Phú Yên hội tụ nhiều tiềm năng về kinh tế biển và du lịch

Phú Yên là nơi hội tụ nhiều tiềm năng về kinh tế biển và du lịch. Nơi khởi phát nghề câu cá ngừ đại dương của Việt Nam, một nghề mang lại nguồn lợi kinh tế lớn và còn giữ vững chủ quyền biển đảo.

Là một tỉnh Duyên Hải Nam Trung Bộ, Phú Yên hội tụ nhiều tiềm năng về kinh tế biển và du lịch.

Phú Yên còn là nơi khởi phát nghề câu cá ngừ đại dương của Việt Nam, một nghề không chỉ mang lại nguồn lợi kinh tế lớn mà còn góp phần giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Tiềm năng kinh tế biển

“Mỗi năm, tỉnh Phú Yên khai thác được khoảng 6.000 tấn cá ngừ đại dương và 3.000 tấn mực. Trong năm nay, tỉnh đang có kế hoạch đóng mới 185 tàu khai thác và dịch vụ hậu cần; nâng cấp, cải hoán 465 tàu và phấn đấu đến năm 2020 số tàu mới sẽ là 315 tàu, cùng với 705 tàu cá được nâng cấp, cải hoán…”

Nói đến Phú Yên là nói đến nghề đi biển, đặc biệt là nghề câu cá ngừ đại dương. Dân Phú Yên gọi cá ngừ đại dương là “cá bò gù,” bởi loài cá này có lưng gù và thịt đỏ như thịt bò.

Người ta kể rằng, vào năm 1994, một số ngư dân chuyên làm nghề câu cá chuồn ở làng biển Phú Câu (nay thuộc phường 6, thành phố Tuy Hòa) trong một lần đi biển đã tình cờ câu được cá ngừ. Thế rồi từ làng biển Phú Câu, nghề câu cá ngừ đại dương chuyên nghiệp đã hình thành, phát triển mạnh sau đó nhanh chóng lan ra các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ.

Từ đó đến nay, nghề câu cá ngừ đại dương ở Phú Yên phát triển ngày một mạnh mẽ. Nhờ đó mà con cá ngừ đại dương của Việt Nam giờ đã có mặt tại thị trường gần 90 nước trên thế giới, trong đó có 3 thị trường truyền thống là Mỹ, EU và Nhật Bản.

Và nghề câu cá ngừ đại dương của Phú Yên cũng được Chính phủ lựa chọn làm nền tảng để xây dựng chương trình đánh bắt xa bờ cho cả nước. Từ năm 2011, cá ngừ đại dương Phú Yên “Phuyen Tuna” đã trở thành nhãn hiệu cá ngừ đại dương đầu tiên ở Việt Nam được Cục Sở hữu Trí tuệ, Bộ Khoa học-Công nghệ cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.

Để phục vụ cho việc đánh bắt xa bờ, Phú Yên hôm nay đã phát triển được đội tàu hơn 600 chiếc công suất lớn. Nhiều gia đình cả mấy thế hệ đều theo nghề câu cá ngừ đại dương, vươn xa bám biển dài ngày để vừa mưu sinh vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của quê hương.

Phú Yên hội tụ nhiều tiềm năng về kinh tế biển và du lịch ảnh 1Đội tàu câu cá ngừ đại dương của Phú Yên vươn xa bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. (Ảnh: Lê Minh)
Phú Yên hội tụ nhiều tiềm năng về kinh tế biển và du lịch ảnh 2Mỗi năm Phú yên khai thác được khoảng 6.000 tấn cá ngừ đại dương. (Ảnh: Tư liệu Báo ảnh Việt Nam)
Phú Yên hội tụ nhiều tiềm năng về kinh tế biển và du lịch ảnh 3Sơ chế cá ngừ đại dương ở Phú Yên. (Ảnh: Tư liệu Báo ảnh Việt Nam)
Phú Yên hội tụ nhiều tiềm năng về kinh tế biển và du lịch ảnh 4Ngư dân tu sửa tàu cá chuẩn bị cho các chuyến ra khơi bám biển dài ngày. (Ảnh: Lê Minh)
Phú Yên hội tụ nhiều tiềm năng về kinh tế biển và du lịch ảnh 5Phú Yên còn có lợi thế về nuôi trồng các loài thủy sản chất lượng cao như tôm hùm, tôm thẻ chân trắng, ốc hương, cá mú, cá chẽm... với sản lượng hơn 10.000 tấn/năm. (Ảnh: Thông Hải)
Phú Yên hội tụ nhiều tiềm năng về kinh tế biển và du lịch ảnh 6Nghề nuôi tôm hùm hiện góp phần đáng kể vào sản lượng của ngành thủy sản Phú Yên. (Ảnh: Thông Hải)
Phú Yên hội tụ nhiều tiềm năng về kinh tế biển và du lịch ảnh 7Chế biến khô cá bò xuất khẩu đi Hàn Quốc tại Công ty TNHH Anh Minh Quân. (Ảnh: Thông Hải)

Lão ngư Phan Thuẫn, sau 50 năm bám biển giờ đã lui về nghỉ ngơi, nhưng ở cương vị Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá phường 6, thành phố Tuy Hòa, ông vẫn ngày đêm gắn bó với cái nghề đi biển của bà con ngư dân. Bản thân ông có 5 người con, cả 5 đứa đều theo nghề câu cá ngừ đại dương.

Hay như ở làng Đông Tác, phường Phú Đông, có hai anh em sinh đôi Lương Công Đồng và Lương Công Đông được mệnh danh là “sói biển.” Họ sở hữu mỗi người một tàu cá công suất 400CV, là chỗ dựa vững chắc cho hàng chục bạn thuyền trong mỗi chuyến ra khơi bám biển dài ngày.

Bên cạnh thế mạnh đánh bắt xa bờ, Phú Yên còn có lợi thế về nuôi trồng các loài thủy sản chất lượng cao như tôm hùm, tôm thẻ chân trắng, ốc hương, cá mú, cá chẽm... với sản lượng hơn 10.000 tấn/năm.

Phú Yên là địa phương có đầy đủ các loại hình giao thông đường thủy, đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường biển. Với địa thế là cửa ngõ thông ra biển của khu vực Tây Nguyên, lại giáp ranh với các địa phương có tiềm lực kinh tế và năng động như Bình Định, Khánh Hòa nên có nhiều lợi thế trong phát triển kinh tế.

Hiện nay, 3 khu công nghiệp gồm Hòa Hiệp, An Phú và Đông Bắc Sông Cầu của Phú Yên với kết cấu hạ tầng được xây dựng khá hoàn chỉnh đang thu hút mạnh vốn đầu tư trong và ngoài nước, tạo công ăn việc làm cho người lao động, tiếp nhận công nghệ mới, sản xuất hàng xuất khẩu, hàng tiêu dùng chất lượng cao để thay thế hàng nhập khẩu.

Bên cạnh đó, các cụm sản xuất tiểu thủ công nghiệp ở các huyện cũng có vai trò tạo điều kiện duy trì và phát triển nghề truyền thốngvới quy mô phù hợp để khai thác có hiệu quả nguồn nguyên liệu và giải quyết nguồn lao động tại chỗ ở nông thôn.

Theo ông Lê Văn Thành, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Phú Yên cho biết trong tương lai, khi dự án Nhà máy Lọc hóa dầu Vũng Rô được xây dựng sẽ là thỏi nam châm thu hút các dự án khác đến tham gia đầu tư như dự án sản xuất phân bón, khí gas... biến nơi đây thành một trung tâm công nghiệp lớn của miền Trung.

Và trên thực tế, Phú Yên hiện đã có 39 dự án nước ngoài đang hoạt động, với tổng vốn đầu tư 318,5 triệu USD và 114 dự án trong nước, với tổng vốn đầu tư là 9.796 tỷ đồng.

Tiềm năng du lịch

Từ bao đời nay, Phú Yên luôn là mảnh đất yên bình, hiền hòa, cảnh vật nên thơ dễ níu chân du khách. Thành phố Tuy Hòa với những khu dân cư nằm ẩn hiện giữa những cánh đồng xanh mỡ màng, ôm trọn lấy ngọn núi Chóp Chài nên thơ; những bãi biển trong xanh, những triền cát trắng bao la, những gành đá hoang sơ, mang vẻ đẹp kỳ thú của tạo hóa; ngôi nhà thờ Mằng Lăng rêu phong, trầm mặc… Tất cả làm nên những vẻ đẹp rất riêng cho mảnh đất này.

Nói đến Phú Yên là phải nhắc đến danh thắng ghềnh Đá Đĩa ở xã An Ninh Đông, huyện Tuy An, với hiện tượng địa chất hết sức độc đáo, kỳ lạ có một không hai ở Việt Nam. Nhìn từ xa, ngay bên bờ biển gầm gào tung bọt trắng xóa, ghềnh Đá Đĩa trông giống như một cái tổ ong khổng lồ được hình thành nên từ vô số khối đá hình ngũ giác, lục giác xếp chồng lên nhau hết lớp nọ đến lớp kia, đều tăm tắp như có bàn tay người sắp đặt.

Lượng khách du lịch đến Phú Yên giai đoạn 2011-2015 tăng bình quân 20%/năm, trong đó khách quốc tế tăng khoảng 10%/năm; doanh thu du lịch thuần túy tăng 30%. Năm 2015, tổng lượt khách du lịch đến Phú Yên khoảng 900.000 lượt, trong đó khách quốc tế khoảng trên 30.000 lượt, doanh thu du lịch thuần túy khoảng trên 850 tỷ đồng.

Phú Yên hội tụ nhiều tiềm năng về kinh tế biển và du lịch ảnh 8Danh thắng ghềnh Đá đĩa (xã An Ninh Đông, huyện Tuy An), nơi có hiện tượng địa chất độc đáo của Việt Nam với vô số khối đá hình ngũ giác, lục giác xếp chồng lên nhau. (Ảnh: Trọng Đạt)
Phú Yên hội tụ nhiều tiềm năng về kinh tế biển và du lịch ảnh 9Nhà thờ Mằng Lăng có lịch sử gần 120 năm với kiến trúc cổ kính là một công trình mang đậm dấu ấn văn hóa trên vùng đất Phú Yên. (Ảnh: Thông Hải)
Phú Yên hội tụ nhiều tiềm năng về kinh tế biển và du lịch ảnh 10Tháp Nhạn, một biểu tượng văn hóa độc đáo trên vùng đất Phú Yên. (Ảnh: Thông Hải)
Phú Yên hội tụ nhiều tiềm năng về kinh tế biển và du lịch ảnh 11Khung cảnh ngoạn mục tại ghềnh Đèn, xã An Chấn, huyện Tuy An. (Ảnh: Thông Hải)
Phú Yên hội tụ nhiều tiềm năng về kinh tế biển và du lịch ảnh 12Danh thắng quốc gia đầm Ô Loan, nơi có phong cảnh hữu tình và nhiều sản vật hấp dẫn. (Ảnh: Tư liệu Báo ảnh việt Nam)

Cũng ở huyện Tuy An, danh thắng quốc gia đầm Ô Loan nhìn từ trên cao như một chú chim khổng lồ đang trong tư thế sẵn sàng tung cánh bay vút lên bầu trời. Đầm Ô Loan phong cảnh hữu tình và có nhiều sản vật hấp dẫn, đặc biệt là món sò huyết Ô Loan nổi tiếng khắp vùng.

Nằm bên dòng sông Ba yên bình, nhà thờ cổ Mằng Lăng với lịch sử gần 120 năm tồn tại, hiện đang cất giữ trong mình một báu vật của quốc gia, đó chính là cuốn sách “Phép giảng tám ngày,” cuốn sách chữ quốc ngữ đầu tiên của người Việt, do linh mục Alexandre de Rhodes in vào năm 1651 tại Roma của Italy.

Xuôi về phía Nam, Vũng Rô thuộc xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa là một vùng trời biển xanh ngắt được bao bọc bởi Đèo Cả, núi Đá Bia và Hòn Bà. Tại đây, du khách có thể khám phá đại dương tuyệt đẹp hay chinh phục đỉnh núi Đá Bia lúc nào cũng chìm trong sương trắng. Cách Vũng Rô không xa là mũi Đại Lãnh, điểm cực Đông trên đất liền, nơi đón ánh bình minh đầu tiên của dải đất hình chữ S.

Với tiềm năng lớn về biển và vẻ đẹp của đất trời đã đi vào thơ ca, phim ảnh đang mở ra cho Phú Yên một cơ hội lớn để phát triển./.

(Đẹp/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục