“Quả bom Hồ sơ Panama” và sự rung lắc của “giới nhà giàu Việt”

Nhiều nhân vật nổi tiếng trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bất động sản, chứng khoán… có tên trong "Hồ sơ Panama" lên tiếng khẳng định về tính hợp pháp trong các hoạt động đầu tư ra nước ngoài.
“Quả bom Hồ sơ Panama” và sự rung lắc của “giới nhà giàu Việt” ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: BBC)

Sự kiện tờ báo Sueddeutsche Zeitung (Đức) công bố “11,5 triệu tài liệu của Công ty luật Mossack Fonseca ở Panama và văn phòng tại hơn 35 nước trên thế giới, với các hoạt động được cho rằng đã giúp đỡ khách hàng trốn thuế và rửa tiền thông qua việc lập 214.000 công ty ma,” đã gây rúng động giới truyền thông toàn cầu với sức nặng “bom tấn.”

Tài liệu này còn có tên gọi là Panama Papers, ghi lại hoạt động hàng ngày của Công ty luật Mossack Fonseca trong suốt 40 năm (từ khoảng thập niên 1970) và điều đáng nói ở đây là Việt Nam cũng không nằm ngoài tầm ảnh hưởng của Hồ sơ Panama.

Bài 1: Không ít cá nhân, doanh nghiệp Việt “toát mồ hôi” về Hồ sơ Panama

Trong đợt công bố ngày 9/5, đã có 189 cá nhân có liên quan tới Việt Nam trong đó thậm chí không thiếu những cái tên thuần Việt. Hiệp hội Các nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ) đã phát đi Hồ sơ Panama với những dữ liệu mới nhất liên quan đến 189 các cá nhân, doanh nghiệp Việt Nam.

Ngay lập tức, một loạt các nhân vật nổi tiếng trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bất động sản, chứng khoán… đã lên tiếng khẳng định về tính hợp pháp trong các hoạt động đầu tư ra nước ngoài của mình.

Trong lĩnh vực tài chính, Hồ sơ Panama có nhắc đến tên ông Nguyễn Duy Hưng Chủ tịch là cổ đông của Công ty Nguyễn Duy Hưng (NDH Co.Ltd), địa chỉ tại 1C Ngô Quyền, phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Trước vấn đề này, Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) đã phát đi thông báo, SSI và Công ty Nguyễn Duy Hưng là hai thành viên góp vốn của Quỹ Đầu tư thành viên SSI do Công ty trách nhiệm hữu hạn quản lý quỹ SSI (SSIAM).

Về mặt pháp lý, SSIAM và Quỹ đầu tư thành viên SSI đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài số 249/BKH-ĐTRNN-DDC1 ngày 31/08/2010 để thực hiện các hoạt động đầu tư ra nước ngoài.

Theo ông nguyễn Duy Hưng, kể từ thời điểm được cấp Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài, SSIAM đã  thực hiện các hoạt động đầu tư hoàn toàn tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam, luật pháp quốc tế và luật pháp của nước nơi SSIAM thực hiện các hoạt động đầu tư.

“SSIAM không có bất kỳ hoạt động nào liên quan đến các hành vi trốn thuế, rửa tiền hay bất kỳ hành vi vi phạm pháp luật nào khác. SSIAM đã thực hiện đầy đủ các các nghĩa vụ tài chính tài chính đối với Nhà nước Việt Nam cũng như tại nước sở tại nơi SSIAM thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài.

Như vậy, việc SSIAM thực hiện việc thành lập Công ty ở nước ngoài và mở tài khoản tiền ở nước ngoài để thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài là theo đúng quy định tại Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài, tuân thủ các quy định của nước sở tại và hoàn toàn hợp pháp,” ông Hưng nhấn mạnh.

Về pháp lý, hiện tại chưa có bất kỳ quốc gia nào cấm hành động mở công ty ở nước ngoài để quản lý tài sản, rất nhiều quỹ đầu tư, cả ở Việt Nam và thế giới sử dụng các công ty ở nước ngoài làm pháp nhân cho  thực hiện các hoạt động kinh doanh của mình.

Do đó, đại diện SSI khẳng định “việc một công ty đầu tư ra nước ngoài khi đã được Cơ quan quản lý cấp phép là hoàn toàn bình thường, minh bạch và tuân theo quy định của pháp luật. Việc xuất hiện trong danh sách Hồ sơ Panama không đồng nghĩa với việc công ty và các đại diện pháp lý đã có hành vi liên quan đến trốn thuế hay rửa tiền.”

Trên thực tế, bản thân Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) cũng đã khẳng định và tuyên bố rõ ràng trong phần Từ chối trách nhiệm (Disclaimer) và phần Trả lời câu hỏi thường xuyên (Frequently Asked Questioned) trên Trang thông tin chính thức của họ là  "việc thành lập các công ty và quỹ tín thác offshore thường là hợp pháp. Chúng tôi không khuyến nghị hoặc ám chỉ các cá nhân, công ty hoặc các tổ chức có tên trong ICIJ Offshore Leaks Database đã có những hành vi vi phạm pháp luật hoặc có các hành vi không chuẩn mực”.

Một trường hợp khác, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, cổ đông của Sovico Holding cũng là Phó Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Nhà Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank) đồng thời là Tổng giám đốc Vietjet Air. Theo Hồ sơ Panama, bà Thảo hiện có liên quan tới Ariana Hotels & Resort International có trụ sở quần đảo Virgin thuộcVương quốc Anh.

Bà Thảo cho biết, năm 2005, Sovico Corporation PTE Ltd đã thắng thầu quốc tế khi mua lại toàn bộ phần vốn góp của các công ty thuộc tập đoàn Lai Sun (Hong Kong) và trở thành nhà đầu tư nước ngoài tại Furama Resort và Best City Finance.

Bà Thảo cũng khẳng định, các thủ tục pháp lý thông qua đấu thầu quốc tế, kế thừa pháp nhân ở nước ngoài là công khai, minh bạch và phù hợp với luật pháp nước sở tại.

Cụ thể, Công ty Furama được thành lập từ năm 1992 từ Lai Sun (Hong Kong) thành lập và sau đó được Sovico Corporation PTE Ltd mua lại. Bà Thảo lý giải, Công ty Furama là do Mossack Fonseca tư vấn nên khi Sovico mua lại đã xuất hiện tên có tên trong Hồ sơ đó.

Tại lĩnh vực chính ngân hàng, bà Đàm Bích Thủy, nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng ANZ Việt Nam, có liên quan tới Công ty cho thuê mua tài chính ANZ V-Trac nằm trong Hồ sơ Panama cũng cho hay, vì thời điểm đó bà cũng đồng quản lý ANZ V-Trac (quần đảo Virgin) nên có trong danh sách trên, đây đơn giản là hoạt động lưu giữ hồ sơ.

Dữ liệu từ Hiệp hội Các nhà báo Điều tra Quốc tế cho thấy, Việt Nam có 19 công ty "vỏ bọc" được thành lập tại nước ngoài và những công ty này chủ yếu được đặt tại Quần đảo British Virgin thuộc Anh.

Ngay sau khi có thông tin này, đại diện Tổng cục Thuế cũng cho biết, đây là vụ việc liên quan tới nhiều cơ quan và ngành thuế chỉ là một trong số này. Tuy nhiên Tổng cục sẽ kiểm tra thông tin người Việt trong Hồ sơ Panama./.

Bài 2: Lập tiểu ban kiểm tra vụ "Hồ sơ Panama" nhắc tên người Việt

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục