Quan hệ tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa

Phát triển kinh tế luôn cần thiết, nhưng sự phát triển kinh tế không được phép bỏ qua những nhu cầu cơ bản của con người.
Hội thảo khoa học “Mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội”, đã diễn ra ngày 11/10, tại Hà Nội.

Hội thảo do Hội đồng Lý luận Trung ương, Ban Chủ nhiệm Chương trình nghiên cứu khoa học lý luận chính trị cấp nhà nước, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức nhằm đề xuất những kiến nghị góp phần tổng kết, bổ sung, phát triển Cương lĩnh và chuẩn bị các văn kiện trình Đại hội XI của Đảng, .

Các tham luận gửi đến và trình bày tại hội thảo tập trung phân tích, làm rõ quá trình nhận thức, phát triển tư duy lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam về mối quan hệ và giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; tình hình thực hiện mối quan hệ này từ khi ban hành Cương lĩnh năm 1991 đến nay và đề xuất các kiến nghị ở tầm Cương lĩnh và các Báo cáo Chính trị về các vấn đề liên quan đến mối quan hệ này.

Nhìn lại quá trình nhận thức của Đảng Cộng sản Việt Nam về mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, các nhà khoa học khẳng định: Đảng Cộng sản Việt Nam luôn luôn chú ý đến mối quan hệ này.

Trên cơ sở nhận thức rõ tính mâu thuẫn và thống nhất trong quá trình tăng trưởng kinh tế và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, Đảng Cộng sản Việt Nam đã từng bước đề ra những quan điểm, chủ trương và giải pháp kịp thời, đúng đắn để xử lý mối quan hệ này.

Nghiên cứu về “quan điểm của Chủ nghĩa Mác Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện công bằng xã hội”, Giáo sư Trần Văn Bính, Học viện Chính trị-Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh rút ra bài học: phát triển kinh tế, làm tăng của cải vật chất của xã hội luôn cần thiết, nhưng sự phát triển kinh tế không được phép bỏ qua những nhu cầu cơ bản của con người.

Các chính sách đều phải xuất phát từ nhu cầu của đại đa số quần chúng nhân dân, chứ không thể xuất phát từ lợi ích cá nhân của người hoạch định chính sách, của một nhóm, một tập đoàn nào đó.

Theo Giáo sư Bính, cần đặt con người ở vị trí trung tâm các chủ trương chính sách, các chính sách phát triển kinh tế phải luôn luôn đồng hành với các chính sách xã hội, phải tạo điều kiện để phát triển và hoàn thiện con người, bảo vệ và cải thiện môi trường sống.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Duy Đức, Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị-Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng để xây dựng và phát triển văn hóa, thực hiện công bằng xã hội, Đảng và Nhà nước cần đầu tư vào xây dựng chiến lược xây dựng con người, đồng thời đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Thuyết, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khẳng định: nhờ kinh tế tăng trưởng nhanh, liên tục và ổn định trong thời gian dài, đầu tư của Nhà nước trong lĩnh vực văn hóa được tăng cường, tạo điều kiện triển khai các chính sách xã hội, phát triển hệ thống an sinh xã hội.

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết đã đề xuất 4 kiến nghị để thực hiện tốt hơn mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội là tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các doanh nghiệp; tăng cường đầu tư cho các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ; cải cách tài chính công, điều chỉnh chính sách về đất đai, chính sách lương và tăng cường dân chủ, bảo đảm tính minh bạch công khai, đẩy mạnh đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí.

Qua nghiên cứu lý luận, kinh nghiệm nhiều nước và thực tiễn Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Đức Thân, Đại học Kinh tế Quốc dân đề nghị quan điểm tổng quát là tăng trưởng kinh tế gắn với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội ngay trong từng bước phát triển và trong suốt quá trình phát triển; phát triển kinh tế bền vững gắn với bảo vệ môi trường, bảo đảm an sinh xã hội, giảm bất bình đẳng; bảo đảm thống nhất chính sách phát triển kinh tế và chính sách xã hội.

Tại hội thảo, các nhà khoa học đã trao đổi kinh nghiệm giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện công bằng xã hội của một số nước trên thế giới./

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục