc được cấp chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý Phú Quốc và là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận bảo hộ này. Tháng 10/2012, chỉ dẫn địa lý nước mắm Phú Quốc được cấp quy chế bảo hộ tại Liên minh châu Âu và cũng là sản phẩm đầu tiên từ Việt Nam được EU công nhận chỉ dẫn địa lý, tạo điều kiện, mở ra cơ hội cho nước mắm Phú Quốc vươn ra thị trường thế giới, phát triển làng nghề mạnh mẽ.

Chủ tịch Hội Nước mắm Phú Quốc Hồ Kim Liên cho hay Phú Quốc hiện có 58 doanh nghiệp sản xuất nước mắm, với sản lượng năm 2016 dự kiến đạt khoảng 28 triệu lít. Đến nay, đã có 28 doanh nghiệp được cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý, sử dụng tem nhãn chung mang chỉ dẫn địa lý.

Những ngày này, các nhà thùng nước mắm Phú Quốc phấn khởi hơn khi thông tin nước mắm truyền thống nhiễm Asen bị bác bỏ.

Khách du lịch đến Phú Quốc vẫn chọn nước mắm mua về làm quà cho người thân và dùng trong gia đình.

Phú Quốc giữ vững nghề sản xuất nước mắm hơn 200 năm tuổi ảnh 2Du khách nước ngoài tham quan cơ sở sản xuất nước mắm đặc sản tại thị trấn An Thới, huyện Phú Quốc. (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)

Anh Lý Ngọc Trường, khách du lịch đến từ tỉnh Trà Vinh, bộc bạch: “Thông tin nước mắm nhiễm Asen gây hại sức khỏe con người trong những ngày qua, tôi không tin đó là sự thật, vẫn tin dùng nước mắm Phú Quốc trong số nhiều loại nước mắm bày bán trên thị trường hiện nay. Hương vị và chất lượng nước mắm Phú Quốc không chê vào đâu được.”

Theo Hội Nước mắm Phú Quốc, trước thông tin nước mắm truyền thống bị nhiễm Asen, phần nào ảnh hưởng đến nghề sản xuất nước mắm Phú Quốc, nhưng không quá nghiêm trọng và thị trường đã sớm ổn định, bình phục trở lại.

“Thông tin nước mắm nhiễm Asen khiến người tiêu dùng không biết lựa chọn, sử dụng sản phẩm nào, nhưng hiện nay họ hoàn toàn yên tâm với sản phẩm nước mắm Phú Quốc. Nhà thùng Phú Quốc cho biết nhiều đại lý ở các tỉnh, thành tạm ngừng không nhập nước mắm vào do bán ra chậm, chờ công bố kết quả chính thức của cơ quan chức năng có thẩm quyền và hiện nay họ đã lấy hàng trở lại. Sau thông tin bất lợi, EU yêu cầu Hội nước mắm Phú Quốc báo cáo và chúng tôi thuyết minh, giải trình, khẳng định Asen có trong nước mắm Phú Quốc là Asen hữu cơ, không ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng,” Chủ tịch Hội Nước mắm Phú Quốc nói.

Nước mắm Phú Quốc đang là sản phẩm du lịch của đảo ngọc có giá trị văn hóa vùng miền và là thương hiệu quốc gia.

Lễ hội “Nước mắm Phú Quốc” dự định tổ chức vào năm 2017 và sau đó định kỳ 2 năm/lần, nhằm tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm nước mắm Phú Quốc, phát triển làng nghề truyền thống.

Cùng với đó, Hội Nước mắm Phú Quốc tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên thực hiện các quy định của Nhà nước có liên quan đến sản xuất, kinh doanh nước mắm, đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Kiên quyết đấu tranh với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý và làm nước mắm giả, kém chất lượng.

Tiến sỹ Nguyễn Xuân Niệm, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kiên Giang cho hay đang cùng với Hội Nước mắm Phú Quốc lập kế hoạch, phối hợp với các ngành chức năng hữu quan trung ương và địa phương, nhà khoa học chuyên ngành, chuyên gia tổ chức hội thảo khoa học về nước mắm Phú Quốc.

Qua đó, đánh giá, bổ sung quy trình sản xuất, quản lý chất lượng từ đầu vào đến đầu ra của sản xuất nước mắm để thương hiệu Việt nước mắm Phú Quốc luôn được người sử dụng trong và ngoài nước tin dùng.

Quy hoạch làng nghề truyền thống nước mắm ở đảo Phú Quốc tiếp tục phát triển mạnh mẽ, hiệu quả và bền vững, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương, nhất là lĩnh vực du lịch Phú Quốc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục