Quốc hội nhất trí sửa đổi Luật chuyển giao công nghệ 2006

Việc sửa đổi Luật chuyển giao công nghệ nhằm cải thiện trình độ công nghệ quốc gia và năng lực hấp thụ công nghệ, đáp ứng yêu cầu hội nhập.
Quốc hội nhất trí sửa đổi Luật chuyển giao công nghệ 2006 ảnh 1Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ Ba, sáng 13/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ. Qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí cần thiết phải sửa đổi toàn diện Luật chuyển giao công nghệ 2006.

Đổi mới phương thức quản lý nhà nước về hoạt động chuyển giao công nghệ

Tờ trình của Chính phủ nêu rõ gần 10 năm triển khai thực hiện, Luật chuyển giao công nghệ đã góp phần thúc đẩy hoạt động đổi mới và chuyển giao công nghệ trong nước, ứng dụng các thành tựu tiến bộ khoa học và công nghệ trong sản xuất và đời sống, từng bước giúp cải thiện năng lực công nghệ của doanh nghiệp và nền kinh tế, nâng cao tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.

Tuy nhiên, hiện nay bối cảnh phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, khu vực và thế giới đã có nhiều thay đổi nên phải rà soát nội dung của Luật để có điều chỉnh phù hợp, đáp ứng được các yêu cầu phát sinh từ thực tiễn.

Xu thế toàn cầu hóa, tự do hóa thương mại, xóa bỏ các hàng rào bảo hộ giữa các quốc gia và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với các công nghệ thế hệ mới là hai nhân tố mới sẽ tác động mạnh mẽ tới các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, mở ra cơ hội và thách thức rất lớn đối với các doanh nghiệp và cơ quan quản lý, hoạch định chính sách về chuyển giao công nghệ.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh khẳng định việc sửa đổi Luật chuyển giao công nghệ hướng tới mục đích cuối cùng là tạo môi trường thuận lợi nhất cho hoạt động chuyển giao công nghệ trong nước và từ nước ngoài vào Việt Nam để cải thiện trình độ công nghệ quốc gia và năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp; từ đó giúp doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả của sản phẩm, dịch vụ; duy trì và phát huy lợi thế cạnh tranh để trụ vững trên thị trường nội địa, vươn tới thị trường khu vực và quốc tế.

Dự thảo Luật được xây dựng trên cơ sở đổi mới tư duy và phương thức quản lý nhà nước về hoạt động chuyển giao công nghệ phù hợp với bối cảnh mới, xu thế phát triển công nghệ mới để ứng phó được với các tác động của tự do hóa thương mại và hội nhập toàn cầu; giảm thiểu thủ tục hành chính với doanh nghiệp; bảo đảm tính hiệu quả, khả thi, đồng bộ và thống nhất của hệ thống pháp luật hiện hành.

Sửa đổi toàn diện Luật chuyển giao công nghệ 2006

Qua thảo luận, các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành sự cần thiết phải sửa đổi Luật chuyển giao công nghệ để kịp thời thể chế hóa các quan điểm, đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước về phát triển khoa học và công nghệ; coi doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới, ứng dụng và chuyển giao công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh của nền kinh tế, đảm bảo việc bảo vệ môi trường; hỗ trợ phát triển thị trường khoa học và công nghệ trong nước; kiểm soát chuyển giao công nghệ từ Việt Nam ra nước ngoài, ngăn chặn nhập khẩu công nghệ lạc hậu; tiếp thu và làm chủ công nghệ tiên tiến của thế giới; đồng thời từng bước chuyển giao công nghệ ra nước ngoài phù hợp với điều kiện Việt Nam và đáp ứng yêu cầu về hội nhập quốc tế.

Nhấn mạnh việc cần thiết sửa đổi Luật hiện hành, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ đất nước đang đứng trước thách thức công nghệ ảnh hưởng đến môi trường, ảnh hưởng đến an sinh xã hội. Từ vụ việc sự cố xả thải của Fomosa (Hà Tĩnh), Phó Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi, tại sao Việt Nam đứng trước tình trạng này, liệu có phải do các quy định của luật hay do quản lý của Nhà nước chưa tốt?

Tại phiên thảo luận sáng nay ghi nhận nhiều ý kiến trong Thường vụ Quốc hội đặt câu hỏi với tình trạng công nghệ trong nước và yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thì việc chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật chuyển giao công nghệ năm 2006 có đáp ứng được yêu cầu. Các ý kiến đều đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu kỹ, sửa đổi một cách toàn diện các quy định của Luật chuyển giao công nghệ năm 2006.

Theo báo cáo của Chính phủ trình, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật chuyển giao công nghệ mới chỉ sửa đổi, bổ sung liên quan đến 16 điều trên tổng số 61 điều của Luật chuyển giao công nghệ năm 2006 (trong đó chủ yếu sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản của điều).

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu quan điểm phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự thảo Luật cần bao quát, toàn diện hơn, kế thừa những quy định còn nguyên giá trị của Luật hiện hành đồng thời khắc phục những hạn chế, bất cập qua tổng kết 10 năm thực hiện Luật hiện hành và phải phù hợp với tình hình mới, nhiệm vụ, yêu cầu của đất nước hiện nay so với 10 năm trước.

Nhấn mạnh Nghị quyết số 20-NQ/TW, Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương ngày 31/10/2012 đã nêu: “có cơ chế thúc đẩy đổi mới công nghệ theo hướng ứng dụng công nghệ mới, công nghệ hiện đại; hỗ trợ nhập khẩu công nghệ nguồn, công nghệ cao, mua thiết kế, thuê chuyên gia trong nước và nước ngoài thuộc các lĩnh vực ưu tiên, doanh nghiệp mua công nghệ từ các viện nghiên cứu, trường đại học trong nước... Chấm dứt và ngăn chặn có hiệu quả việc nhập khẩu công nghệ lạc hậu, công nghệ gây nguy hại đến sức khỏe con người, tài nguyên, môi trường, kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh,” Chủ tịch Quốc hội hoan nghênh việc Ban soạn thảo sửa đổi luật này đã đưa ra những quy định về vai trò quản lý nhà nước , kiểm soát công nghệ.

Dẫn chứng những vụ việc cụ thể mà gần đây nhất là sự cố xả thải của Formosa (Hà Tĩnh), Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh tới vai trò của công nghệ và đề nghị dự thảo Luật cần tập trung làm rõ một số nội dung như việc kiểm soát công nghệ khi nhập vào được sử dụng trong các dây chuyền sản xuất; cụ thể hóa các nội dung mà Nghị quyết 20 đã nêu, qua đó trả lời câu hỏi của Chủ tịch Quốc hội nêu là Luật sửa đổi "có khắc phục được Việt Nam đang và sẽ trở thành bãi rác công nghệ, có giải quyết được vấn đề kiểm soát công nghệ và vai trò của cơ quan quản lý nhà nước hay không."

Thẩm tra dự thảo Luật, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng có quan điểm cần nghiên cứu sửa đổi các quy định của Luật chuyển giao công nghệ năm 2006 một cách toàn diện và sâu sắc nhằm tạo hành lang pháp lý đồng bộ, đầy đủ, thuận lợi, khuyến khích đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp, quy định về chuyển giao công nghệ phù hợp với đặc thù hoạt động của các ngành, lĩnh vực kinh tế như: nông nghiệp, y tế, năng lượng, xây dựng, giao thông vận tải, công nghệ thông tin, đặc biệt là không để tái diễn tình trạng nhập khẩu công nghệ và thiết bị lạc hậu vào Việt Nam.

Không nhất thiết phải thành lập Trung tâm ứng dụng và đổi mới công nghệ

Nội dung về việc thành lập các Trung tâm ứng dụng và đổi mới công nghệ (Điều 45), được nhiều đại biểu thảo luận, cho ý kiến. Điều 45 dự thảo Luật quy định hình thành Trung tâm ứng dụng và đổi mới công nghệ tại các vùng kinh tế từ các trung tâm có chức năng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện có và sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước dành cho hoạt động khoa học và công nghệ để hỗ trợ việc hình thành này.

Nhiều ý kiến cho rằng không nhất thiết phải thành lập Trung tâm ứng dụng và đổi mới công nghệ theo quy định tại Điều 45, dự thảo Luật vì sẽ gây chồng chéo, trùng lặp hoạt động giữa các trung tâm, lãng phí nguồn lực đầu tư, phát sinh thêm biên chế, tổ chức bộ máy trong bối cảnh yêu cầu xã hội hóa công tác chuyển giao công nghệ.

Bên cạnh đó, để hoạt động chuyển giao công nghệ thực sự đi vào sản xuất cần nâng cao hiệu quả hoạt động của các Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện có, thực hiện có hiệu quả các biện pháp phát triển thị trường khoa học và công nghệ, thì cần có cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ cụ thể đối với tổ chức, cá nhân hoạt động chuyển giao công nghệ.

Để khắc phục tình trạng “cất ngăn kéo” các kết quả nghiên cứu sau khi nghiệm thu và nâng cao ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ, dự thảo Luật cần bổ sung quy định khuyến khích, hỗ trợ, bắt buộc nhằm đưa nhanh các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ, đặc biệt là các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước vào thực tiễn sản xuất, theo chuỗi giá trị, chú trọng chuyển giao công nghệ phục vụ tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, bảo quản, chế biến sau thu hoạch nhằm nâng cao giá trị của sản phẩm, hàng hóa, phát huy lợi thế so sánh của Việt Nam.

Phát biểu kết luận phiên thảo luận sáng nay, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với việc cần thiết sửa đổi toàn diện Luật chuyển giao công nghệ 2006 theo quy trình tại 2 kỳ họp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển giao cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra trên cơ sở tiếp thu nghiêm túc các ý kiến đóng góp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoàn thiện dự án Luật trình ra Quốc hội xem xét lần đầu tại Kỳ họp thứ Hai và thông qua tại Kỳ họp thứ Ba của Quốc hội khóa XIV.

Theo chương trình, chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Quy chế lập, thẩm tra, trình Quốc hội quyết định dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương và phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước (thay thế Nghị quyết số 387/2003/NQ-UBTVQH11) và dự thảo Nghị quyết về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ chi thường xuyên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục