Quận trung tâm Hà Nội khai thác hiệu quả lợi thế để phát triển

Tại lễ kỷ niệm ngày thành lập quận Hoàn Kiếm và quận Hai Bà Trưng, lãnh đạo thành phố Hà Nội đề nghị các quận trung tâm cần khai thác hiệu quả lợi thế để phát triển.
Quận trung tâm Hà Nội khai thác hiệu quả lợi thế để phát triển ảnh 1Hồ Gươm. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Ngày 31/5, phát biểu tại Lễ kỷ niệm 55 năm ngày thành lập quận Hoàn Kiếm, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đánh giá đây là quận nằm ở vị trí trung tâm của kinh thành Thăng Long xưa, cũng như của Thủ đô Hà Nội ngày nay.

Là địa danh quen thuộc và ấn tượng nhất đối với những ai từng sinh sống và có tình yêu về Hà Nội như ở khu vực Bờ Hồ Hoàn Kiếm, các khu phố cổ, phố cũ cổ kính và thơ mộng.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đánh giá, thời gian qua cùng với những điều kiện, cơ hội thuận lợi, Hoàn Kiếm cũng gặp không ít khó khăn, thách thức. Nhưng để trở thành một trong những quận luôn dẫn đầu các phong trào, Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân quận Hoàn Kiếm tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được, khai thác hiệu quả các lợi thế để đẩy mạnh phát triển các dịch vụ chất lượng cao như tài chính, ngân hàng, du lịch; tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất kinh doanh; hài hòa giữa xây dựng môi trường văn hóa với phát triển kinh tế ở khu phố cổ, qua đó góp phần quảng bá, giới thiệu các giá trị của khu phố cổ Hà Nội tới người dân, du khách trong nước và bạn bè quốc tế.

Ông Nguyễn Đức Chung mong muốn mỗi người dân quận Hoàn Kiếm luôn là một đại sứ văn hóa, bởi vì đây là trung tâm, là trái tim của Thủ đô, để hướng tới mục tiêu xây dựng thành phố đáng sống, đáng đến với nhân dân cả nước cũng như bạn bè quốc tế.

Đọc diễn văn tại lễ kỷ niệm, ông Hoàng Công Khôi, Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm cho biết, cách đây 55 năm, thực hiện chủ trương xây dựng, mở rộng Thủ đô của Bộ Chính trị và Nghị quyết của kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa II, ngày 31/5/1961, Chính phủ đã ra quyết định về tổ chức hành chính thành phố Hà Nội gồm 4 khu phố nội thành (Hoàn Kiếm, Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng) và 4 huyện ngoại thành (Từ Liêm, Thanh Trì, Gia Lâm, Đông Anh).

Đến năm 1981, thực hiện Hiến pháp mới, bộ máy chính quyền thành phố được tổ chức thống nhất thành 3 cấp, khu phố Hoàn Kiếm chuyển thành quận Hoàn Kiếm, là cấp trên cơ sở; các tiểu khu đại diện hành chính chuyển thành phường, là cấp chính quyền cơ sở.

Với vị thế là một trong 4 quận trung tâm của Thủ đô, thời gian qua quận đã kết thống nhất trong Đảng bộ, chính quyền và toàn thể nhân dân, xây dựng quận Hoàn Kiếm thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và là nơi sầm uất nhất, thu hút đông đảo lượng khách trong nước và quốc tế đến tham quan.

Cùng ngày, phát biểu tại lễ kỷ niệm 55 ngày thành lập quận Hai Bà Trưng, bà Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội đánh giá đây là quận luôn vận dụng linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tiễn nên đã gặt hái được nhiều thành tựu rất quan trọng và khá toàn diện.

Bà Ngô Thị Thanh Hằng lưu ý ba vấn đề quận Hai Bà Trưng thời gian tới cần tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt trong cải cách hành chính, trọng tâm là tạo bước chuyển mạnh mẽ về kỷ luật, kỷ cương hành chính, chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ công chức; đẩy mạnh phát triển kinh tế, nhanh và bền vững, lấy thương mại và dịch vụ làm khâu đột phá; song hành phát triển kinh tế cần tăng cường quốc phòng an ninh, đảm bảo trật tự xã hội và đẩy mạnh thực hiện “năm trật tự văn minh đô thị”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục