Quốc hội Iraq phản đối sự hiện diện của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ

Quốc hội Iraq phản đối quyết định của Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ gia hạn thêm 1 năm triển khai các binh sỹ Thổ Nhĩ Kỳ gần thành phố Mosul miền Bắc Iraq.
Quốc hội Iraq phản đối sự hiện diện của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ ảnh 1Lực lượng binh sỹ Thổ Nhĩ Kỳ. (Nguồn: Reuters)

Quốc hội Iraq ngày 4/10 đã phản đối quyết định của Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ gia hạn thêm 1 năm triển khai các binh sỹ Thổ Nhĩ Kỳ gần thành phố Mosul miền Bắc Iraq, theo đó coi các binh sỹ Thổ Nhĩ Kỳ là lực lượng chiếm đóng.

Trong số 328 nghị sỹ tham dự phiên họp thường kỳ của Quốc hội Iraq, 189 nghị sĩ đã thông qua quyết định trên.

Quốc hội Iraq nêu rõ: "Chúng tôi phản đối quyết định của Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ cho phép binh sỹ của họ xâm nhập vào bên trong các vùng lãnh thổ của Iraq. Chính phủ Iraq phải coi các binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ là lực lượng chiếm đóng thù địch."

Quốc hội Iraq cũng khẳng định rằng chính phủ nước này phải áp dụng tất cả các biện pháp ngoại giao và pháp lý để bảo vệ lãnh thổ của Iraq, trong đó có việc xem xét lại các mối quan hệ kinh tế và thương mại với Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngoài ra, Quốc hội Iraq cũng phản đối tuyên bố gần đây của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan về việc Ankara sẵn sàng tham gia cuộc chiến sắp tới nhằm đánh đuổi các tay súng của nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ra khỏi thành trì quan trọng cuối cùng của nhóm này tại Mosul.

Quốc hội Iraq cho rằng những tuyên bố như vậy gây chia rẽ người dân Iraq.

Trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iraq ngày 3/10 cho rằng phát biểu của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ thể hiện sự can thiệp rõ rệt vào các công việc nội bộ của Iraq và vi phạm những nguyên tắc của các mối quan hệ song phương và tình láng giềng hữu hảo.

Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ ngày 1/10 đã thông qua với số phiếu áp đảo quyết định gia hạn 1 năm nhiệm vụ của binh sĩ nước này triển khai đến Syria và Iraq.

Dự luật được thông qua dễ dàng trong ngày đầu tiên phiên họp mới của Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ, với sự ủng hộ của đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền cùng hai đảng đối lập là đảng Nhân dân Cộng hòa (CHP) và đảng Phong trào Dân tộc Chủ nghĩa (MHP). Chỉ có đảng Dân chủ Nhân dân (HDP) thân lực lượng người Kurd bỏ phiếu chống.

Nhiệm vụ trên được Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ thông qua lần đầu tiên vào tháng 10/2014 và được gia hạn thêm 1 năm vào tháng 9/2015.

Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ được phép tiến hành các hoạt động quân sự ở hai nước láng giềng phía Nam là Syria và Iraq chống nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) và những nhóm khác mà Ankara cho là các tổ chức khủng bố.

Ankara nêu rõ việc triển khai các binh sỹ Thổ Nhĩ Kỳ tại Iraq là một phần của nhiệm vụ quốc tế đào tạo và trang bị cho các lực lượng của Iraq chống lại IS./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục