Quan hệ Việt-Trung tiếp tục duy trì xu thế phát triển tích cực

Chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình diễn ra trong bối cảnh quan hệ Việt Nam-Trung Quốc đang duy trì xu thế phát triển tích cực.
Quan hệ Việt-Trung tiếp tục duy trì xu thế phát triển tích cực ảnh 1Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hội kiến với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình nhân dịp sang dự Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Phátxít của nhân dân thế giới tại Bắc Kinh hồi tháng 9/2015. (Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN)

Nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trương Tấn Sang, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình sẽ thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 5-6/11.

Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước Trung Quốc trong 9 năm qua. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ Việt Nam-Trung Quốc đang duy trì xu thế phát triển tích cực. Lãnh đạo cấp cao hai nước tiếp xúc, gặp gỡ thường xuyên, qua đó hai bên đã đạt được nhận thức chung quan trọng về các phương hướng, biện pháp thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển ổn định, lành mạnh và bền vững trong thời gian tới.

Hoạt động giao lưu, hợp tác giữa hai Đảng tiếp tục được duy trì. Tháng 6/2015, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh và Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên truyền Trung ương Trung Quốc Lưu Kỳ Bảo đồng chủ trì Hội thảo lý luận giữa hai Đảng lần thứ XI.

Năm 2015, hai bên tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Trung Quốc. Quan hệ giao lưu, hợp tác giữa các bộ, ban, ngành, địa phương hai nước được đẩy mạnh. Hoạt động giao lưu nhân dân diễn ra sôi động, tạo cơ hội tăng cường hiểu biết giữa nhân dân hai nước, trong đó tiêu biểu như: Hội nghị lần thứ 7 Ủy ban công tác liên hợp giữa các tỉnh Hà Giang, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng của Việt Nam với Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây, Trung Quốc tháng 4/2015.

Ngoài ra, hai bên cũng tổ chức thành công Chương trình Du lịch đỏ - Theo dấu chân Bác Hồ và Liên hoan nhân dân biên giới Việt-Trung tại Quảng Tây, Trung Quốc vào tháng 5/2015.

Quan hệ hợp tác kinh tế, trao đổi thương mại, đầu tư có tiến triển. Kim ngạch thương mại hai chiều 9 tháng năm 2015 đạt hơn 49 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Tháng 10/2015, hai bên đã tiến hành kỳ họp thứ 9 Ủy ban hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam-Trung Quốc; Phiên họp lần thứ nhất cấp bộ trưởng Nhóm công tác hợp tác cơ sở hạ tầng Việt Nam-Trung Quốc. Việt Nam cũng đã khai trương Văn phòng xúc tiến thương mại đầu tiên tại Trùng Khánh, thủ phủ của tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc, tháng 5/2015. Tuy nhiên, thâm hụt thương mại của Việt Nam từ Trung Quốc ngày càng cao, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc 9 tháng năm 2015 đạt khoảng 12,4 tỷ USD, nhưng kim ngạch nhập khẩu lại lên tới 36,7 tỷ USD.

Đến nay, Trung Quốc có gần 1.180 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký trên 8,4 tỷ USD, đứng thứ 9 trong 105 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Trung Quốc vẫn dẫn đầu về lượng du khách đến Việt Nam, với hơn 12,6 triệu lượt khách trong 9 tháng năm 2015.

Tình hình biên giới trên bộ và Vịnh Bắc Bộ cơ bản ổn định. Mặc dù hai bên tiếp tục các cơ chế đàm phán về vấn đề trên biển, nhưng diễn biến trên Biển Đông còn phức tạp.

Sau 37 năm thực hiện cải cách mở cửa, Trung Quốc đã đạt được nhiều thành tựu to lớn về phát triển kinh tế-xã hội. Với tốc độ tăng trưởng bình quân 9-10% mỗi năm, Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới vào năm 2010. Năm 2014, tổng GDP của Trung Quốc đạt 10.360 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người khoảng 7.600 USD. Trung Quốc đang là quốc gia đứng đầu thế giới về thương mại và đầu tư; tổng kim ngạch ngoại thương của Trung Quốc năm 2014 đạt khoảng 4.300 tỷ USD; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt gần 120 tỷ USD, đầu tư trực tiếp ra nước ngoài (ODI) khoảng 103 tỷ USD; dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới với trên 3.500 tỷ USD.

Khoa học kỹ thuật của Trung Quốc thời gian qua có những bước phát triển vượt bậc, đặc biệt trong các lĩnh vực hàng không vũ trụ, công nghệ thông tin, vật liệu xây dựng mới, hải dương học và kỹ thuật quân sự... Hệ thống cơ sở hạ tầng phát triển rất nhanh chóng, đặc biệt là hệ thống đường sắt cao tốc với tổng chiều dài lên tới gần 16.000 km, chiếm hơn 60% tổng chiều dài đường sắt cao tốc toàn thế giới.

Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18 tháng 11/2012 đã xác định mục tiêu chiến lược phát triển đất nước với lộ trình 2 bước. Theo đó, đến năm 2020, Trung Quốc sẽ hoàn thành việc xây dựng toàn diện xã hội khá giả với tổng GDP và thu nhập bình quân đầu người tăng gấp đôi so với năm 2010; đến năm 2049 sẽ xây dựng thành công đất nước Trung Quốc xã hội chủ nghĩa hiện đại, giàu mạnh, dân chủ, văn minh và hài hòa. Để thực hiện mục tiêu này, Đại hội đã đề ra các nhiệm vụ tổng thể trên 5 phương diện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và văn minh sinh thái, trong đó khẳng định tiếp tục kiên trì với việc lấy xây dựng kinh tế làm trọng tâm, đẩy nhanh hoàn thiện cơ chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, chuyển đổi phương thức phát triển và điều chỉnh cơ cấu kinh tế.

Tháng 3/2015, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp tục đề ra khái niệm “Bốn toàn diện” (Hoàn thành xây dựng toàn diện xã hội khá giả; Đi sâu cải cách toàn diện; Quản lý toàn diện đất nước theo pháp luật; Quản lý Đảng nghiêm minh toàn diện), đồng thời coi đây là cương yếu tổng quan để quản lý và phát triển đất nước trong thời gian tới.

Chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình có ý nghĩa quan trọng trong quan hệ Việt Nam-Trung Quốc và trong tổng thể quan hệ đối ngoại của Việt Nam. Với chuyến thăm này, Việt Nam tiếp tục khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; nhất quán coi trọng và mong muốn phát triển quan hệ tốt đẹp, thực chất với Trung Quốc trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng cùng có lợi; duy trì hoạt động trao đổi đoàn cấp cao giữa hai Đảng, hai Nhà nước; bảo vệ lợi ích chính đáng của Việt Nam ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, kiểm soát tốt bất đồng, cùng duy trì xu thế hòa bình, ổn định trên Biển Đông, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục