Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế khắc phục hậu quả của áp thấp nhiệt đới

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có mưa kèm gió lớn khiến nhiều nhà dân bị tốc mái, trong khi tại Thừa Thiên-Huế, mưa to gây ngập trên diện rộng.
Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế khắc phục hậu quả của áp thấp nhiệt đới ảnh 1Nông dân ở xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, Thừa Thiên-Huế thu hoạch sắn bị ngập lụt. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)

Ngày 14/10, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có mưa kèm gió lớn khiến nhiều nhà dân bị tốc mái, cây lâm nghiệp và hoa màu bị gãy đổ, nhiều tuyến đường bị ngập cục bộ gây ách tắc giao thông.

Lãnh đạo các địa phương thuộc tỉnh Quảng Trị đã khẩn trương về những nơi bị thiệt hại thăm hỏi, động viên người dân cũng như chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả và di dời dân đến nơi an toàn.

Mưa lớn khiến nhiều đoạn đường của 2 huyện Hướng Hóa và Đakrông bị ngập cục bộ: cầu tràn ở tuyến đi Tà Rụt-A Vao, cầu tràn Ba Lòng, cầu tràn Pa Nang và 2 điểm trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua thủy điện Đakrông 1, Đakrông (huyện Đakrông); một số tuyến đường ở vùng Lìa, riêng tại xã Hướng Linh (huyện Hướng Hóa) có 10 hộ bị nước ngập cục bộ, hiện đang được chính quyền tổ chức di dời đến nơi an toàn.

Nước sông Sê Pôn đang lên, nếu mưa kéo dài vẫn tiếp diễn, khả năng nhiều tuyến đường vùng Lìa sẽ bị tắc nghẽn.

Ủy ban Nhân dân các huyện Hướng Hóa và Đakrông đang lên phương án di dời dân. Riêng huyện ĐakRông có 10 điểm sạt lở trên Quốc lộ 9, tuy nhiên, các phương tiện vẫn lưu thông được.

Lốc xoáy xảy ra tại các huyện Triệu Phong, Hải Lăng và Vĩnh Linh, Gio Linh khiến hơn 200 nhà dân bị tốc mái.

Tại huyện Triệu Phong, có khoảng 80 nhà bị tốc mái ở các xã Triệu Đại 40, Triệu Phước, Triệu Lăng, trong đó có 20 nhà bị tốc mái hoàn toàn. Đặc biệt, lốc xoáy khiến 3 người bị thương được đưa đi cấp cứu, trong đó có 1 người bị ngói rơi trúng mặt, bị thương khá nặng.

Một số trường học bị tốc mái, tập trung ở xã Triệu Hòa. Cao su ở xã Triệu Thượng và Triệu Ái bị gãy đổ nhiều, hệ thống cột điện, cột viễn thông bị xiêu vẹo, bị mất điện cục bộ. Một số tàu thuyền nhỏ của ngư dân đã được neo đậu gần bờ nhưng gió lớn khiến 5 tàu bị hư hỏng.

Tại huyện Hải Lăng, có trên 100 ngôi nhà bị tốc mái, riêng ở xã Hải Khê có khoảng 30 nhà. Gió lớn khiến cây cối đổ rạp trên tỉnh lộ 582 về Mỹ Thủy.

Các địa phương đã triển khai lực lượng tổ chức cưa cây bị ngã đổ để thông luồng giao thông. Đặc biệt, tại một số diện tích trồng ném và trồng cỏ mới được triển khai theo mô hình chuyển đổi sinh kế cho người dân vùng biển bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường đang bị ngập nhiều, khả năng sẽ hư hại hết.

Tại huyện Vĩnh Linh, mưa lớn và lốc xoáy khiến 15 nhà của người dân bị tốc mái, hư hại, trong đó có 7 nhà dân bị hư hỏng nặng. Bên cạnh đó, diện tích cây lưu niên bị hư hại, đổ gãy khoảng 70 ha và 20 ha cây hồ tiêu của người dân.

Trong khi đó, ở Thừa Thiên-Huế, do ảnh hưởng kết hợp của áp thấp nhiệt đới, gió mùa Đông Bắc và nhiễu động gió đông trên cao, từ ngày 12-14/10, ở tỉnh có mưa to, có nơi mưa rất to. Lượng mưa đo được tại trạm Bạch Mã (Nam Đông) là 359 mm; Tà Lương (A Lưới) là 258 mm; trên sông Bồ (tại trạm Phú Ốc) và Kim Long (trên sông Hương) lượng mưa đạt từ 202-219 mm.

Mực nước các hồ chứa lên nhanh: Hồ thủy điện Bình Điền 67,32m/cao trình ngưỡng tràn 73m; hồ thủy điện Hương Điền 49,87m/58m; hồ thủy điện A Lưới 552m/538,5m; các hồ chứa thủy lợi như hồ Truồi 37,4m/36m; hồ Hòa Mỹ 36,2/35m...

Các hồ chứa đang thực hiện phương án xả lũ thích hợp, vừa bảo đảm an toàn hồ đập, đồng thời không gây lũ cho vùng hạ du. Các công trình cống, đập vùng hạ du như Thảo Long, Cửa Lác, Cống Quan và các cống qua đê được vận hành mở cửa để thoát lũ.

Ngày 14/10, Sở Giáo dục Đào tạo tỉnh Thừa Thiên-Huế cho phép tất cả học sinh trên địa bàn tỉnh nghỉ học, do nước ngập trên diện rộng. Một số vùng trũng và vùng nội đô thành phố Huế ngập sâu cục bộ.

Tại thành phố Huế, hệ thống cây xanh bị gãy, đổ; nhiều bảng quảng cáo panô, áp phích bị đổ và bị rách. Cây xanh khu vực đô thị dọc tuyến đường Hùng Vương, An Dương Vương, Nguyễn Trãi, Ngô Đức Kế, Đống Đa, Trương Định, Hoàng Hoa Thám, Yết Kiêu, Thạch Hãn, Lê Duẩn, Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Đông Đa, Nguyễn Công Trứ, Phạm Hồng Thái, Trương Định, Hàn Thuyên gãy đổ la liệt, gây ách tắc giao thông.

Tại các huyện Phong Điền, Hương Trà, nhiều tuyến đường như Quốc lộ 49 B đoạn từ Phong Hòa đến Phong Bình ngập sâu 0,3m, chiều dài 200m; cá biệt có đoạn đường từ xã Phong An đến xã Phong Xuân qua đoạn thôn Vĩnh Hương ngập sâu 1m, chiều dài 200 m; đường tỉnh lộ 17 từ thị trấn Phong Điền đến xã Phong Mỹ qua đoạn chợ Phong Mỹ bị ngập sâu 1,5m. Xã Phong Mỹ (huyện Phong Điền) có 186 nhà ngập bình quân từ 0,1-0,4m.

Công ty vệ sinh và môi trường đô thị và Công ty công viên cây xanh Huế đã huy động 200 công nhân và hàng chục phương tiện cắt dọn cây xanh, thông đường và vệ sinh trả lại môi trường sạch cho thành phố Huế.

Các xã Phong Sơn, Phong Xuân, Phong Mỹ, Phong Thu (huyện Phong Điền) đang tranh thủ thu hoạch hơn 2.000 ha sắn bị nước ngập để giảm thiệt hại.

Chính quyền địa phương và nhân dân các xã Phong Hiền, Phong Bình, Phong Thu, Phong Chương, Điền Hòa, Điền Hải giúp nhau che chắn, dựng lại nhà cửa, từng bước khắc phục hậu quả mưa lụt..../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục