Quốc hội Nhật Bản bước vào kỳ họp quan trọng nhất năm 2016

Theo kế hoạch, kỳ họp Quốc hội Nhật Bản sẽ được tiến hành với các vấn đề chính gồm dự thảo ngân sách bổ sung tài khóa 2015, dự thảo ngân sách tài khóa 2016 và TPP.
Quốc hội Nhật Bản bước vào kỳ họp quan trọng nhất năm 2016 ảnh 1Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. (Ảnh: Reuters)

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, ngày 4/1, Quốc hội Nhật Bản đã khai mạc kỳ họp kéo dài đến ngày 1/6.

Nhật hoàng Akihito, Thủ tướng Shinzo Abe cùng lãnh đạo các chính đảng tại Quốc hội đã tham dự phiên khai mạc. Dự kiến, đây sẽ là một kỳ họp có lịch trình làm việc căng thẳng do Quốc hội sẽ tiến hành thảo luận và thông qua nhiều dự luật.

Trong diễn văn khai mạc, Nhật hoàng Akihito kêu gọi Quốc hội, với tư cách là cơ quan quyền lực cao nhất, nỗ lực đưa đất nước thịnh vượng và hòa bình, đồng thời phối hợp với các nước để xây dựng một thế giới hòa bình và phát triển.

Theo kế hoạch, kỳ họp Quốc hội Nhật Bản sẽ được tiến hành với các vấn đề chính gồm dự thảo ngân sách bổ sung tài khóa 2015, dự thảo ngân sách tài khóa 2016 và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Trong ngày họp đầu tiên, Thủ tướng Shinzo Abe báo cáo trước Quốc hội các vấn đề đối ngoại trong năm 2016. Cùng ngày, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Taro Aso trình bày tại Quốc hội các chính sách tài chính liên quan đến dự thảo ngân sách bổ sung 2015, đồng thời kêu gọi Quốc hội sớm thông qua dự thảo này để hỗ trợ ngành nông nghiệp Nhật Bản ứng phó với các tác động đến từ TPP.

Chính phủ và liên minh cầm quyền dự kiến dự thảo ngân sách bổ sung tài khóa 2015 sẽ được Quốc hội thông qua ngày 21/1, sau đó dự thảo ngân sách tài khóa 2016 được trình lên Quốc hội ngày 22/1. Bốn nhân vật hàng đầu trong nội các trong đó có Thủ tướng Shinzo Abe sẽ có bài diễn văn chủ chốt về chính sách liên quan đến kế hoạch ngân sách cho tài khóa 2016.

Trong phần tranh luận tại Quốc hội, dự kiến các đảng sẽ tập trung chất vấn các biện pháp mà Thủ tướng Abe đã cam kết liên quan đến an sinh xã hội và tài chính. Đảng Dân chủ Nhật Bản đối lập dự kiến sẽ mở màn cuộc tranh luận về các vấn đề tài chính của chính phủ.

Đầu tháng 4/2016, sau khi hai dự thảo ngân sách nói trên được thông qua, Quốc hội sẽ bắt đầu thảo luận về TPP và các dự luật liên quan. Dự kiến, thời gian cho cả Hạ viện và Thượng viện tranh luận về vấn đề này sẽ mất khoảng một tháng. Đây sẽ là đợt thảo luận căng thẳng vì theo dự đoán các đảng đối lập sẽ chất vấn chính phủ các biện pháp hỗ trợ ngành nông nghiệp ứng phó với những tác động tiêu cực từ TPP.

Theo nhận định của một nghị sỹ Đảng Dân chủ tự do (LDP) cầm quyền tại Quốc hội, với khối lượng công việc như trên trong thời gian 150 ngày, lịch trình làm việc của Quốc hội sẽ khá căng thẳng.

Ngoài ra, Quốc hội sẽ không thể kéo dài khóa họp do các sự kiện quan trọng dồn dập trong mùa Hè năm 2016 gồm bầu cử Thượng viện và Hội nghị thượng đỉnh G7 cuối tháng 5/2016, nên chính phủ và liên minh cầm quyền chủ trương giảm tối đa các dự luật sẽ được trình Quốc hội trong kỳ họp này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục