Quảng Bình đóng mới và nâng cấp hơn 80 tàu khai thác hải sản

Trong kế hoạch thực hiện đến hết năm 2016, Quảng Bình sẽ đóng mới và nâng cấp bổ sung 80 tàu khai thác hải sản; 5 tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản.
Quảng Bình đóng mới và nâng cấp hơn 80 tàu khai thác hải sản ảnh 1(Ảnh minh họa: Quang Quyết/TTXVN)

Trong kế hoạch thực hiện đến hết năm 2016, Quảng Bình sẽ đóng mới và nâng cấp bổ sung 80 tàu khai thác hải sản; 5 tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản. Đặc biệt, Ban chỉ đạo thực hiện Nghị định 67 sẽ ưu tiên đóng tàu vỏ thép cho ngư dân trên địa bàn.

Riêng trong 6 tháng cuối năm 2015, Ban chỉ đạo đã đề ra kế hoạch đóng mới 2 tàu dịch vụ khai thác hải sản (tại huyện Bố Trạch 1 chiếc và thị xã Ba Đồn 1 chiếc), đồng thời đóng bổ sung 20 tàu khai thác hải sản cho các huyện, thị xã và thành phố của tỉnh Quảng Bình.

Trong thời gian qua, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình đã phê duyệt danh sách 17 đối tượng được vay vốn đóng tàu, trong đó có 6 tàu vỏ thép và 11 tàu khai thác vỏ gỗ cho người dân với tổng dự toán 95,23 tỷ đồng.

Các cá nhân, đơn vị đã ký kết 10 hợp đồng vay vốn và đã triển khai đóng mới 8 tàu (gồm 1 tàu vỏ thép và 7 tàu vỏ gỗ) và đã hạ thủy, đưa vào khai thác 3 tàu vỏ gỗ. ​Tổng số vốn vay là 73,64 tỷ đồng và đã giải ngân 21,02 tỷ đồng tại các ngân hàng Agribank Quảng Bình, BIDV Quảng Bình và BIDV Bắc Quảng Bình.

Về chính sách bảo hiểm khai thác hải sản xa bờ, Ban chỉ đạo đã tiếp nhận 51 hồ sơ đề nghị hỗ trợ với tổng kinh phí gần 2 tỷ đồng, trong đó 13 hồ sơ đủ điều kiện được hỗ trợ kinh phí bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm ngư lưới cụ, bảo hiểm rủi ro đặc biệt và bảo hiểm tai nạn thuyền viên; 38 hồ sơ thẩm định không đủ điều kiện vì việc xác nhận đối tượng theo Nghị định 67 còn nhiều sai sót như tên tổ đội, ngày thành lập, giá trị tài sản...

Tại hội nghị sơ kết đợt I thí điểm đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67 của Chính phủ, tổ chức ngày 30/7, người dân và đơn vị vay vốn đóng tàu đã nêu lên các vấn đề còn khó khăn vướng mắc như việc triển khai đóng tàu còn chậm; triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ chi phí bảo hiểm xa bờ còn chậm. Thêm vào đó, đối tượng được hỗ trợ chủ yếu là các tàu đã được hỗ trợ bảo hiểm theo Quyết định 48 chuyển qua mà chưa phát triển được số tàu tham gia mới.

Quảng Bình là 1 trong 5 địa phương có số hợp đồng vay vốn nhiều nhất và tiến độ nhanh nhất cả nước (gồm Quảng Bình, Quảng Ngãi, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tiền Giang và Bình Thuận).

Hiện nay, Quảng Bình còn gần 600 tàu xa bờ chưa được tham gia bảo hiểm. Trong khi đó, việc hỗ trợ vốn đóng tàu cho người dân còn nhiều vướng mắc. Công tác tư vấn cho người dân còn hạn chế khiến nhiều người dân vay vốn phải bỏ ra số tiền lớn hơn dự toán để trang bị ngư lưới cụ và đóng mới tàu khai thác.

Ngoài ra, việc tháo gỡ vướng mắc về hoàn thuế giá trị gia tăng cũng còn hạn chế khiến chủ tàu và đơn vị đóng tàu gặp khó khăn.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục