Phương thức đo lường mới trong nỗ lực giảm nghèo ở Việt Nam

Tiếp cận nghèo đa chiều sẽ phân loại, đánh giá, xác định rõ đối tượng, trên cơ sở đó xây dựng các chính sách cho từng nhóm đối tượng phù hợp.
Phương thức đo lường mới trong nỗ lực giảm nghèo ở Việt Nam ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Tại Hội thảo trao đổi Nam-Nam: “Giải quyết nghèo đa chiều và cải thiện cung cấp dịch vụ” do Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và Tổ chức Liên hợp quốc tại Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 15/12, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm cho rằng tiếp cận nghèo đa chiều sẽ phân loại, đánh giá, xác định rõ đối tượng, trên cơ sở đó xây dựng các chính sách cho từng nhóm đối tượng phù hợp.

Theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020 Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành, các tiêu chí tiếp cận đo lường gồm tiêu chí về thu nhập và mức độ thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản ở 5 chiều: giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch-vệ sinh, môi trường và thông tin.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm, thành tựu quan trọng sau 20 năm thực hiện các chính sách giảm nghèo ở Việt Nam là số hộ nghèo giảm từ 58% năm 1992 xuống còn 4,5% vào cuối năm 2015.

Trong suốt quá trình đó, việc sử dụng thước đo giảm nghèo duy nhất là bình quân thu nhập đầu người đã bộc lộ nhiều hạn chế, không phản ánh hết tình trạng nghèo đói của người dân và chưa thực hiện được mục tiêu phát triển toàn diện, bền vững.

"Nếu chỉ xác định nghèo theo tiêu chí thu nhập thì sẽ bỏ sót đối tượng. Số hộ nghèo dưới mức chuẩn nghèo sẽ được tiếp cận chính sách nghèo đa chiều, còn số hộ trên chuẩn nghèo thì chưa tiếp cận được nghèo đa chiều. Đó là vấn đề mấu chốt để Việt Nam có sự thay đổi thực hiện chính sách từ nghèo đơn chiều sang nghèo đa chiều," Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm khẳng định.

Nêu bật những thành tựu giảm nghèo tại thành phố trong 23 năm qua, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Thu cho biết hiện thành phố đã kết thúc giai đoạn 4 của Chương trình giảm nghèo bền vững (2014-2015) với kết quả chỉ còn 0,76% (tương đương 14.855 hộ nghèo) có thu nhập bình quân 16 triệu đồng/người/năm trở xuống; còn 2,23% tương đương 44.222 hộ cận nghèo có thu nhập dưới 21 triệu đồng/người/năm.

Tuy nhiên, công tác giảm nghèo tại Thành phố Hồ Chí Minh vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, số hộ có khả năng tái nghèo còn cao và nhiều người dân thành phố còn thiếu hụt trong tiếp cận các dịch vụ xã hội và điều kiện sống cơ bản.

Hiện nay, Thành phố đã có những khảo sát, đánh giá và nghiên cứu thử nghiệm ở quận 6, 11, Tân Phú và huyện Bình Chánh đồng thời triển khai quy trình rà soát, lập danh sách hộ nghèo, cận nghèo và phân loại đối tượng nghèo; xây dựng khung chính sách cụ thể giải quyết các thiếu hụt cụ thể.

Bà Pratibha Mehta, Điều phối viên Thường trú của Liên hợp quốc, Đại diện Thường trú của Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam cho biết việc chia sẻ kinh nghiệm mới nhất trong đo lường, giải quyết nghèo đói và cung cấp dịch vụ công cho bộ phận dân cư dễ bị tổn thương sẽ góp phần giúp Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, Việt Nam nói chung có được khuôn khổ thể chế và cơ chế phối hợp hiệu quả khi áp dụng nghèo đa chiều cũng như để cải thiện việc cung cấp dịch vụ vào thực tiễn.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm của Thành phố Hồ Chí Minh và các nước Trung Quốc, Mông Cổ, Campuchia, Malaysia, Indonesia và Pakistan trong việc tăng cường quản trị nhà nước để thực hiện nghèo đa chiều, áp dụng phương pháp nghèo đa chiều trong đo lường và giải quyết các chiều nghèo khác nhau...

Các đại biểu cũng cho rằng nghèo đa chiều là phương pháp mới nên chưa có hình mẫu, quy định chung, do đó cần được chia sẻ thông tin giữa các quốc gia, các chuyên gia trong lĩnh vực giảm nghèo, tạo cơ sở bước đầu để cùng tiếp tục nghiên cứu, chuyển đổi tiếp cận nghèo đa chiều nhằm thực hiện giảm nghèo bền vững tại Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục