Quảng bá sâu rộng hình ảnh Việt Nam với các nước

Năm 2013 sẽ là năm đánh dấu việc quảng bá hình ảnh Việt Nam trên thế giới với việc thực hiện các Tuần Việt Nam ở nước ngoài.
Cùng với ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa là một trụ cột của ngoại giao Việt Nam. Nhiều năm qua, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam và Vụ Văn hóa đối ngoại UNESCO đã có những đóng góp không nhỏ cho ngành ngoại giao và góp phần đáng kể trong việc thúc đẩy hơn nữa vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Trong năm nay, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam và Vụ Văn hóa đối ngoại UNESCO sẽ tiếp tục triển khai các kế hoạch nhằm thúc đẩy hơn nữa hiệu quả của các hoạt động này.

Ông Phạm Cao Phong, Tổng thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Văn hóa Đối ngoại và UNESCO cho biết năm 2013 sẽ là năm đánh dấu việc quảng bá hình ảnh Việt Nam trên thế giới với việc thực hiện các Tuần Việt Nam ở nước ngoài.

Ủy ban sẽ phối hợp với các cơ quan hữu quan của Việt Nam tại ba địa bàn Italy, Canada và Nhật Bản để tổ chức các “Tuần Việt Nam” ở ba quốc gia này. Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam và Vụ Văn hóa đối ngoại UNESCO có kế hoạch kỷ niệm 10 năm Công ước 2003 về Bảo vệ văn hóa phi vật thể tại Quảng Nam.

Ông Phong cho biết việc nâng cao nhận thức của nhân dân đối với công tác ngoại giao văn hóa cũng cần được coi trọng hơn nữa.

Nói về những thành công và bài học của năm qua trong hoạt động ngoại giao văn hóa, ông Phạm Cao Phong nhấn mạnh năm 2012 đã đánh dấu những kết quả đáng mừng của công tác quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới. Tiếp tục đề án của Ban Bí thư tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiều hoạt động tại các nước đã được triển khai. Điển hình như việc khánh thành tượng Bác tại Argentina, tại Lào, tại Thái Lan và đang tiếp tục thực hiện kế hoạch khảo sát những nơi tưởng niệm và vinh danh Bác ở những địa bàn khác như ở Nga, Sri Lanka…

Dấu ấn và những hoạt động văn hóa đối ngoại sôi nổi trong năm qua vẫn còn sâu đậm bằng các hoạt động kỷ niệm Năm hữu nghị Việt Nam-Lào; Việt Nam-Campuchia; Việt Nam-Hàn Quốc...

Ngoài ra, những dấu ấn khác có thể kể đến như Hội nghị tham vấn châu Á-Thái Bình Dương với đại biểu của 39 nước được đánh giá là sự trợ giúp đáng quý của Việt Nam đối với UNESCO; Lễ kỷ niệm Công ước 1972 với sáng kiến “Mạng lưới xanh” nhằm thúc đẩy chia sẻ kinh nghiệm giữa các nước ASEAN trong lĩnh vực di sản đã được bạn bè quốc tế đánh giá cao; thúc đẩy hợp tác và quảng bá vai trò của ASEAN nói chung trên toàn thế giới...

Nhiều festival văn hóa tại địa phương và lồng ghép ngoại giao văn hóa, hình ảnh địa phương vào các sự kiện này cũng là một hình thức sáng tạo nhằm thông qua nhịp cầu văn hóa để quảng bá cho vùng miền, địa phương, thu hút du lịch, đầu tư...

Trong năm qua, Việt Nam đã có thêm hai di sản mới được UNESCO công nhận là Mộc bản kinh phật chùa Vĩnh Nghiêm và Tín ngưỡng Thờ cúng Hùng Vương, thu hút sự quan tâm và hướng tới của bạn bè quốc tế.

Tuy nhiên, Tổng thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam cho rằng có rất nhiều việc các địa phương cần tiến hành đồng bộ để các di sản thực sự trở thành niềm tự hào và đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội địa phương và của cả nước nói chung như các chính sách bảo tồn, gìn giữ di sản, nâng cao ý thức của cộng đồng địa phương đối với di sản, tổ chức khai thác hợp lý, hiệu quả..../.

Đỗ Quyên (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục