Quản lý giống cây trồng: Hành lang pháp lý vừa thiếu vừa lạc hậu

Việc xây dựng hành lang pháp lý vững chắc để tạo điều kiện cho việc phát triển và cung cấp ra thị trường các giống cây trồng năng suất, chất lượng cao và chống chịu tốt có vai trò hết sức quan trọng.
Quản lý giống cây trồng: Hành lang pháp lý vừa thiếu vừa lạc hậu ảnh 1Kiểm tra chất lượng giống lúa lai tạo chịu mặn trên ruộng thực nghiệm của Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long. (Ảnh: Tràng Dương/TTXVN)

“Nhiều tiến bộ kỹ thuật áp dụng trong sản xuất đã tạo động lực cho sản xuất nông nghiệp nói chung và giống cây trồng nói riêng phát triển vượt bậc. Tuy nhiên các văn bản quy phạm pháp luật chưa cập nhật được những thành tựu về khoa học công nghệ mới này do đó đã làm cản trở việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất. Vì vậy cần sửa đổi để cập nhật và phù hợp với những tiến bộ về khoa học công nghệ hiện nay.”

Đó là nhận định của ông Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) tại Hội thảo kinh nghiệm quốc tế về quản lý giống cây trồng và Giới thiệu cẩm nang “Hạt giống cho mọi người” do Nhóm Ngân hàng Thế giới phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức ngày hôm nay (27/6) tại Hà Nội.

Thiếu nhiều tiêu chí cụ thể

Theo Cục trưởng Nguyễn Hồng Sơn, trong các quy định của Pháp lệnh và các văn bản hướng dẫn về quy trình khảo nghiệm, sản xuất thử, công nhận và lập danh mục giống như hiện nay thời gian thực hiện rất dài (đối với nhóm giống cây trồng ngắn ngày thì phải mất thời gian từ 3,5 năm đến 4 năm; nhóm giống cây trồng dài ngày thì phải mất thời gian trên 10 năm), làm ảnh hưởng lớn về thời gian và chi phí cho việc công nhận và đưa vào danh mục giống cây trồng. Từ đó gây khó khăn cho quá trình đưa những giống mới có chất lượng và năng suất cao vào sản xuất.

Cục trưởng Nguyễn Hồng Sơn cũng cho biết, theo các quy định của Pháp lệnh và văn bản hướng dẫn hiện nay chủ yếu hướng dẫn công nhận giống cây trồng theo tiêu chí năng suất, đối với các tiêu chí về chất lượng, chống chịu sâu bệnh và điều kiện ngoại cảnh có tính chất tương đối, chưa có tiêu chí cụ thể.

[“Muốn nông nghiệp cạnh tranh thành công phải bắt đầu từ giống”]

“Công tác quản lý về chất lượng giống cũng có rất nhiều vấn đề nổi cộm do hệ thống tiêu chuẩn quy chuẩn đến nay vẫn chưa được xây dựng đầy đủ và ban hành kịp thời. Các tiêu chuẩn, quy chuẩn đã được ban hành không phản ánh đầy đủ các quy định và yêu cầu kỹ thuật về chất lượng,” Cục trưởng Nguyễn Hồng Sơn nói.

Liên quan đến vấn đề quản lý giống, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hoàng Văn Thắng cũng cho rằng, hiện về khung pháp lý quản lý giống cây trồng chưa phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế; chưa đảm bảo năng lực cho hệ thống quản lý, kiểm soát chất lượng giống cây trồng với tất cả các khâu từ sản xuất đến lưu thông.

Quản lý giống cây trồng: Hành lang pháp lý vừa thiếu vừa lạc hậu ảnh 2Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng cho rằng việc xây dựng hành lang pháp lý vững chắc về quản lý giống cây trồng có vai trò hết sức quan trọng. (Ảnh: Thanh Tâm/Vietnam+)

“Do đó việc xây dựng hành lang pháp lý vững chắc để tạo điều kiện cho việc phát triển và cung cấp ra thị trường các giống cây trồng năng suất, chất lượng cao và chống chịu tốt có vai trò hết sức quan trọng để thực hiện thành công đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp Việt Nam và mang lại lợi ích cho người nông dân,” Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng nhấn mạnh.

Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng cho biết, hạn chế về nghiên cứu, chọn tạo và phát triển giống cây trồng hiện nay chủ yếu mới tập trung chọn tạo giống lúa, ngô.... Giống các loại rau, hoa, hồ tiêu, một số loại cây ăn quả... ít được lựa chọn nghiên cứu; cây lâm nghiệp mới tập trung vào việc tuyển chọn giống cây nhập nội; ít chú ý đến việc cải tiến giống cho cây bản địa, cây gỗ lớn, cây lâm sản ngoài gỗ.

“Đặc biệt, số lượng giống được công nhận nhiều, nhưng giống chất lượng và giá trị thương mại cao chưa nhiều, nên số giống mới tồn tại trong sản xuất chưa nhiều,” Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng cho hay.

Xã hội hóa việc quản lý giống

Về giải pháp đổi mới cơ chế chính sách, Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng cũng cho rằng, các đơn vị cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về giống phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế và tăng cường năng lực cho hệ thống quản lý, kiểm soát chất lượng giống và dịch bệnh cây trổng với tất cả các khâu từ sản xuất đến lưu thông. Đồng thời các đơn vị cần thực hiện theo phương hướng tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế tham gia nghiên cứu chọn tạo giống, nhất là các doanh nghiệp.

Tại buổi Hội thảo, các đại biểu cũng chia sẻ kinh nghiệm về các nỗ lực cải cách - từ việc giảm gánh nặng tuân thủ khi đăng ký các giống cây trồng mới cho tới việc cải thiện kiểm soát chất lượng và thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân.

“Mục tiêu cuối cùng là cung cấp giống cây trồng chất lượng cao cho người nông dân và hướng đến việc xây dựng các quy định về chứng nhận và cấp phép giống cây trồng,” ông Kyle Kelhofer, Giám đốc Quốc gia IFC (thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới) phụ trách Việt Nam, Campuchia và Lào nói.

Ông Kyle Kelhofer cũng cho rằng, việc đạt được mục tiêu trên sẽ thu hút đầu tư tư nhân, gia tăng sản xuất một số giống cây trồng được chứng nhận, góp phần tạo thêm nhiều việc làm và cải thiện sinh kế cho hàng triệu nông dân khu vực Mekong.

[Hỗ trợ chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp]

Theo đó, trong khuôn khổ buổi Hội thảo, Nhóm Ngân hàng Thế giới cũng giới thiệu sáng kiến “Cẩm nang Hạt giống cho mọi người." Cẩm nang là một hướng dẫn toàn diện hỗ trợ các nhà chính sách ở các nước đang phát triển xây dựng và điều chỉnh khuôn khổ pháp lý và thiết lập các ưu tiên có tính thực tế và phù hợp với năng lực hiện tại. Bộ công cụ được xây dựng với sự hỗ trợ của Bộ phận Tư vấn Môi trường đầu tư của Nhóm Ngân hàng Thế giới (FIAS).

Nhấn mạnh về tầm quan trọng của cuốn cẩm nang này, ông Achim Fock, Giám đốc Điều phối Danh mục Đầu tư và Hoạt động Dự án, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, cẩm nang này sẽ giúp các quốc gia tiếp cận được những thông lệ tốt nhất để khai thác toàn bộ tiềm năng của hệ thống giống cây trồng.

“Sử dụng giống cây trồng cải tiến sẽ cải thiện chất lượng nông sản và giúp các nước khu vực Mekong vươn tới những thị trường ngách của thế giới. Trong tương lai, giống cây trồng càng trở nên quan trọng khi chúng ta phải đối mặt với những thách thức ngày càng lớn về môi trường và biến đổi khí hậu cũng như nhu cầu lớn hơn đối với lương thực thực phẩm có chất lượng cao hơn,” Ông Achim Fock nhấn mạnh./.

Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng nhấn mạnh về vai trò xây dựng hành lang pháp chế trong quản lý giống.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục