Quản lý các vấn đề của Biển Đông thông qua chính sách và khoa học

Mới đây, tạp chí South China Sea Think Tank đã đăng bài bình luận về vấn đề quản lý các vấn đề chung của Biển Đông thông qua chính sách và khoa học nhằm giải quyết vấn đề tranh chấp.
Quản lý các vấn đề của Biển Đông thông qua chính sách và khoa học ảnh 1Hoạt động bồi lấp, xây dựng đảo trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông. (Nguồn: Reuters)

Mới đây, tạp chí South China Sea Think Tank đã đăng bài bình luận về vấn đề quản lý các vấn đề chung của Biển Đông thông qua chính sách và khoa học nhằm giải quyết vấn đề tranh chấp, đây là hướng tiếp cận mới đang được dư luận quan tâm.

Theo bài viết, tình trạng xuống cấp về môi trường tại Biển Đông vẫn là vấn đề trung tâm của các cuộc thảo luận giữa các nhà khoa học khi ngày càng nhiều các nhà khoa học cảnh báo về các hậu quả môi trường từ các hoạt động Trung Quốc tôn tạo, bồi đắp đảo nhân tạo gây ra.

An ninh môi trường Biển Đông đang bị đe dọa nghiêm trọng

Biển Đông hiện đang đối mặt với những vấn đề cấp thiết cần được giải quyết, đó là các hoạt động hủy hoại các rạn san hô, sự mất đa dạng sinh học, vấn đề axít hóa và biến đổi khí hậu.

Mấu chốt quan trọng trong giải quyết vấn đề này là sự hợp tác khoa học trên phạm vi quốc tế và tạo điều kiện cho các nhà khoa học trên thế giới được cùng nhau hợp tác đưa ra các khuyến nghị cho các nhà hoạch định chính sách để họ đưa ra được những quyết sách phù hợp, hữu ích về vấn đề Biển Đông.

Biển Đông là ngôi nhà chung của những rạn san hô sinh thái hàng đầu trên thế giới, các bức ảnh vệ tinh gần đây chỉ ra rằng, những rạn san hô này đang bị hủy hoại nhanh chóng.

Nguyên nhân dẫn đến các hậu quả môi trường này chính là từ các hoạt động tôn tạo do Trung Quốc thực hiện với mưu đồ biến các bãi, đá tại Biển Đông thành các đảo nhằm tăng cường thực thi các tuyên bố chủ quyền.

Hậu quả từ các hoạt động này là làm giảm sự đa dạng sinh học, giảm lượng thủy sản vốn là nguồn cung cấp lương thực quan trọng cho một lượng dân số đang gia tăng của các nước có tuyên bố chủ quyền.

Tại Bộ Quốc phòng và Bộ ngoại giao Mỹ, các nhà phân tích hiện quan tâm tới việc Trung Quốc gia tăng các hoạt động quân sự hóa tại các bãi san hô, đá trong các vùng biển đang có tranh chấp. Bên cạnh việc quân sự hóa, vấn đề an ninh môi trường cũng đang là vấn đề định hình các tranh luận mới liên quan đến các thách thức đang nổi lên trong các vùng biển này.

Bằng chứng về các hoạt động hủy hoại môi trường sinh thái

Một đoạn phim phát sóng trên BBC gần đây đã minh chứng các hoạt động phá hoại môi trường của các ngư dân Trung Quốc khi tiến hành khai thác một loài trai khổng lồ ở rạn san hô nằm giữa đảo Thị Tứ và Tieshi Jiao. Do vẫn chưa có tên nhận dạng nên rạn san hô này được gọi dựa trên hình dạng của nó nó là rạn san hô hình chữ V (Checkmark Reef).

Trong bài viết đăng trên trang The Diplomat, tác giả Victor Robert Lee là người đầu tiên phát hiện ra việc các ngư dân Trung Quốc đã dùng các tàu có các lưỡi cắt di chuyển thành hình vòng cung để đào sâu xuống đáy biển nhằm khai thác loài trai khổng lồ. Các bức ảnh vệ tinh đã khẳng định có hàng trăm tàu cắt như vậy hoạt động trên những khu vực rộng lớn tạo nên những rặng núi hình vòng cung từ cát và san hô chết.

Tại buổi tọa đàm tại Trung tâm Đông Tây tổ chức ngày 3/5 vừa qua, giáo sư McManus đã trình chiếu các video được thực hiện trong quá trình lặn khám phá tại khu vực đảo Thị Tứ, Checkmark Reef và Tieshi Jiao. Các thước phim chỉ ra rằng cát và san hô được dồn thành những đống lớn như các rặng núi và hoàn toàn không có dấu hiệu của sự sống.

Xem lại các bức ảnh vệ tinh chụp tại Trường Sa từ trước khi Trung Quốc tiến hành các hoạt động bồi đắp, tôn tạo đảo nhân tạo, có thể dễ dàng phát hiện ra rằng, tại các khu vực này đều xuất hiện hoạt động của rất nhiều các “tàu cắt.”

Những “tàu cắt” này nạo và dồn san hô thành từng núi lớn, do đó khi các nhà khoa học được yêu cầu tới nghiên cứu, họ đã thông báo một cách trung thực rằng các san hô đã chết. Những hoạt động nạo vét san hô này có thể xem như các hành vi phạm tội về môi trường và nghiêm trọng như các hoạt động hủy hoại môi trường khác.

Theo giáo sư Mc Manus, những khu vực rạn san hô sống gần đó rồi cũng sẽ bị chết khi cát và bùn từ các hoạt động nạo vét và công trình xây dựng rò rỉ ra bao phủ chúng, do đó các rạn san hô này rồi sẽ tiếp tục bị chết đi giống như những gì đang xảy ra xung quanh những chiếc tàu cắt. Phải mất cả nghìn năm để các rạn san hô làm việc tạo ra một mét sỏi, cát và bùn quanh chúng và vì vậy những nơi mà cát, sỏi, bùn và san hô bị nạo vét đi sẽ bị thay đổi vĩnh viễn.

Những thiệt hại từ các hoạt động khai thác trai khổng lồ cùng với hoạt động đánh bắt tận diệt tại Biển Đông còn làm suy sảm số loài thủy sản và gây ra nguy cơ tuyệt chủng đối với một số loài. Điều này có nghĩa là nguồn cá để nuôi sống một bộ phận dân số các nước ven biển Đông sẽ thiếu hụt, do đó làm gia tăng nguy cơ về an ninh lương thực.

Người dân trong khu vực đang đối mặt với nhiều thách thức

Từ Charles Darwin cho tới các nhà khoa học biển hiện nay đều cho rằng các rạn san hô có từ hơn 150 năm trước và san hô chính là yếu tố có vai trò quan trọng đảm bảo nguồn lương thực, ngăn chặn bão và lưu giữ bản sắc văn hóa của các cộng đồng vùng duyên hải.

Chính các rạn san hô đã giúp tăng cường đa dạng các loài hơn cả tại các rừng nhiệt đới. Các rạn san hô còn cung cấp nơi trú ẩn, thức ăn và nơi sinh sản cho khoảng 35.000 đến 60.000 loài sinh vật trên toàn thế giới. Nếu không có các rạn san hô, cá sẽ không có chỗ trú ẩn và không thể sinh sôi.

Các hoạt động nạo vét, tôn tạo mang tính hủy diệt tại Biển Đông thời gian qua đã làm suy giảm các loài thủy sản vốn là nguồn lương thực quan trọng của một lượng lớn dân số vốn vẫn không ngừng gia tăng tại các nước có tuyên bố chủ quyền.

Ngư dân cũng đang bị lợi dụng làm công cụ để thực thi các tuyên bố chủ quyền tại các vùng nước có tranh chấp. Hệ quả là họ đã trở thành những người trên tuyến đầu của các cuộc tranh chấp địa chính trị. Nhiều tàu cá các nước, kể cả của Trung Quốc đã buộc phải đi đánh cá ở các vùng biển xa do các nguồn cá gần bờ cạn kiệt.

Cuộc khủng hoảng lương thực đang hiện hữu và bất kỳ nỗ lực nào nhằm cân bằng giữa lợi ích kinh tế và an ninh tại Biển Đông đều cần sự hợp tác và hành động từ nhiều cấp của các nhà khoa học, những người đã có quá trình hợp tác trong nghiên cứu và sẵn sàng giải quyết các vấn đề an ninh môi trường tại khu vực.

Cần tham gia tích cực, khách quan của các nhà khoa học

Sự kết hợp giữa chính sách và khoa học là tối cần thiết trong giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông. Theo đó, cần có sự hợp tác và giải quyết khéo léo các nguyên nhân dẫn tới sự hủy hoại môi trường. Sự hợp tác khoa học quốc tế có thể cung cấp cầu nối hiệu quả để áp dụng các kết quả nghiên cứu khoa học vào việc hoạch định chính sách. Và các đại dương là vấn đề chung của toàn cầu do đó nên được tất cả các bên quản lý và bảo vệ.

Một trở ngại cho việc hợp tác khoa học đó là quan điểm khác biệt của các nhà khoa học Trung Quốc. Nhiều người trong số học giả này có liên quan đến các nỗ lực tôn tạo, xây dựng đảo nhân tạo phi pháp của chính quyền tại Biển Đông và họ bất đồng hoàn toàn với các nhà khoa học trong đó có giáo sư McManus, những người đã có những công trình nghiên cứu khoa học nghiêm túc và đã có những tuyên bố về những thiệt hại môi trường không thể khắc phục từ các hoạt động của Trung Quốc tại Biển Đông.

Điển hình là tiến sỹ Ngô Sĩ Tồn, Chủ tịch đồng thời là nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Biển Đông tại Hải Nam. Ông từng tuyên bố rằng để bảo vệ hệ sinh thái của khu vực, Bắc Kinh đã áp dụng các biện pháp kỹ thuật xanh trước, trong và sau khi thực hiện các hoạt động tôn tạo tại Biển Đông.

Khi được hỏi về tác động của việc nạo vét có trên các rạn san hô tại Biển Đông, ông Ngô Sĩ Tồn trả lời trong một phỏng vấn qua email: "Trung Quốc thực hiện các dự án xây dựng trên các rạn san hô về cơ bản đã chết và rằng Trung Quốc đã lấy đất trên các lưu vực vốn không phù hợp cho sự phát triển san hô để bồi đắp.”

Tuy nhiên sự khẳng định này của học giả Ngô Sĩ Tồn không phù hợp với những gì đã được chứng thực trên thực tế. Ngư dân Trung Quốc đã sử dụng thuyền cắt san hô để phục vụ xây dựng các hòn đảo nhân tạo.

Chính sách khoa học biển đòi hỏi sự bảo tồn và các hoạt động bền vững để bảo vệ các thành rạn san hô. Trong cuốn sách viết về tầm quan trọng của an ninh môi trường, Jon Barnett đã viết "nguyên nhân và hậu quả của các xung đột tài nguyên là mối quan tâm truyền thống trong các mối quan hệ quốc tế và nó phản ảnh chủ đề về xung đột dưới gọc độ môi trường.

Mặc dù vậy, không thể nói rằng Trung Quốc không có nhiều nhà khoa học rạn san hô tuyệt vời và những học giả này chắc chắn nhận thức được lợi ích tốt nhất của Bắc Kinh trong việc bảo vệ các rạn san hô và phát triển nghề cá bền vững. Để phát huy hiệu quả nghiên cứu khoa học, các khoa học cần được tạo điều kiện thuận lợi để nghiên cứu và công bố các kết quả nghiên cứu khách quan của mình, ngay cả khi những phát hiện của họ có điểm khác biệt với chính phủ. Các nhà khoa học ở Trung Quốc có lẽ chưa có được điều này.

Đã đến lúc hợp tác hành động để đảm bảo an ninh môi trường Biển Đông

Tại hội thảo gần đây được tổ chức tại Trung tâm Đông Tây, Washington DC, Mỹ, giáo sư Miami John McManus, nhà sinh học biển, chuyên nghiên cứu về san hô đã kêu gọi đưa ra tuyên bố khoa học chung về sự cần thiết phải cấm các hành động nạo vét.

Giáo sư McManus cho rằng đã có sự quan ngại mang tính toàn cầu đối với vấn đề các rạn san hô bị hủy diệt. Rất có thể vấn đề này đã làm suy giảm nguồn thủy sản tại khu vực vốn được xem là phong phú vào bậc nhất trên thế giới. Ông cũng đã hoàn thành bản khảo sát về sự xuống cấp của các rạn san hô tại Trường Sa.

Các chuyên gia từ lâu đã đưa ra ý tưởng về việc xây dựng một “công viên hòa bình” tại Biển Đông, trong đó bao gồm một bộ quy tắc ứng xử áp dụng cho tất cả các bên đồng thời đảm bảo nguyên tắc giữ nguyên trạng, “đóng băng các tranh chấp.”

Giáo sư McManus tin rằng điều này sẽ giúp bảo vệ hệ sinh thái vô cùng quan trọng tại Biển Đông vốn đang đứng trước những nguy cơ bị hủy diệt.

Sự hủy hoại san hô và suy giảm các nguồn tài nguyên biển tại Trường Sa sẽ ảnh hưởng không tốt đến tất cả các quốc gia có tuyên bố chủ quyền. Người dân trong khu vực sẽ là những người bị ảnh hưởng trực tiếp từ các thảm họa này. Do đó cần thiết lập “Mạng lưới hành động bảo vệ san hô” tương tự như “Mạng lưới hành động vì rừng nhiệt đới” để bảo vệ các rạn san hô mỏng manh tại khu vực.

Đã đến lúc các nhà khoa học nghiên cứu về sự đang dạng sinh học và sự bền vững của môi trường Biển Đông cần tham gia diễn đàn chính sách khoa học. Các hoạt động hợp tác của họ có thể làm cơ sở để xây dựng Ủy ban khoa học về Biển Đông. Mô hình của cơ quan này có thể tương tự như Ủy ban Bắc Cực, được thành lập năm 1996, để điều phối chính sách Bắc Cực giữa các quốc gia liên quan và là diễn đàn để các nhà khoa học chia sẻ các nghiên cứu.

Cơ quan này nên đặt ngoài Liên hợp quốc để đảm bảo sự tự do hành động, tránh “sức mạnh” quyền phủ quyết của Trung Quốc. Theo đó, các nhà khoa học từ các quốc giá Đông Nam Á nên hợp tác đưa ra lời kêu gọi chính thức nhằm ngăn chặn các hoạt động tôn tạo hủy hoại môi trường sinh thái tại Biển Đông.

Các rạn san hô luôn đóng vai trò vô cùng quan trọng trong hệ sinh thái và đời sống người dân quanh Biển Đông. Do đó, đã đến lúc người dân cần tham gia và ủng hộ các nhà khoa học biển để cùng nhau hợp tác, quản lý biển trong khu vực để tất cả cùng được hưởng lợi trước khi quá muộn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục