Quản lý hiệu quả tài sản công - “Đánh thức thông điệp bị lãng quên”

“Nhà nước là khu vực kinh tế sở hữu nhiều tài sản nhất. Điều này có thể là yếu tố tạo nên sự thịnh vượng cho quốc gia, nếu như Việt Nam biết sử dụng hợp lý khối tài sản này..."
Quản lý hiệu quả tài sản công - “Đánh thức thông điệp bị lãng quên” ảnh 1Hội thảo “Cơ quan chuyên trách đại diện chủ sở hữu Nhà nước đối với vốn Nhà nước tại doanh nghiệp: Kinh nghiệm quốc tế và bài học đối với Việt Nam,” ngày 23/8. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trên toàn cầu, tài sản công luôn là nhóm chiếm tỷ trọng lớn nhất tại các nền kinh tế và nhiều quốc gia phát triển đã sử dụng rất hiệu quả nguồn lực này trong phát triển kinh tế đất nước. Tuy nhiên tại Việt Nam, mặc dù tài sản của nhóm doanh nghiệp Nhà nước lên tới 240 tỷ USD (chiếm trên 50% toàn nền kinh tế - nguồn Tổng cục Thống kê) song đây lại là khu vực hoạt động kém hiệu quả, khi khu vực tư nhân có tỷ lệ lợi nhuận/vốn đầu tư đạt gấp hai lần.

“Nhà nước là khu vực kinh tế sở hữu nhiều tài sản nhất. Điều này có thể là yếu tố tạo nên sự thịnh vượng cho quốc gia, nếu như Việt Nam biết sử dụng hợp lý khối tài sản này và đây là thông điệp mà lâu nay đã bị quên đi.”

Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương nhấn mạnh lý do tổ chức cuộc Hội thảo “Cơ quan chuyên trách đại diện chủ sở hữu Nhà nước đối với vốn Nhà nước tại doanh nghiệp: Kinh nghiệm quốc tế và bài học đối với Việt Nam,” ngày 23/8.

Khẳng định “quản lý tốt tài sản thương mại Nhà nước có thể giúp thực hiện mục tiêu hiện đại hóa của Việt Nam,” chuyên gia cố vấn Ngân hàng Thế giới, ông Dag Detter đã chia sẻ những kinh nghiệm quốc tế trong việc hình thành cơ quan chuyên trách thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu Nhà nước.

Ông Dag Detter thẳng thắn, về kinh tế, hoạt động đầu tư tại Việt Nam đang giảm sút, khi tăng trưởng GDP chậm lại (5,9%), thêm vào đó thâm hụt ngân sách ở mức cao hơn 6,1% đồng thời nợ công cũng tăng nhanh (62,1% GDP) trong khi các dòng vốn lại không ổn định. Mặt khác, hoạt động tại khu vực tài sản công không tương xứng với vị thế (các ngành trọng yếu có năng suất lao động thấp, lĩnh vực ngân hàng không hiệu quả), thêm vào đó một lượng tài sản công lớn tại các địa phương còn chưa được liệt kê (như tài sản cố định, tài sản phục vụ kinh doanh).

“Phần lớn các bất động sản nằm trong tay Nhà nước không thể hiện rõ về năng suất và lợi ích trong việc sử dụng,” ông Dag dẫn chứng.

Theo ông Dag, hầu hết các tài sản thương mại trên đều mua trong quá khứ và được coi như giá trị bằng 0, do đó dẫn đến sự thiếu minh bạch và phần lớn các khoản bảo lãnh là sử dụng sai mục đích, không được tính chi phí cơ hội. Bên cạnh đó, phương thức quản lý hợp tác công tư (PPP) lại thường quá đắt đỏ và đòi hỏi lợi nhuận cao từ các đối tác tư nhân. Chưa kể đến, các liên kết này thường hướng tới mục tiêu lợi nhuận, dẫn đến ưu tiên đầu tư vào các lĩnh vực duy tu, bảo dưỡng…

Để hài hòa hệ sinh thái đối với tài sản công và tài sản của khu vực tư nhân, ông Dag cho rằng, Việt Nam cần xây dựng khung pháp lý như nhau đối với các tài sản do tư nhân nắm giữ theo thông lệ tốt của quốc tế, áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế (IFRS) và sử dụng kiểm toán tiêu chuẩn, minh bạch hóa đối với các công ty niêm yết. Điều đáng chú ý nhất, đó là việc ủy quyền và tăng trách nhiệm giải trình tại các phần vốn Nhà nước, theo ông Dag “đây là vấn đề mang tính sống còn.”

Nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng về doanh nghiệp Nhà nước và mô hình thực hiện chức năng chủ sở hữu Nhà nước đồng thời sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện khung pháp luật..., Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra Dự thảo Nghị định của Chính phủ về thực hiện các quyền và trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước, hiện đang trong giai đoạn lấy ý kiến đóng góp.

Tại Hội thảo, các chuyên gia tư vấn trong và ngoài nước đánh giá nội dung Dự thảo Nghị định về việc thành lập Ủy ban quản lý giám sát vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp là một bước cải cách quan trọng so với tình trạng phân tán tại các cấu thành của quản trị doanh nghiệp Nhà nước ở Việt Nam hiện nay.

Ông William P.Mako, Chuyên gia tư vấn Ngân hàng Thế giới đã đưa ra nhóm các vấn đề đóng góp ý kiến cho Dự thảo, như: Làm thế nào để tách bạch bạch chức năng chủ sở hữu với các chức năng khác của Nhà nước trong quản lý kinh tế; Làm rõ vấn đề tập trung vào vốn nhà nước hay tài sản nhà nước; Quyền và trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Vị trí, thể chế, tổ chức, cơ chế hoạt động của cơ quan chuyên trách; Xử lý mối quan hệ với các cơ quan Nhà nước khác trong quản lý, giám sát doanh nghiệp Nhà nước; Vấn đề bổ nhiệm người đại diện tại các công ty cổ phần.

Cụ thể, việc tách bạch chức năng chủ sở hữu với các chức năng khác của Nhà nước trong quản lý kinh tế. Theo ông William, đây là mục tiêu rất tham vọng và nếu thực hiện được sẽ là một bước tiến bộ. Song để đạt được mục tiêu này, Dự thảo cần quy định rõ các cơ quan quản lý Nhà nước khác không có bất cứ sự can thiệp nào vào doanh nghiệp Nhà nước ngoài những vẫn đề thuộc chức năng quản lý Nhà nước chung đối với mọi doanh nghiệp./.

Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục