Phú Thọ: Giống bưởi Đoan Hùng tiếp tục được mùa, được giá

Năm nay, giá bưởi Đoan Hùng vẫn dao động từ 15.000 đến 25.000 đồng/quả và đến thời điểm này, hầu hết các vườn bưởi đã được các thương lái đặt mua gần hết.
Phú Thọ: Giống bưởi Đoan Hùng tiếp tục được mùa, được giá ảnh 1(Nguồn: doanhung.phutho.gov.vn)

Năm nay, bưởi Đoan Hùng (Phú Thọ) tiếp tục được mùa, được giá khi đến thời điểm này, hầu hết các vườn bưởi đã được các thương lái đặt mua gần hết.

Ông Bùi Khắc Nga (ở thôn 6, xã Bằng Luân) vừa bán nửa vườn 100 cây được 160 triệu đồng, nửa diện tích còn lại ông để chờ giá lên cao.

Năm nay, giá bưởi vẫn dao động từ 15.000 đến 25.000 đồng/quả, dự kiến vườn bưởi đặc sản của gia đình ông cho thu nhập từ 350 đến 400 triệu đồng.

Ông Cao Tiến Chỉ, Bí thư Đảng ủy xã Bằng Luân, cho biết xã trồng nhiều bưởi nhất, với trên 800 hộ trồng được tổng diện tích 167ha. Toàn xã có trên 90 hộ có vườn bưởi từ 100 cây trở lên đã cho thu hoạch.

Đến thời điểm này, trên 70% số vườn bưởi trong xã đã được các gia đình bán cho thương lái với tổng số tiền thu về trên 15 tỷ đồng, số bưởi còn lại cũng đã có nhiều khách đến hỏi mua song các hộ còn đắn đo chưa bán. Nhiều siêu thị, nhà hàng từ Hà Nội, Hải Phòng lên Đoan Hùng đặt mua bưởi từ rất sớm, nhiều khách hàng đã đặt tiền mua cả vườn.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đoan Hùng, trên địa bàn huyện hiện có hai giống bưởi đặc sản là giống bưởi Bằng Luân và giống bưởi Sửu; trong đó, giống bưởi Sửu cho năng suất bình quân đạt 70 quả/cây, giá trị khoảng 700 triệu đồng/ha; bưởi Bằng Luân năng suất bình quân đạt 90 quả/cây, giá trị khoảng 400 triệu đồng/ha. Cả hai giống bưởi này đều có vị ngọt mát, thơm đặc trưng, quả to, múi mọng, bóc ráo tay, được khách hàng khắp nơi ưa chuộng.

Hiện nay, toàn huyện  Đoan Hùng có trên 3.000 hộ trồng bưởi với tổng diện tích 1.450ha. Năm 2014, sản lượng bưởi của toàn huyện dự kiến đạt 8.000 tấn và giá trị hàng hóa ước đạt 120 tỷ đồng, tăng 15% so với năm ngoái.

Ông Nguyễn Đình Thu, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Đoan Hùng, cho biết trong phát triển kinh tế đồi rừng hiện nay, không có loại cây nào có hiệu quả kinh tế cao như cây bưởi Đoan Hùng. Do đó, huyện tiếp tục chỉ đạo, tập trung mọi biện pháp để bảo vệ, giữ gìn và phát triển thương hiệu bưởi này.

Để phát triển vùng bưởi này, Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ đã phê duyệt dự án phát triển cây bưởi đặc sản huyện Đoan Hùng với quy mô 1.000 ha. Mục tiêu của dự án là đưa cây bưởi Đoan Hùng thành cây chủ lực, cây sản xuất hàng hóa trên đất Đoan Hùng. Tỉnh phấn đấu đến năm 2015, sản lượng bưởi quả đạt 12.000 tấn, nâng giá trị bình quân trên đơn vị diện tích trồng bưởi lên từ 80 đến 100 triệu đồng/ha.

Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phú Thọ cũng đã triển khai thực nghiệm đề tài khoa học “Ứng dụng các biện pháp kỹ thuật để phát triển bền vững cây bưởi đặc sản Đoan Hùng” trên quy mô lớn nhằm hoàn thiện quy trình kỹ thuật canh tác giống bưởi đặc sản, ổn định sản lượng và chất lượng sản phẩm bưởi quả, bảo vệ thương hiệu bưởi đã được công nhận để khẳng định vị thế của thương hiệu “Bưởi Đoan Hùng” trên thị trường cả nước.

Bưởi Đoan Hùng đã được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam ra quyết định đăng bạ tên gọi xuất xứ hàng hóa cho hai sản phẩm bưởi Sửu Chí Đám và bưởi Bằng Luân của Đoan Hùng. Theo đó, bưởi Đoan Hùng đã trở thành thương hiệu đặc sản với tên “Bưởi Đoan Hùng - Hương vị Đất Tổ”. Hai giống bưởi Sửu Chí Đám và bưởi Bằng Luân đã trở thành tài sản quốc gia được Nhà nước bảo hộ vô thời hạn.

Sở Khoa học và Công nghệ Phú Thọ cũng đã đăng ký tem nhãn với Cục Sở hữu trí tuệ để được sử dụng độc quyền trên thị trường cho sản phẩm “Bưởi Đoan Hùng”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục