Phương án tự chủ của các nước phương Nam trong toàn cầu hóa

Hội thảo quốc tế “Các phương án tự chủ của các nước phương Nam trong thế giới toàn cầu hóa” đã được tổ chức ngày 13/8 tại Hà Nội.

Ngày 13/8, tại Hà Nội, Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam phối hợp với Mạng lưới Đoàn kết Nhân dân Nam-Nam tổ chức hội thảo quốc tế “Các phương án tự chủ của các nước phương Nam trong thế giới toàn cầu hóa.”

Tham dự có nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam Nguyễn Thị Bình; Phó Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Trần Đắc Lợi; bà Nadja Charaby, Giám đốc Viện Rosa Luxemburg tại khu vực Đông Nam Á; đại diện Bộ Ngoại giao, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và các viện nghiên cứu trong nước, cùng một số học giả, nhà hoạt động xã hội từ: khu vực ASEAN, châu Á, Mỹ Latinh, châu Âu, đại diện một số tổ chức quốc tế và Đại sứ quán một số nước tại Hà Nội.

Phát biểu khai mạc hội thảo, thay mặt Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình nhiệt liệt chào mừng các đại biểu quốc tế và đại biểu trong nước đã tham dự hội thảo về một đề tài quan trọng đối với các nước phương Nam và thế giới.

Bà Nguyễn Thị Bình nhấn mạnh tiếp theo các cuộc Hội thảo tại Diễn đàn xã hội thế giới tại Tunisia tháng 3/2013 và Hội nghị Algeria tháng 9/2013 của Mạng lưới đoàn kết nhân dân Nam-Nam, mục đích cuộc Hội thảo là nhận diện những thách thức, những nghịch lý cũng như những cơ hội đang đặt ra đối với các nước phương Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự thay đổi nhanh chóng trong cục diện và tình hình quốc tế ngày nay; từ đó có thể đề xuất những giải pháp cho các nước phương Nam nhằm bảo vệ được độc lập, tự chủ, phát triển bền vững, góp phần xây dựng một thế giới công bằng và tốt đẹp hơn.

Bà Nguyễn Thị Bình nêu rõ sang năm 2015 đánh dấu kỷ niệm 60 năm hội nghị Bandung (1955) với tinh thần “Bandung” được xem như biểu tượng của tình đoàn kết và hợp tác giữa các nước phương Nam; đồng thời năm 2015 cũng là thời điểm hình thành Cộng đồng ASEAN với mục tiêu tăng cường hợp tác giữa các quốc gia ASEAN nhăm duy trì và tăng cường an ninh, hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực.

Bà Nguyễn Thị Bình nêu bật 4 vấn đề, trong đó gồm vấn đề lựa chọn mô hình phát triển của các nước phương Nam trong sự tác động của các chính sách tự do mới và trật tự kinh tế thế giới ngày nay; Mô hình chính trị, tổ chức và quản lý xã hội để quyền lực thực sự là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Vấn đề thứ ba là trật tự quan hệ quốc tế mà trong đó quan hệ Bắc-Nam là then chốt và cuối cùng là về quan hệ Nam-Nam.

Giám đốc Viện Rosa Luxemburg, bà Nadja Charaby đã nêu bật những thách thức của các quốc gia Phương Nam cần vượt qua trong giai đoạn hiện nay cũng như sự hỗ trợ để xây dựng phương án tăng cường tình đoàn kết, các dự án về phát triển xanh, duy trì những kết nối truyền thống và kết nối những kinh nghiệm phát triển của các nước phương Bắc và phương Nam...

Hội thảo diễn ra trong hai ngày, các đại biểu quốc tế và trong nước tập trung thảo luận về việc tự chủ đi lên của các nước phương Nam; tác động của trật tự kinh tế thế giới và toàn cầu hóa đối với sự phát triển và chủ quyền kinh tế của các nước phương Nam; điển hình về thành công hợp tác; những bài học thực tế về phát triển của các nước phương Nam-kinh nghiệm ở các khu vực đặc biệt là Mỹ Latinh và ASEAN, phong trào không liên kết...

Mạng lưới Đoàn kết Nhân dân Nam-Nam là mạng lưới của các tổ chức xã hội tiến bộ, các phong trào nhân dân và cá nhân từ châu Phi, châu Á, khu vực Caribbean và Mỹ Latinh đấu tranh vì thế giới hòa bình, an ninh, công bằng và sự phát triển bền vững lấy con người làm trung tâm.

Mục tiêu của Mạng lưới này là đẩy mạnh trao đổi thông tin và kinh nghiệm giữa các tổ chức thành viên, tăng cường nghiên cứu chung về các giải pháp thay thế của con người đối với toàn cầu hóa và thúc đẩy kết nối những hành động chung và tiến trình thay thế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục