Quảng Nam hỗ trợ trẻ khuyết tật hòa nhập cộng đồng

Các cán bộ sự án sẽ đến tận nhà để tư vấn, hướng dẫn cụ thể từng phương pháp chăm sóc, giúp trẻ dần mạnh dạn hòa nhập với cộng đồng.
Để giúp trẻ khuyết tật hòa nhập cộng đồng, huyện Hiệp Đức, Quảng Nam đã phối hợp với Tổ chức Cứu trợ phát triển (CRS) thực hiện Dự án “Tăng cường sự tham gia của cha mẹ trẻ khuyết tật và cộng đồng vào công tác chăm sóc-giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật.”

Sau 4 năm, dự án này đã bước đầu mang lại những dấu hiệu rất tích cực, trẻ khuyết tật trên địa bàn đã tự tin và mạnh dạn tham gia hoạt động xã hội, hòa nhập với cộng đồng.

Bị câm điếc bẩm sinh và thiểu năng trí tuệ, Bùi Thị Mỹ Linh (sinh năm 1998, ở thôn An Nam Sơn, xã Quế Thọ, Hiệp Đức) trở thành nỗi khổ tâm của gia đình, đặc biệt là với những người sinh thành ra em. Hơn 10 tuổi, Linh cũng không thể nhận thức được mọi thứ xung quanh, cũng như sinh hoạt cá nhân đều trông chờ vào mọi người trong gia đình.

Qua khảo sát của dự án “Tăng cường sự tham gia của cha mẹ trẻ khuyết tật và cộng đồng vào công tác chăm sóc-giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật,” Bùi Thị Mỹ Linh là một trong số trẻ khuyết tật trên địa bàn xã Quế Thọ được nhận sự giúp đỡ từ dự án.

Theo đó, hàng tháng cha mẹ Linh đều tham gia các buổi tư vấn, nâng cao nhận thức và các kỹ năng về chăm sóc trẻ khuyết tật tại nhà. Bản thân em được một thành viên cốt cán của dự án trên địa bàn tới tận nhà để hướng dẫn Linh tiếp cận cuộc sống.

Ban đầu, Linh được cô giáo hướng dẫn từng bước, từ việc gấp chăn mền sau khi ngủ dậy, rửa mặt cho đến cách đánh răng trước khi ngủ, rồi hướng dẫn em phụ mẹ quét dọn nhà cửa, rửa chén và viết những dòng chữ cái đầu tiên. Sau một thời gian được quan tâm giáo dục tại nhà, Linh đã biết viết tên mình, làm toán, vẽ tranh và phụ giúp cha mẹ nấu cơm, rửa chén bát. Kết quả đó là một điều tưởng chừng như không thể đối với cha mẹ Linh.

“Ngày trước, thấy con mình bị khiếm khuyết nên vợ chồng tôi bi quan lắm, thậm chí không muốn cho nó ra ngoài tiếp xúc với mọi người nữa. Nhưng sau đó, nhận được sự hỗ trợ của dự án CRS và sự giúp đỡ tích cực của các thành viên mà vợ chồng tôi bắt đầu tham gia các buổi tư vấn, hướng dẫn… Nhìn con dần được phục hồi chức năng, nhận thức được cuộc sống mà mừng không sao kể xiết, điều mà quả thực trước đây vợ chồng tôi không dám nghĩ đến. Giờ hai vợ chồng tôi có niềm tin để giúp con mình sớm được hòa nhập cộng đồng,” chị Nguyễn Thị Bích, mẹ của Linh nói.

Dự án CRS được triển khai trên địa bàn huyện Hiệp Đức từ năm 2007, đến nay đã qua 2 giai đoạn hoạt động. Toàn huyện đã thành lập được 12 Ban đại diện Hội cha mẹ học sinh trẻ khuyết tật tại các xã. Thành viên của Ban đại diện gồm cha mẹ trẻ khuyết tật cốt cán, các ban, ngành, đoàn thể và cán bộ cốt cán các trường học.

Thông qua mạng lưới cán bộ, giáo viên cốt cán và cha mẹ cốt cán, cùng với các chương trình của dự án, các thành viên tham gia sẽ đến tận nhà để tư vấn, hướng dẫn cụ thể từng phương pháp chăm sóc, giúp trẻ dần lấy lại tự tin, có thể mạnh dạn để hòa nhập với cộng đồng.

Không chỉ có Linh, nhiều trường hợp khác bị khuyết tật nặng, nhưng nhờ sự quan tâm giáo dục của thầy cô tại nhà, sự chăm lo phục hồi chức năng của cha mẹ; đến nay em đã biết viết, biết đọc thành thạo và bắt đầu biết sử dụng máy vi tính.

“Chỉ có chính phụ huynh trẻ khuyết tật mới là những người có điều kiện quan tâm, hỗ trợ trẻ nhiều nhất, không ai giúp được trẻ nếu chính cha mẹ trẻ thờ ơ. Vì vậy, việc phối hợp giữa các bậc cha mẹ với nhà trường, với các tổ chức có liên quan để giáo dục, giúp trẻ khuyết tật hòa nhập cộng đồng là điều rất quan trọng,” chị Nguyễn Thị Sắc - Nhóm trưởng Nhóm cha mẹ cốt cán xã Quế Thọ (thuộc Dự án CRS) chia sẻ.

Ông Mai Văn Ca, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Hiệp Đức, Phó Ban Quản lý Dự án CRS tại Hiệp Đức, cho biết dự án tăng cường sự tham gia của cha mẹ trẻ khuyết tật và cộng đồng vào công tác chăm sóc-giáo dục, hòa nhập trẻ khuyết tật đã tạo ra hiệu ứng mạnh, làm thay đổi rõ rệt nhận thức của cộng đồng, của các bậc cha mẹ có trẻ khuyết tật trên địa bàn.

Hầu hết trẻ khuyết tật của địa phương giờ đã tự tin và mạnh dạn tham gia các hoạt động xã hội, đến tuổi đi học đều được ra lớp, từng bước được phục hồi chức năng, rèn luyện kỹ năng để hòa nhập cộng đồng.

Trong giai đoạn 3 (2011-2013), Dự án sẽ mở nhiều lớp tập huấn để nâng cao năng lực cho hội cha mẹ, phụ huynh và cho đội ngũ giáo viên trực tiếp dạy trẻ khuyết tật, đặc biệt tập trung vào việc hỗ trợ các kỹ năng chăm sóc trẻ khuyết tật cho cha mẹ là đồng bào thiểu số trên địa bàn./.

Hứa Chung (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục