Phủ sóng wifi miễn phí tại các điểm diễn chính của Festival Huế

Các điểm phủ sóng wifi phục vụ Festival Huế 2016 gồm: Quảng trường Ngọ Môn, sân khấu Đông Thái Hòa, sân khấu Tây Thái Hòa, nhà hát Duyệt Thị Đường, sân khấu Điện Kiến Trung, sân khấu Điện Cần Chánh.
Phủ sóng wifi miễn phí tại các điểm diễn chính của Festival Huế ảnh 1Các đại biểu tham gia truy cập thông tin tại Trung tâm thông tin báo chí Festival Huế 2016. (Ảnh: Quốc Việt/TTXVN)

Festival Huế 2016 với chủ đề "Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển, 710 năm Thuận Hóa-Phú Xuân-Thừa Thiên Huế" diễn ra từ 29/4-4/5.

Viễn thông Thừa Thiên-Huế bên cạnh là nhà tài trợ đồng, với mức tài trợ 1 tỷ đồng cho Festival Huế 2016, còn là nhà cung cấp dịch vụ viễn thông và công nghệ thông tin cho lễ hội này.

Tại trung tâm thông tin báo chí Festival Huế 2016, có các dịch vụ cung cấp miễn phí cho các nhà báo trong và ngoài nước tác nghiệp như máy tính, đường truyền intenet, wifi, điện thoại, máy in, máy photocopy... trong suốt thời gian lễ hội. Hiện đã có hơn 300 nhà báo trong và ngoài nước đăng ký tác nghiệp tại Festival Huế 2016.

Bên cạnh trung tâm thông tin báo chí, Viễn thông Thừa Thiên-Huế còn tài trợ wifi miễn phí phục vụ Festival Huế 2016.

Các điểm phủ sóng wifi bao gồm: toàn bộ Quảng trường Ngọ Môn, sân khấu Đông Thái Hòa, sân khấu Tây Thái Hòa, nhà hát Duyệt Thị Đường, sân khấu Điện Kiến Trung, sân khấu Điện Cần Chánh.

Bên cạnh các điểm trên, các điểm phát sóng wifi miễn phí khác cũng được bố trí dọc phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, sân khấu Bia Quốc Học và Cung An Định.

Hệ thống wifi miễn phí này không chỉ tạo thuận lợi cho việc truy cập internet dễ dàng mà còn là công cụ hỗ trợ đắc lực cho việc thông tin chi tiết các hoạt động đang và sẽ diễn ra trong phạm vi khu vực phủ sóng.

Bên cạnh đó, hệ thống này có thể tiếp tục được khai thác phục vụ khách tham quan tại các điểm di tích, góp phần quảng bá, thông tin, chỉ dẫn du khách một cách hiệu quả trong tương lai.

Dịp này, Viễn thông Thừa Thiên-Huế, Trung tâm công nghệ thông tin tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp với Trường cao đẳng công nghiệp Huế, Công ty Gosu, Nhóm IT - Sức trẻ cố đô cho ra mắt chương trình Ứng dụng Hue Festival (Hueinfo) trên thiết bị di động, địa chỉ truy cập: www.huefestival.com , dựa trên cả 3 nền tảng phổ biến: iOS, Android và Windows Phone.

Ứng dụng Hue Festival là tiện ích tra cứu toàn bộ chương trình, nội dung và các thông tin hữu ích thể hiện bằng tiếng Việt và tiếng Anh dành cho khán giả và khách tham dự Festival Huế 2016.

Đây là ứng dụng hiệu quả, dễ sử dụng, du khách và khán giả có thể dễ dàng tìm kiếm những thông tin về Festival Huế 2016, các chương trình điểm nhấn, lịch biểu diễn, giới thiệu về nghệ sỹ và đoàn nghệ thuật, các hoạt động cộng đồng, vé và điểm bán vé, chỉ đường, lập kế hoạch tham gia cho riêng mình, đặt thông báo nhắc nhở chương trình yêu thích.

Đến thời điểm này đã có khoảng 42 đơn vị hoạt động nghệ thuật trong và ngoài nước đăng ký tham gia Festival Huế 2016 ; trong đó có 23 đoàn nghệ thuật của 17 quốc gia tham gia.

Các đoàn nghệ thuật nước ngoài đến từ: Pháp, Bỉ, Nga, Anh, Đan Mạch, Ba Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Israel, Australia, Hoa Kỳ, Colombia...

Bên cạnh việc làm tốt công tác quảng bá cho Festival Huế, khẳng định thương hiệu của lễ hội, Ban Tổ chức Festival Huế 2016 đã làm mới công tác xã hội hóa bằng cách vận động các đoàn nghệ thuật chủ động các chi phí liên quan đến đi lại, lưu trú, phương tiện biểu diễn... hoặc kêu gọi kinh phí hỗ trợ cho chương trình nghệ thuật tham gia Festival.

Hai chương trình nghệ thuật lớn trong nước tham gia Festival Huế được thực hiện xã hội hóa đáng chú ý lần này là: Ngày Phật giáo Huế - Lễ hội Quảng chiếu tại Nghinh Lương Đình và chương trình Âm nhạc Trịnh Công Sơn tại công viên Trịnh Công Sơn.

Chương trình Âm nhạc Trịnh Công Sơn cần hơn 1 tỷ đồng để tổ chức, nhưng Ban Tổ chức chỉ có thể hỗ trợ khoảng 80 triệu đồng để lắp ráp sân khấu, phần còn lại, hoàn toàn do phía gia đình nhạc sỹ vận động.

Đối với chương trình nghệ thuật quảng chiếu, tôn vinh giá trị độc đáo của âm nhạc và múa Phật giáo, Giáo hội Phật giáo tỉnh thực hiện theo hình thức xã hội hóa, với mức kinh phí cao gấp 4 lần so với các lễ hội Phật giáo từng được tổ chức trước đây./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục