QH thảo luận dự luật phòng, chống tác hại thuốc lá

Sáng 22/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII, sáng 22/5, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá do Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai trình bày, nêu rõ những điểm còn có ý kiến khác nhau trong dự thảo luật: về tính khả thi của các hành vi bị nghiêm cấm; việc thành lập Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá; việc xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá…

Thảo luận về thành lập Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá, các đại biểu Phạm Khánh Phong Loan (Thành phố Hồ Chí Minh), Nguyễn Xuân Trường (Hải Phòng), Nguyễn Thu Anh (Lâm Đồng), Phạm Đức Châu (Quảng Trị)... đồng tình với việc cần thiết thành lập quỹ.

Về nguồn thu của quỹ, các đại biểu tán thành với phương án Quỹ được thành lập từ khoản đóng góp bắt buộc của cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc lá tính bằng tỷ lệ phần trăm (%) trên giá bán thuốc lá chưa có thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, nhưng tối đa không quá 2%; đồng thời huy động thêm từ nguồn tài trợ, đóng góp tự nguyện của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước, quốc tế và nguồn thu hợp pháp khác nhằm xã hội hóa Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) đề xuất nên đổi tên quỹ thành Quỹ chăm sóc sức khỏe nhân dân để khi các luật khác ra đời cũng có thể đóng góp thêm vào quỹ. Quỹ do Bộ trưởng Bộ Y tế quản lý. Đây là hình thức đã được nhiều nước áp dụng và được Tổ chức Y tế Thế giới (WTO) khuyến khích xây dựng để có nguồn quỹ chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Trái với quan điểm này, các đại biểu Đặng Thị Kim Chi (Phú Yên), Trương Văn Vở (Đồng Nai), Nguyễn Xuân Thủy (Phú Thọ), Trịnh Đình Thạch (Quảng Ngãi) không đồng tình với việc thành lập Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá. Đại biểu Nguyễn Xuân Thủy cho rằng việc phòng chống tác hại của thuốc lá có thể đưa vào chương trình mục tiêu quốc gia và ngân sách nhà nước phân bổ cho các địa phương thực hiện; đồng thời có thể tranh thủ các nguồn thu xã hội khác. Theo đại biểu Đặng Thị Kim Chi nên quy định thuốc lá phải đóng thuế thu nhập đặc biệt.

Nhiều đại biểu nhất trí với quy định in cảnh báo sức khỏe bằng chữ và hình ảnh chiếm ít nhất 50% diện tích của vỏ bao thuốc lá. Theo đại biểu Phạm Khánh Phong Loan (thành phố Hồ Chí Minh), vấn đề tuyên truyền, quảng bá cho người dân biết về tác hại của thuốc lá không chỉ là trách nhiệm của Bộ Y tế, mà cần nâng cao sự tham gia của các bộ, ngành, toàn xã hội, đặc biệt là các phương tiện truyền thông đại chúng. Theo đại biểu Phong Loan, nếu các cơ quan truyền thông cũng có một chương trình định kỳ tuyên truyền về tác hại của thuốc lá, sức khỏe của cộng đồng sẽ được bảo đảm.

Về biện pháp phòng, chống thuốc lá nhập lậu, thuốc lá giả, đại biểu Phạm Khánh Phong Loan (thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng cần tăng mức phạt trong trường hợp nhập lậu, nhập trái phép thuốc lá, không những xử lý vi phạm hành chính mà có thể lên tới xử lý hình sự đồng thời phải tiêu hủy, không tái xuất thuốc lá nhập lậu vì nếu không kiểm soát được sẽ dẫn đến việc nhập lậu thuốc lá diễn ra nhiều hơn. Các đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận), Nguyễn Xuân Thủy (Phú Thọ)... cũng đồng tình với việc không nên tái xuất thuốc lá nhập lậu.

Tại phiên làm việc buổi sáng, các đại biểu Quốc hội đã dành nhiều thời gian thảo luận về vấn đề quảng cáo, số lượng thuốc lá trong mỗi bao, hình thức xử lý vi phạm, trách nhiệm người hút thuốc lá... Nhiều đại biểu cũng đề nghị Chính phủ cần sớm ban hành nghị định hướng dẫn, trong đó quy định rõ trách nhiệm của Chính phủ, nhất là trong việc điều hành để bảo đảm sự phối hợp xử lý vi phạm theo quy định, việc quản lý thị trường, cấm buôn lậu thuốc lá.../.

Phúc Hằng (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục