Quảng Bình: Người dân Vân Kiều "sống mòn" vì thiếu đất sản xuất

Mặc dù chính sách giao đất giao rừng đã có những tác động mạnh mẽ đến đời sống của người dân, nhưng tại một bản vùng biên giới của tỉnh Quảng Bình vẫn còn đang bị bần cùng hóa do thiếu đất sản xuất.
Quảng Bình: Người dân Vân Kiều "sống mòn" vì thiếu đất sản xuất ảnh 1Bản Nà Lâm nằm lọt thỏm giữa những dãy núi đá. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Thời gian gần đây, chính sách giao đất giao rừng đã có những tác động mạnh mẽ đến đời sống của người dân, nhất là đồng bào vùng dân tộc thiểu số. Tại một số địa phương, nhiều gia đình sau khi được giao đất, giao rừng đã tận dụng được “cần câu” sản xuất, để từ nghèo khó mà vươn lên khấm khá.

Thế nhưng, tại bản Nà Lâm (xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình), cuộc sống của toàn bộ đồng bào người Vân Kiều từ nhiều năm nay vẫn đang phải sống cảnh lay lắt, nhất là khi Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định giao hầu hết đất canh tác mà bà con đang sử dụng cho một công ty tư nhân thuê trồng cây cao su.

Dân bản bị “tước quyền” sản xuất

Phải mất hơn hai giờ đồng hồ di chuyển từ thành phố Đồng Hới, vượt qua những cung đường lổn nhổn đá hộc nằm giữa những quả núi dựng đứng sâu trong rừng, chúng tôi mới tiếp cận được bản Nà Lâm - nơi có 12 hộ gia đình người Vân Kiều với 42 nhân khẩu đang ngày "sống mòn" với nghèo đói.

Từ nhiều năm trước, người dân Nà Lâm đã khai hoang đất rừng (mỗi hộ có khoảng 3ha) để trồng lúa, cây ngô, cây sắn. Dẫu ở sâu giữa núi rừng, tách biệt với thế giới bên ngoài, không điện-đường-trường-trạm, cuộc sống vô cùng khó khăn, thế nhưng bà con nơi đây vẫn cam tâm bám lấy rừng, sống bằng sức lao động chân tay của mình.

Trong câu chuyện với khách, già làng Hồ Xe bảo trước đây bà con người Vân Kiều có đất, tự do sản xuất nên cuộc sống không những tạm đủ, mà có gia đình còn dư giả của ăn của để. Thế nhưng, từ khi Công ty cổ phần và thương mại Hồng Đức (công ty tư nhân) lấy đất, cuộc sống của bà con trong bản đã trở nên bần cùng hóa, đói túng quanh năm.

“Phải khẳng định là, người dân Vân Kiều chúng tôi đói nghèo là do thiếu đất sản xuất, hay nói đúng hơn là chúng tôi đã bị tước quyền tiếp cận đất đai, quyền sản xuất trên diện tích đất mà chúng tôi đã khai hoang, sử dụng từ hàng chục năm trước,” già làng Hồ Xe buồn rầu nói.

Cùng đi với chúng tôi, ông Hồ Soa, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Trường Xuân, cho biết, người dân Vân Kiều tại bản Nà Lâm khai hoang đất để sản xuất từ năm 1988. Thế nhưng vì không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bìa đỏ), nên đến năm 2008, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình đã có quyết định thu hồi đất mà bà con đang sử dụng, để cho Công ty cổ phần và thương mại Hồng Đức thuê trồng cây công nghiệp lâu năm (cụ thể là cây cao su).

Bức xúc trước việc đất của mình nhiều năm sản xuất bỗng dưng rơi vào tay công ty tư nhân, người dân từ sâu trong rừng đã mò mẫn tìm đường ra Ủy ban nhân dân xã Trường Xuân để cầu cứu. Thế nhưng, sau nhiều năm đâm đơn gửi tới các cơ quan công quyền, câu chuyện thiếu đất sản xuất vẫn chưa được giải quyết ổn thỏa cho bà con.

"Đến nay, người dân tại bản Nà Lâm chỉ còn duy nhất một khu đất trống, với khoảng 3ha. Trên khu đất này, các hộ gia đình tự bảo nhau sản xuất, chia nhau từng bắp ngô, củ sắn để chống chọi với cái đói, cái nghèo. Cuộc sống của bà con nơi đây rất cơ cực. Trong khi đó, nhiều khoảng đất rộng lớn do công ty lâm trường quản lý, trồng cây cao su lại phát triển kém, thậm chí là bỏ không," ông Soa trải lòng.

Ghi nhận của phóng viên Vietnam+ tại khu vực bản Nà Lâm vào những ngày giữa tháng Sáu cũng cho thấy, nhiều vạt rừng do công ty lâm trường quản lý, sản xuất chỉ mọc lên những cây cao su gầy guộc bằng ngón chân cái. Có vạt rừng thưa thớt cây hoang cỏ dại.

Quảng Bình: Người dân Vân Kiều "sống mòn" vì thiếu đất sản xuất ảnh 2Những túp nhà xiêu vẹo của đồng bào người Vân Kiều tại bản Nà Lâm. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

“Sống mòn” cùng đói nghèo

Trở lại câu chuyện đòi công lý. Sau nhiều năm cầu cứu, với sự nỗ lực của chính quyền các cấp xã - huyện, đến ngày 7/11/2012, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Tài chính, Ủy ban nhân dân huyện Quảng Ninh, Ủy ban nhân dân xã Trường Sơn và Công ty cổ phần và thương mại Hồng Đức đã có cuộc họp liên ngành để bàn hướng giải quyết vấn đề thiếu đất sản xuất của người dân.

Tại cuộc họp này, đại diện Ủy ban nhân dân xã Trường Sơn và huyện Quảng Ninh đã đề nghị Công ty cổ phần và thương mại Hồng Đức trả lại hơn 12,4ha đất trồng cây công nghiệp lâu năm đã được Ủy ban nhân dân tỉnh cho thuê, để Sở Tài nguyên và Môi trường trình Ủy ban nhân dân tỉnh ra quyết định thu hồi, giao cho Ủy ban nhân dân xã Trường Sơn quản lý và xét giao cho các hộ dân ở bản Nà Lâm sản xuất.

Thế nhưng, cho đến nay, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình vẫn chưa có quyết định, hay giải pháp quyết liệt để trả lại đất cho người dân sản xuất. Bởi thế, 12 hộ dân nghèo người Vân Kiều với 42 nhân khẩu vẫn phải sống lay lắt giữa núi rừng. Cuộc sống của họ quanh năm bần cùng khó, mù chữ, đói ăn và thiếu mặc.

Chia sẻ với phóng viên Vietnam+ về sự chậm trễ tiến độ thu hồi, cấp đất cho đồng bào Vân Kiều tại bản Nà Lâm, ông Hồ Soa, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Trường Xuân cho biết, nguyên nhân là do Ủy ban nhân dân tỉnh và huyện chưa thống nhất được kinh phí bồi thường các khoản đã đầu tư trên đất của Công ty cổ phần và thương mại Hồng Đức.

Mặt khác, Ủy ban nhân dân huyện Quảng Ninh và Ủy ban nhân dân hai xã Trường Xuân, Trường Sơn cũng chưa có sự không thống nhất. Lý do là, trước đây các hộ dân tại Nà Lâm thuộc sự quản lý hành chính của xã Trường Xuân nên Ủy ban nhân dân huyện Quảng Ninh giao cho xã này cùng với các ngành chức năng của huyện thực hiện mọi thủ tục.

Tuy nhiên, trên thực tế, bản Nà Lâm lại thuộc địa giới xã Trường Sơn. Căn cứ theo Quyết định số 2786/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh thì xã Trường Sơn mới là đơn vị có trách nhiệm tiếp nhận, quản lý khu đất thu hồi và làm các thủ tục đề nghị Ủy ban nhân dân huyện Quảng Ninh xét giao đất.

Như vậy, xét về lý rõ ràng là đồng bào thua vì đất khai hoang, sử dụng nhiều năm nhưng không có sổ đỏ làm căn cứ. Nhưng về tình, đồng bào lại phải ngậm ngùi. Bởi lẽ, để có đất sản xuất, bà con trong bản đã họp và đơm đơn kiến nghị gửi ra xã, xuống huyện, đến tỉnh, suốt nhiều năm trời đồng bào dài cổ chờ, nhưng kết cục cũng chưa đi đến công bằng.

Trong căn nhà sàn khang trang nhất bản Nà Lâm, Bí thư chi bộ Hồ Hữu vừa rót nước cho khách vừa bùi ngùi bảo, người dân Vân Kiều sống được ở chốn rừng sâu này là nhờ có đất sản xuất. Thế nhưng, từ ngày bị tước quyền sử dụng đất, 100% hộ gia đình trong bản đã "lọt" vào danh sách hộ nghèo của xã Trường Xuân.

Điều đáng buồn là, trong lúc bảo vệ phần đất của mình khai hoang sử dụng qua hàng chục năm trời, một số người dân tại bản Nà Lâm còn bị doanh nghiệp thuê người đánh đập. Trước sự hung tợn của một thế lực "bặm trợn," những người dân hiền lành như già làng Hồ Xe, Bí thư Hồ Hữu và bà con trong bản cũng chỉ biết ngậm ngùi nhìn máy móc của doanh nghiệp húc ủi hoa màu, thậm chí san lấp cả nghĩa trang của bản.

Chia sẻ về nguyện vọng của mình, Bí thư Hồ Hữu hướng ánh mắt xa xăm về phía bãi đất một thời mình sản xuất nay rơi vào tay công trường quản lý, rồi ngậm ngùi bảo: "Ủy ban nhân dân tỉnh giao đất cho ai chúng tôi không phản đối, nhưng đừng để dân thiếu đất. Giờ đây, chúng tôi chỉ có một nguyện vọng là xin lại một phần diện tích để có đất sản xuất làm kế sinh nhai, và nuôi hi vọng thoát nghèo."./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục