Quảng Ninh khẩn trương di dời dân đến nơi an toàn trước bão

Tại thành phố Hạ Long, 324 hộ dân các làng chài đã chuyển lên bờ sinh sống ổn định tại Hà Tu, còn 31 hộ hiện đang trên Vịnh, thành phố sẽ cưỡng chế lên bờ trong ngày 17/7.
Quảng Ninh khẩn trương di dời dân đến nơi an toàn trước bão ảnh 1Tàu thuyền về neo đậu để tránh bão. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Trước diễn biến của cơn bão số 2 (bão Rammasun), ngày 17/7, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ninh đã họp trực tuyến khẩn cấp với các ngành, địa phương để triển khai các phương án phòng chống bão.

Theo báo cáo của Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã ban hành 2 công điện khẩn, yêu cầu các ngành, địa phương triển khai ngay các phương án phòng chống bão.

Đến thời điểm này, các địa phương đã liên lạc được với 222/229 tàu đánh cá xa bờ để thông tin về tình hình của bão và các tàu này đang về nơi neo đậu; 7 tàu còn lại đang được Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, các địa phương tiếp tục liên lạc; 8.471 phương tiện tàu thuyền công suất nhỏ từ 20 CV đến dưới 90 CV đang hoạt động gần bờ đã được thông tin về nơi trú bão.

Toàn bộ tàu du lịch sẽ di dời tránh trú bão khi có lệnh cấm biển vào chiều 17/7. Việc kêu gọi tàu thuyền về tránh trú bão, các phương án phòng chống bão đang được khẩn trương triển khai. Về cơ bản toàn bộ tàu thuyền đã nhận được thông tin về cơn bão và đang trên đường di chuyển về nơi tránh trú an toàn.

Tại thành phố Hạ Long, 324 hộ dân các làng chài đã chuyển lên bờ sinh sống ổn định tại phường Hà Tu, còn 31 hộ hiện đang trên Vịnh, thành phố sẽ cưỡng chế lên bờ trong ngày 17/7. Các tàu, thuyền xa bờ đã liên lạc được và về nơi tránh trú bão an toàn.

Toàn thành phố có 10 khu vực sạt lở đất đá, nguy hiểm nhất là điểm tại tổ 2, khu 10, phường Bãi Cháy. Chính quyền địa phương đã di dời xong 6 hộ dân tại khu vực này và sẽ có phương án di dời các hộ dân ở những khu vực có nguy cơ sạt lở khác.

Tại Cô Tô, ông Nguyễn Văn Thành, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện cho biết đến chiều 17/7, huyện sẽ kêu gọi toàn bộ tàu thuyền về nơi tránh trú bão; đã thực hiện gia cố một số tuyến đê, kè bao biển. Huyện đảo đã di chuyển được 300/500 khách du lịch và tiếp tục kêu gọi du khách di chuyển vào bờ.

Huyện Vân Đồn đã chủ động phối hợp các lực lượng kêu gọi tàu thuyền vào tránh trú bão. Đến 10 giờ ngày 17/7, các lực lượng chức năng của huyện kêu gọi được 1.460 phương tiện, còn 370 phương tiện tiếp tục được kêu gọi về neo đậu trước 17 giờ.

Huyện đã có phương án bảo vệ hồ chứa đặc biệt là hồ Voòng Tre, Khe Mai; gia cố tuyến đê Quan Lạn. 154 khách du lịch tại Minh Châu đang được vận động di chuyển vào bờ trong buổi chiều 17/7.

Thị xã Quảng Yên đã lên phương án di dời, cưỡng chế các chủ đầm nuôi thủy sản khi bão đến; có phương án di dân ở các vùng trũng Hà Nam. Các xã đã tháo nước đệm, phòng chống úng lụt; chuẩn bị vật tư, phương tiện trực những điểm xung yếu.

Thành phố Cẩm Phả đã yêu cầu các địa phương kêu gọi tàu thuyền về nơi tránh bão. Đến nay đã có hơn 200 tàu, thuyền về nơi neo đậu; hơn 300 lồng, bè được thông báo. Thành phố yêu cầu toàn bộ các phương tiện vào bờ trước 18 giờ ngày 17/7, phát áo phao cho toàn bộ người dân trên các phương tiện tàu, thuyền, nhà bè.

Tại thành phố Móng Cái, các tàu, thuyền trên biển, đò trên sông đã được thông báo về các vị trí neo đậu; các xã, phường đã xây dựng phương án phòng chống bão; trực ban 24/24 giờ.

Để chủ động các biện pháp phòng chống bão, ông Đặng Huy Hậu - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh yêu cầu các ngành, địa phương thường trực chống bão, theo dõi sát sao, chặt chẽ, thường xuyên thông tin về cơn bão, sẵn sàng các biện pháp phòng chống.

Từ chiều 17/7, Quảng Ninh dừng toàn bộ các chuyến tàu tham quan và nghỉ đêm trên Vịnh Hạ Long cho đến khi bão tan. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thông báo cho tất cả các chủ phương tiện, các tuyến du lịch tạm dừng các hoạt động tham quan, du lịch trên Vịnh Hạ Long trong thời gian đang có bão.

Các địa phương Vân Đồn, Cô Tô thông báo đến các khách du lịch thông tin về cơn bão, yêu cầu di chuyển về nơi an toàn.

Cơn bão số 2 dự báo sẽ có mưa lớn, do đó Quảng Ninh tập trung phòng chống sạt lở, nhất là các bãi thải của ngành than khu vực Cẩm Phả; có phương án phòng chống ngập úng, đảm bảo an toàn cho các hầm lò.

Thành phố Hạ Long đặc biệt quan tâm đến những khu vực có nguy cơ sạt lở cao, nhất là các khu dân cư; khẩn trương di dời các hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm trước khi bão đến; thành phố Cẩm Phả nhanh chóng di dân ra khỏi vùng đất yếu, có nguy cơ sụt lún.

Các địa phương cần lưu ý đảm bảo an toàn cho các hồ chứa; hệ thống đê biển, đê sông, đặc biệt đối với các đê đã bị ảnh hưởng nặng nề của những cơn bão năm 2013 chưa khắc phục được.

Lực lượng quân đội chủ động phương án tìm kiếm cứu nạn; các địa phương bố trí lực lượng thanh niên tham gia công tác phòng chống bão, tìm kiếm cứu nạn.

Các cơ quan truyền thông cần tăng cường công tác tuyên truyền, cập nhật kịp thời thông tin về bão để người dân biết, chủ động phòng chống bão. Tỉnh và các địa phương hoãn các cuộc họp không cần thiết để tập trung cho công tác phòng chống bão./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục