Phú Thọ: Sản lượng chè tăng, nông dân vẫn thất thu vì giá thấp

Nhiều hộ nông dân trồng chè ở Phú Thọ đang thấp thỏm lo âu vì mặc dù năng suất và sản lượng chè tăng cao nhưng giá chè lại giảm sâu, sau khi trừ đi các chi phí thì không còn lãi.
Phú Thọ: Sản lượng chè tăng, nông dân vẫn thất thu vì giá thấp ảnh 1Thu hoạch chè nguyên liệu ở huyện Thanh Ba, Phú Thọ. (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)

Mặc dù năng suất và sản lượng chè tăng cao hơn so với trước, nhưng liên tục từ đầu năm đến nay giá chè tươi trên địa bàn tỉnh Phú Thọ mất giá, người trồng chè thấp thỏm lo âu.

Gia đình ông Hà Trọng Tâm ở khu 4, xã Liên Hoa, huyện Phù Ninh là một trong những hộ có năng suất chè cao nhất ở xã, bình quân đạt khoảng 18 đến 20 tấn/ha/năm.

Với diện tích gần 4ha chè, mọi năm gia đình ông thu được gần 200 triệu đồng, trừ chi phí cũng còn lãi xấp xỉ 100 triệu đồng.

Tuy nhiên, do giá chè liên tục giảm mạnh, chỉ bằng 2/3 giá so với năm trước nên năm nay gia đình ông không còn lãi.

Theo ông Tâm, năm trước giá chè có thời điểm bán được gần 7.000 đồng/kg búp tươi loại A, bình quân cũng được hơn 6.000 đồng/kg cả vụ.

Năm nay, từ đầu vụ giá chè chỉ dao động ở mức 4.000-4.300 đồng/kg chè loại A, có những thời điểm xuống dưới 4.000 đồng khiến cho ông và nhiều hộ trồng chè trong xã lo lắng.

Với giá chè như hiện nay, trừ chi phí vật tư như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tiền thuê nhân công hái..., người trồng chè không có lãi.

Tại các huyện Tân Sơn, Thanh Sơn giá chè được các đại lý thu mua trên địa bàn hiện nay chỉ còn từ 3.200 đến 3.800 đồng/kg tùy loại.

Theo tính toán, với giá bán như hiện nay người trồng chè đã bị lỗ từ 200-400 đồng/kg. Nhiều hộ gia đình đầu tư mạnh cho cây chè thì càng lỗ nặng. Nhiều hộ không tiếp tục đầu tư mà chỉ chăm sóc để giữ vườn.

Theo Sở Công Thương Phú Thọ, từ đầu năm đến nay giá trị xuất khẩu của ngành chè mới chỉ đạt 9,7 triệu USD, đạt 76% so với cùng kỳ, đạt 25,5% so với kế hoạch năm.

Thông tin từ Sở cũng cho biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng chè tươi mất giá là do sản lượng chè xuất khẩu giảm mạnh, nhiều doanh nghiệp còn tồn khá nhiều hàng cũ, chưa xuất khẩu được nên nhiều doanh nghiệp chế biến, kinh doanh và xuất khẩu chè trên địa bàn tỉnh chỉ thu mua nguyên liệu cầm chừng để duy trì sản xuất.

Một nguyên nhân nữa là nhiều địa phương người trồng chè vẫn còn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tràn lan, không đảm bảo an toàn thực phẩm ảnh hưởng tới sức tiêu thụ.

Các doanh nghiệp chuyên sản xuất chè đen quy mô lớn thì “mạnh ai nấy làm,” chưa chú trọng đến xây dựng quảng bá thương hiệu chè Phú Thọ.

Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều diện tích chè cũ, năng suất thấp, không đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng tham gia xuất khẩu.

Hiện nay, diện tích chè toàn tỉnh Phú Thọ đạt gần 15.720ha, chiếm khoảng 12% diện tích chè và xếp thứ 4 cả nước, đạt năng suất bình quân gần 84 tạ/ha, sản lượng chè búp tươi trên 117.000 tấn.

Cây chè được trồng ở 90% số xã, thị trấn ở các huyện Thanh Sơn, Tân Sơn, Thanh Ba, Đoan Hùng, Hạ Hòa… Tuy nhiên, do sản phẩm chế biến chưa phong phú, chất lượng chưa cao nên khó thâm nhập thị trường khó tính, thậm chí sản phẩm chè chỉ bán để tạo nguyên liệu nên giá trị sản phẩm không cao, khó đa dạng thị trường và càng khó khăn để xây dựng thương hiệu.

Ngoài ra, hầu hết chè của Phú Thọ phải bán qua nhiều thị trường, nhiều cấp nên lợi nhuận thấp; chất lượng tốt, xấu lẫn lộn khó kiểm soát.

Để phát triển vùng chè an toàn, từng bước xây dựng thương hiệu chè Phú Thọ, tỉnh đã quy hoạch ổn định vùng chè an toàn trên 15.000ha tại 9 huyện vùng trọng điểm chè; trong đó có 70-80% diện tích trồng bằng giống mới đủ điều kiện để sản xuất chè an toàn, có 2.000ha được cấp giấy chứng nhận sản xuất theo quy trình an toàn đồng thời tập trung đầu tư thâm canh, cải tạo để nâng năng suất lên 150-200 tạ/ha, xây dựng quy chế quản lý gắn vùng nguyên liệu với cơ sở chế biến.

Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục duy trì ổn định các cơ sở chế biến chè hiện có, tập trung tăng cường quản lý chất lượng và khuyến khích đầu tư chế biến chè chất lượng cao, chè đặc sản.

Mục tiêu đến năm 2015 toàn tỉnh có 75 cơ sở chế biến có hợp đồng với vùng nguyên liệu; phấn đấu đến năm 2020 đạt 100%, tạo mối liên kết chặt chẽ giữa vùng nguyên liệu-cơ sở chế biến-tiêu thụ từ đó xây dựng thương hiệu chè Phú Thọ, tăng giá trị, hiệu quả cây chè.

Tỉnh cũng xây dựng 3-5 doanh nghiệp sản xuất, chế biến chè an toàn có sản phẩm đạt tiêu chuẩn, có thương hiệu sản phẩm chè Phú Thọ; còn lại 50% số cơ sở khác áp dụng tiêu chuẩn quản lý chất lượng tiên tiến, tiến tới hình thành hệ thống kiểm soát, giám sát chất lượng toàn hệ thống chè của tỉnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục