Quê hương Hưng Yên tưởng nhớ cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh - nhà lãnh đạo kiên định và sáng tạo, là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người chiến sỹ cộng sản trong sáng.
Quê hương Hưng Yên tưởng nhớ cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh ảnh 1Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh gặp gỡ các đại biểu dự Đại hội Đảng lần thứ VI khai mạc ngày 15/12/1986, tại Hà Nội. (Ảnh: Minh Đạo/TTXVN)

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh - nhà lãnh đạo kiên định và sáng tạo, suốt đời phấn đấu vì độc lập dân tộc, vì hạnh phúc nhân dân; đồng thời là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người chiến sỹ cộng sản có đạo đức trong sáng giản dị.

Đây là những nội dung được thảo luận sôi nổi tại hội thảo khoa học quốc gia kỷ niệm 100 năm ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh.

Hội thảo được tổ chức tại tỉnh Hưng Yên, ngày 24/6 với chủ đề "ông Nguyễn Văn Linh với cách mạng Việt Nam và quê hương Hưng Yên."

Trước khi diễn ra hội thảo, các đại biểu đã dâng hương tại Tượng đài Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh ở thành phố Hưng Yên.

Hơn 50 tham luận của các nhà khoa học gửi đến hội thảo tập trung vào 4 nội dung đã đánh giá sâu sắc cuộc đời và sự nghiệp của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, những đóng góp to lớn, những phẩm chất cao quý của một nhà lãnh đạo kiệt xuất đã hiến dâng trọn đời cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc.

Suốt đời phấn đấu kiên cường vì Tổ quốc và nhân dân

Phát biểu khai mạc hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh khẳng định với 83 tuổi đời, gần 70 năm hoạt động sôi nổi, phong phú, ông Nguyễn Văn Linh đã hiến dâng trọn đời cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, dân tộc Việt Nam.

Cuộc đời của ông là tấm gương sáng ngời của người cộng sản đã phấn đấu kiên cường và hoàn thành xuất sắc nhiều trọng trách được Đảng và nhân dân trao cho ở những thời điểm khó khăn của cách mạng; hội tụ những phẩm chất quý báu của một nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng; là tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư...

Đánh giá về ý nghĩa của hội thảo, ông Đinh Thế Huynh nhấn mạnh hội thảo là dịp để chúng ta ôn lại cuộc đời, sự nghiệp và những cống hiến to lớn của ông Nguyễn Văn Linh, những bài học kinh nghiệm quý báu trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

Đồng thời, hội thảo cũng là dịp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước cách mạng, nhất là đối với thế hệ trẻ; cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI, lập thành tích chào mừng đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội XII của Đảng.

Báo cáo đề dẫn hội thảo của Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Văn Thông đã khái quát cuộc đời, sự nghiệp của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và nêu rõ: Ông Nguyễn Văn Linh sớm tiếp thu truyền thống yêu nước, một lòng đi theo Đảng. Hai lần bị địch bắt và tra tấn dã man tại địa ngục trần gian Côn Đảo, người chiến sỹ cộng sản trẻ tuổi vẫn kiên cường cùng đồng đội biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng.

Trở về từ nhà tù đế quốc, ông Nguyễn Văn Linh sát cánh cùng đồng bào, chiến sỹ miền Nam vượt qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ với tinh thần "Miền Nam Việt Nam là thịt của thịt chúng tôi, là máu của máu chúng tôi. Nhân dân Việt Nam sẽ được thống nhất." Ông là người bắt nhịp cho cách mạng miền Nam làm nên dấu ấn đậm nét về cuộc Đồng Khởi, tiến đến thắng lợi hoàn toàn vào mùa Xuân 1975.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Sài gòn-Chợ Lớn-Gia Định-Thành phố Hồ Chí Minh vinh dự, tự hào và biết ơn sâu sắc ông Nguyễn Văn Linh, người mà cán bộ đảng viên, chiến sỹ và đồng bào thường gọi thân thương kính mến là Anh Mười Cúc, Chú Út, Chú Mười Cúc.

Ông đã gắn bó, trực tiếp lãnh đạo Đảng bộ từ trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ và công cuộc xây dựng, bảo vệ, phát triển thành phố.

Đọng lại ấn tượng sâu sắc tại hội thảo là phát biểu của bà Ngô Thị Huệ, phu nhân Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Trong hồi ức đầy cảm động của bà, ông Nguyễn Văn Linh đã trải qua nhiều gian nan vất vả, luôn phải sống xa gia đình. Suốt gần 70 năm hoạt động cách mạng, ông đã nếm trải chịu đựng mọi gian khổ, mất mát hy sinh.

Trong hoàn cảnh nào, ông vẫn giữ vững lập trường, một lòng tâm huyết phấn đấu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Cả cuộc đời ông luôn mong mỏi làm sao cho nước nhà độc lập, tự do, nhân dân bớt khổ cực, có cơm ăn áo mặc, được sống hạnh phúc. Trong gia đình, ông là người cha mẫu mực, giáo dục con cháu theo chí hướng của cha ông.

Nhà lãnh đạo kiên định và sáng tạo

Bí Thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Văn Thông nhấn mạnh trước những thời điểm, những nhiệm vụ khó khăn, ông Nguyễn Văn Linh luôn thể hiện hai phẩm chất nổi bật là kiên định với những vấn đề nguyên tắc và sáng tạo, nhạy bén tìm ra cái mới, đáp ứng yêu cầu thực tiễn cách mạng.

Trong kháng chiến, với vai trò lãnh đạo cao nhất Xứ ủy Nam bộ, ông Nguyễn Văn Linh kiên cường bám trụ, lặn lội xuống cơ sở, tìm hướng đấu tranh đúng cho cách mạng. Ông đề xuất với Trung ương được sử dụng biện pháp đấu tranh vũ trang, kết hợp với đấu tranh chính trị, vận dụng sáng tạo Nghị quyết Trung ương 15, phát động phong trào Đồng Khởi, tạo chuyển biến mạnh mẽ cách mạng miền Nam sang thế chủ động tiến công.

Được giao trọng trách Tổng Bí thư đầu tiên thời kì đổi mới năm 1986, ông Nguyễn Văn Linh đã kiên định, sáng tạo, xác định đổi mới phải có nguyên tắc, phải kiên trì mục tiêu chủ nghĩa xã hội bằng con đường phù hợp với quy luật khách quan. Đổi mới phải tăng cường và giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước, ông đề ra quyết sách tháo gỡ khó khăn, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới toàn diện đất nước.

Sau một năm thực hiện Khoán 10, cải cách nông nghiệp, năm 1989, từ một nước nhập lương thực và thiếu đói, Việt Nam đã đáp ứng đủ nhu cầu và xuất khẩu trên 1 triệu tấn gạo/năm.

Theo tiến sỹ Nguyễn Trọng Phúc, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, thực hiện đường lối đổi mới, ông Nguyễn Văn Linh vừa chú trọng thực hiện những quan điểm cơ bản có ý nghĩa chiến lược, vừa quan tâm "những việc cần làm ngay" kết hợp chặt chẽ "nói và làm."

Những bài viết trên báo Nhân dân ký tên N.V.L có ý nghĩa chỉ đạo sâu sắc, kịp thời khắc phục bệnh quan liêu, trì trệ, vô cảm trong lãnh đạo, quản lý ở nhiều cấp, nhiều lĩnh vực, tạo nên phong cách công tác mới, phê phán "sự im lặng đáng sợ."

Người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người chiến sỹ cộng sản trong sáng, giản dị

Phẩm chất học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của ông Nguyễn Văn Linh đã được nhiều tham luận phân tích làm rõ. Cuối năm 1953, lần đầu tiên được gặp Bác, ông Nguyễn Văn Linh rất khâm phục tinh thần lạc quan cách mạng, tài dân vận thu phục lòng người của Bác.

Ông bày tỏ ấn tượng và tình cảm đặc biệt: "Bác rất mạnh, rất vui, rất giản dị, rất linh hoạt. Mỗi lời nói của Bác đi sâu vào trong lòng người. Mỗi cử chỉ của Bác là một bài học thấm thía. Đảng ta, dân tộc ta có Bác thật là hạnh phúc to."

Ông vững tin: "Trước kia, hiện nay và mai sau, Người mãi mãi là ngọn cờ tập hợp, vẫy gọi đối với mọi người Việt Nam yêu nước trong cuộc đấu tranh xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và tiến lên chủ nghĩa xã hội."

Là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Văn Linh tỏ rõ tri thức và phong cách mẫu mực của người chiến sỹ cộng sản trong quan điểm về tính hệ thống, toàn diện và sâu sắc, về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, về xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước, thực hiện đại đoàn kết toàn dân...

Ông Nguyễn Văn Linh cũng tỏa sáng cốt cách của người chiến sỹ cộng sản: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, luôn phấn đấu, hy sinh vì sự nghiệp dân tộc, không màng danh lợi, địa vị cá nhân.

Kết thúc Đại hội VI, dù vẫn còn minh mẫn và được nhiều đoàn đại biểu tín nhiệm đề cử, nhưng ông Nguyễn Văn Linh đã xin rút, không ứng cử vào Ban Chấp hành Trung ương khóa mới với lời hứa "Tôi xin cố gắng cống hiến sự hiểu biết và kinh nghiệm nhỏ bé của mình cho cách mạng, cho Đảng cho đến hơi thở cuối cùng."

Trong cuộc sống thường ngày, noi gương Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Văn Linh sống giản dị, chân thành, nghĩa tình, gần gũi với ông, đồng bào, không tư lợi cá nhân, không giành những đặc quyền riêng cho bản thân và gia đình.

Người con ưu tú của quê hương Hưng Yên

Nhiều tham luận của các nhà khoa học và lãnh đạo tỉnh Hưng Yên đã dành tình cảm sâu nặng và trân trọng, đánh giá cao những ân tình của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh với quê hương Hưng Yên.

Từ khi theo cách mạng, dù bận nhiều việc quốc gia song ông Nguyễn Văn Linh luôn hướng về Hưng Yên bằng tình cảm và sự quan tâm sâu sắc. Trong những năm xa quê, ông đã sáu lần về thăm và làm việc tại Hưng Yên và xã Giai Phạm (huyện Yên Mỹ)

Tháng 11/1997, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV vinh dự được ông Nguyễn Văn Linh gửi điện chúc mừng cùng với lòng mong mỏi: ''Vì lý do sức khỏe, đáng tiếc tôi không về dự Đại hội đại biểu của tỉnh được. Xin gửi lời chúc mừng Đại hội đạt kết quả tốt đẹp. Tỉnh ủy sẽ xây dựng mọi mặt của tỉnh nhà thật tốt, đưa Hưng Yên trở thành một tỉnh mạnh của toàn quốc Việt Nam." Đó cũng chính là căn dặn cuối cùng của ông Nguyễn Văn Linh với Đảng bộ và nhân dân Hưng Yên.

Phát huy truyền thống quê hương, thực hiện lời dặn của ông Nguyễn Văn Linh, những năm qua, bằng sự nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ và nhân dân toàn tỉnh, được sự quan tâm, giúp đỡ của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và các ban, bộ, ngành Trung ương, Hưng Yên đã đạt được những thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội.

Hiện nay, Hưng Yên đã quy hoạch 13 khu công nghiệp tập trung; trong đó có 4 khu công nghiệp và hàng chục cụm công nghiệp vừa và nhỏ đã đi vào hoạt động, thu hút hơn 1.200 dự án đầu tư trong và ngoài nước, với tổng số vốn đầu tư đăng ký tương đương 7,1 tỷ USD, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 20 vạn lao động. GDP bình quân đầu người hơn 35 triệu đồng. Tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 7.300 tỷ đồng, tăng gần 8%.

Kết luận hội thảo, ông Tạ Ngọc Tấn nhấn mạnh các tham luận tại hội thảo và những tham luận gửi về ban tổ chức hội thảo đã phân tích và đánh giá đúng tầm vóc, công lao và sự cống hiến của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.

Với gần 70 năm hoạt động cách mạng phong phú, sôi nổi trải dài từ Bắc vào Nam, tên tuổi của ông gắn liền với nhiều sự kiện, bước ngoặt quan trọng của lịch sử đất nước.

Đặc biệt là thời kỳ đổi mới, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã thể hiện tầm nhìn, bản lĩnh, chỉ đạo giải quyết hiệu quả các vấn đề lớn, vấn đề khó khăn của Đảng, của đất nước.

Là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông luôn sống chan hòa, giản dị, không ngừng đấu tranh với biểu hiện tiêu cực, lãng phí, quan liêu, bảo thủ, trì trệ…

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh là tấm gương sáng ngời để các thế hệ học tập, noi theo; tiếp tục vận dụng vào công tác xây dựng Đảng, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục