Quảng Ninh: Nhiều hộ dân xả nước và tôm chết ra môi trường

Một số hộ nuôi tại Móng Cái có hiện tượng tôm chết đã tự ý xả nước thải và tôm chết ra môi trường xung quanh, gây ra nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cho các hộ nuôi khác.
Quảng Ninh: Nhiều hộ dân xả nước và tôm chết ra môi trường ảnh 1Xử lý hồ nuôi tôm bị dịch bệnh. (Ảnh minh họa: Hồ Cầu/TTXVN)

Từ đầu tháng Năm đến nay, ở 4 địa phương của thành phố Móng Cái (Quảng Ninh) xuất hiện hiện tượng tôm nuôi chết, gồm các đầm nuôi ở phường Hải Yên, Hải Hòa, Bình Ngọc và xã Vạn Ninh.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Móng Cái, ông Lê Ngọc Lưu cho biết một số hộ nuôi ở các địa phương trên đã tự ý xả nước có cả tôm chết ra môi trường xung quanh.

Trong khi đó, chính quyền địa phương sở tại không nắm bắt được thông tin để báo cáo với thành phố có biện pháp xử lý kịp thời.

Ông Thiều Văn Thành, Phó Chi cục trưởng Chi cục chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Ninh cho hay việc xả nước, tôm chết ra môi trường hết sức nguy hại cho các hộ nuôi thủy sản xung quanh, sẽ làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao.

Theo quy trình, khi phát hiện đầm nuôi tôm bị dịch bệnh, các hộ nuôi phải thông báo với cơ quan chức năng để tiến hành khử trùng đầm nuôi bằng hóa chất khoảng 5 ngày sau mới được phép xả nước ra môi trường. Tỉnh Quảng Ninh chủ động cấp thuốc, hóa chất miễn phí để xử lý vùng nước bị nhiễm bệnh dịch cho các hộ nuôi.

Ông Thiều Văn Thành cho rằng hiện nay các chế tài xử lý hành chính chưa được áp dụng thực tế đối với các hộ nuôi hải sản tự ý xả nước thải có chứa mầm bệnh ra môi trường nên công tác phòng ngừa dịch bệnh thủy sản ở một số địa phương còn gặp nhiều khó khăn.

Cũng theo ông Thiều Văn Thành, qua lấy mẫu xét nghiệm hồi đầu tháng Năm, đã phát hiện 3 mẫu tôm nuôi bị nhiễm bệnh hoại tử gan tụy cấp, gồm của 2 hộ thuộc xã Vạn Ninh, 1 phường Bình Ngọc của thành phố Móng Cái, với diện tích chừng 1ha.

Đánh giá ban đầu, số hộ nuôi trên nhập giống tôm từ một số tỉnh của miền Nam về nuôi thả, chỉ sau 10 ngày là tôm giống chết hàng loạt.

Theo cơ quan khí tượng thủy văn, thời gian tới do khí hậu thời tiết nắng nóng kéo dài xuất hiện mưa đột ngột rất thuận lợi cho mầm bệnh hoại tử gan tụy và đốm trắng trên tôm phát triển, lây lan mạnh và có khả năng bùng phát thành dịch.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Móng Cái Lê Ngọc Lưu yêu cầu ngoài việc tăng cường cán bộ chuyên ngành về cơ sở, thành phố Móng Cái giao cho trưởng các thôn, khu phối hợp với quần chúng nhân dân giám sát và thực hiện các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh tai chỗ.

Bên cạnh đó, khuyến cáo người dân mua giống thủy sản ở những địa chỉ tin cậy, có giống tốt, giống khỏe và khi mua phải yêu cầu đơn vị bán cung cấp giấy chứng nhận kiểm dịch, có hóa đơn chứng từ.

Ông Lê Ngọc Lưu cũng yêu cầu người nuôi trồng phải tuân thủ nghiêm quy định của cơ quan chuyên môn về nuôi trồng thủy sản, không được tự ý xả thải nước, tôm chết ra môi trường./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục