Quảng Nam: Gắn việc bảo tồn với phát huy giá trị các di sản

Để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, cần khơi dậy lòng tự hà và nâng cao ý thức làm chủ di sản của nhân dân, đồng thời xã hội hóa công tác bảo tồn.
Quảng Nam: Gắn việc bảo tồn với phát huy giá trị các di sản ảnh 1Du khách quốc tế tham quan phố cổ Hội An. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Tỉnh Quảng Nam có hai di sản văn hóa thế giới là phố cổ Hội An, thuộc thành phố Hội An và khu Di tích Mỹ Sơn, thuộc huyện Duy Xuyên. Để hiểu rõ hơn việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa trên địa bàn tỉnh, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã phỏng vấn ông Hồ Xuân Tịnh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam về vấn đề này.

- Ông đánh giá như thế nào về công tác bảo tồn các di sản văn hóa thế giới trên địa bàn tỉnh Quảng Nam hiện nay?

Ông Hồ Xuân Tịnh: Trong những năm qua, chính quyền, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch và nhân dân thị xã Hội An đã thực hiện tốt việc bảo tồn di sản văn hóa. Nhiều biện pháp linh hoạt đã được thực hiện để quản lý, bảo tồn di tích. Nhiều văn bản quy định, hướng dẫn cụ thể việc tu bổ, tôn tạo, kinh doanh trong khu phố cổ, môi trường… đã được ban hành. Ý thức trách nhiệm của người dân trong việc bảo tồn di tích ngày càng được nâng cao.

Hội An đã thực hiện tốt việc xã hội hóa công tác quản lý, bảo tồn di tích. Cùng với nguồn vốn của Nhà nước, người dân địa phương đã bỏ ra hàng chục tỷ đồng để tu sửa các di tích thuộc sở hữu tư nhân.

Trong những năm qua đã có gần 100 công trình kiến trúc cổ được gia cố, trùng tu. Nhiều công trình thuộc sở hữu tập thể như đình, chùa, lăng miếu…, sau khi tu bổ xong, đã được trả về với cộng đồng theo chức năng phục vụ nhu cầu tinh thần của nhân dân địa phương.

Một dự án lớn về quy hoạch, bảo tồn khu phố cổ Hội An cũng đang được triển khai với nhiều phần việc như tu bổ, tôn tạo di tích, cải tạo cơ sở hạ tầng…

Tại Hội An, các chương trình hợp tác quốc tế đã được thực hiện khá liên tục với sự giúp đỡ của Nhật Bản. Một số lớp tập huấn, hướng dẫn công tác tu bổ, bảo tồn di tích đã được tổ chức.

Phía Nhật Bản đã cử chuyên gia trực tiếp trùng tu một số công trình kiến trúc cổ ở đây. Kết quả của công tác quản lý, bảo tồn di tích ở Hội An trong những năm qua đã được đánh giá cao, được UNESCO trao tặng các giải thưởng như “Dự án kiệt xuất về hợp tác bảo tồn khu phố cổ Hội An,” “Thành tựu đặc biệt về bảo tồn làng mộc Kim Bồng-Hội An,” giải thưởng “Hợp tác tu bổ các ngôi nhà cổ ở Việt Nam”...

Tại khu phố cổ Hội An, khách du lịch tìm đến ngày một nhiều. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế địa phương, người dân có cơ hội nâng cao đời sống.

Tuy nhiên một vấn đề nảy sinh hiện nay ở Hội An là hầu hết các ngôi nhà trong khu phố cổ đều có kinh doanh, hàng hóa nhiều khi được bày ra ngoài, che khuất cả mặt tiền ngôi nhà. Chính quyền thị xã Hội An đang có giải pháp quy hoạch việc buôn bán trong khu phố cổ nhằm khắc phục tình trạng này.

Với di tích Mỹ Sơn, từ năm 1981 đến 1992, với sự trợ giúp về kỹ thuật của Ba Lan, các cán bộ chuyên môn của Trung tâm Thiết kế và Tu bổ di tích Trung ương, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam-Đà Nẵng (cũ) đã thực hiện việc tu bổ-bảo quản khu tháp Chăm Mỹ Sơn, từ tình trạng một phế tích bị bao phủ bởi cây rừng, di tích này đã được phục hồi lại một phần diện mạo ban đầu của nó.

Trong những năm gần đây, một số dự án hợp tác giữa Việt Nam-UNESCO và Italia đã và đang được thực hiện tại Mỹ Sơn như dự án “Bảo tồn, tu bổ cấp thiết một số hạng mục thuộc khu đền tháp Mỹ Sơn,” “Bảo tồn Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn - Đề cử và đào tạo việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về bảo tồn di sản thế giới ở các công trình kiến trúc nhóm G Mỹ Sơn,” qua đó nhóm tháp G đã được tu bổ khá tốt.

Tháp E7 cũng vừa được Chính phủ đầu tư tu bổ phục vụ tham quan nghiên cứu. Tại Mỹ Sơn, ngoài việc quản lý, bảo vệ, tu bổ tôn tạo di tích, chính quyền địa phương rất quan tâm đến việc trồng rừng, bảo vệ cảnh quan, môi trường trong thung lũng Mỹ Sơn.

Giờ đây, đến Mỹ Sơn, từ khu vực cầu Khe Thẻ trở vào bên trong đã được phủ một màu xanh của rừng trồng.

Từ khi Mỹ Sơn được công nhận là Di sản Thế giới, lượng du khách đến Mỹ Sơn ngày một tăng. Đây là tín hiệu đáng mừng, lượng du khách đến tham quan Mỹ Sơn ngày càng tăng đã mang lại cho Mỹ Sơn một nguồn kinh phí đáng kể góp phần vào việc bảo tồn di tích, đồng thời phát triển kinh tế địa phương.

Tuy nhiên cùng với sự gia tăng khách tham quan thì những tác nhân gây hại cho di tích cũng gia tăng, do vậy cần thiết phải có sự điều phối lượng khách tham quan ở các nhóm tháp một cách hợp lý.

- Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam đã có những giải pháp gì để gắn công tác bảo tồn với phát huy các giá trị của di sản?

Ông Hồ Xuân Tịnh: Công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di sản là hai công việc luôn gắn kết, không thể tách rời.

Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam đã tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh ban hành Quy chế quản lý di tích trên địa bàn, trong đó quy định rõ trách nhiệm của chính quyền, ngành văn hóa các cấp, chủ sở hữu các di tích và nhân dân trong khu vực di tích.

Tỉnh đã trình Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể khu phổ cổ Hội An và khu đền tháp Chăm Mỹ Sơn, trong đó bên cạnh việc tu bổ tôn tạo di tích còn quan tâm đến việc nghiên cứu khoa học, đào tạo đội ngũ cán bộ đáp ứng được yêu cầu của công tác chuyên môn.

Tỉnh quy định các nguyên tắc bảo tồn gắn với phát huy giá trị di tích, bao gồm các nguyên tắc trong tu bổ di tích, việc tuyên truyền quảng bá, giới thiệu giá trị di tích thông qua các lễ hội truyền thống.

Các tác phẩm được in ấn xuất bản, việc khai thác tham quan du lịch, các dịch vụ trong khu di tích. Bảo tồn tốt các di tích sẽ kéo dài tuổi thọ di sản, phục vụ tốt nhu cầu tham quan, nghiên cứu và ngược lại, phát huy tốt giá trị di sản thông qua khai thác tham quan du lịch và các dịch vụ sẽ tạo nguồn vốn để đầu tư cho công tác quản lý, bảo vệ và tu bổ tôn tạo di tích.

- Ngành Văn hóa, Thể thao-Du lịch Quảng Nam đã phối hợp với các địa phương như thế nào trong chiến lược phát triển để vừa giúp người dân được hưởng lợi từ di sản vừa tạo điều kiện để người dân tham gia nhiều hơn trong việc bảo tồn di sản, thưa ông?

Ông Hồ Xuân Tịnh: Với chủ trương xã hội hóa công tác bảo vệ di sản văn hóa trong cộng đồng, ngoài việc đầu tư tu bổ tôn tạo di tích từ các nguồn vốn, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân trong vùng nâng cao ý thức bảo vệ di sản văn hóa, kết hợp các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản với việc tạo thu nhập cho nhân dân địa phương nơi có di sản, để nhân dân địa phương được hưởng lợi từ di sản.

Với di sản Hội An, phần lớn người dân trong phố cổ đã khai thác các dịch vụ lưu trú, ăn uống, bán hàng lưu niệm, may mặc, cho tho thuê xe đạp; từ đó ai cũng có ý thức trong việc gìn giữ, bảo tồn di sản quý giá này.

Tại Mỹ Sơn, được sự hướng dẫn, tập huấn của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, người dân địa phương đã bước đầu được hưởng lợi từ các dịch vụ nhỏ, lưu trú dạng homestay.

Việc bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản văn hóa tại Quảng Nam trong những năm qua tuy đã có những kết quả khả quan, song vẫn còn không ít những thiếu sót, bất cập trong công tác quản lý, những vấn đề nảy sinh trong thực tế cần được kịp thời điều chỉnh cho phù hợp.

Để làm tốt hơn việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, cần đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền pháp luật đến mọi công dân; khơi dậy lòng tự hào về các di sản văn hóa đồng thời nâng cao ý thức làm chủ của nhân dân, thực hiện tốt việc xã hội hóa hoạt động bảo tồn di tích.

Làm tốt điều này, các di sản văn hóa của Quảng Nam sẽ được gìn giữ tốt và lưu truyền cho muôn đời sau../

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục