Quốc hội Thái Lan mở phiên họp đặc biệt về xung đột trong nước

Các cuộc biểu tình ở Thái Lan đã leo thang trong ba tháng qua và cuộc biểu tình mới đây nhất diễn ra từ ngày 14/10 tại Tượng đài Dân chủ trên Đại lộ Ratchadamnoen Nok ở thủ đô Bangkok.
Quốc hội Thái Lan mở phiên họp đặc biệt về xung đột trong nước ảnh 1Một phiên họp của Quốc hội Thái Lan ở thủ đô Bangkok. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 26/10, Quốc hội Thái Lan đã mở một phiên họp đặc biệt kéo dài hai ngày nhằm thảo luận về các giải pháp cho cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay ở nước này.

Chủ tịch Hạ viện Chuan Leekpai đã kêu gọi các Hạ nghị sỹ và Thượng nghị sỹ nỗ lực phối hợp để tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng chính trị.

Phiên họp đặc biệt của Quốc hội Thái Lan được triệu tập theo Điều 165 của Hiến pháp, trong đó quy định rằng chính phủ có thể yêu cầu một phiên họp chung của Hạ viện và Thượng viện để lắng nghe ý kiến của các thành viên về các vấn đề quan trọng.

Tuần trước, Nội các Thái Lan đã đồng ý tổ chức phiên họp bất thường của Quốc hội nhằm tìm kiếm các giải pháp cho cuộc khủng hoảng ở nước này. Nhà vua Thái Lan cũng đã phê chuẩn việc mở phiên họp đặc biệt của Quốc hội. Phiên họp đặc biệt này diễn ra trước khi các nghị sỹ Quốc hội chính thức trở lại làm việc vào ngày 1/11.

Các cuộc biểu tình ở Thái Lan đã leo thang trong ba tháng qua và cuộc biểu tình mới đây nhất diễn ra từ ngày 14/10 tại Tượng đài Dân chủ trên Đại lộ Ratchadamnoen Nok ở thủ đô Bangkok.

[Thủ tướng Thái Lan dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp nghiêm trọng ở Bangkok]

Để kiểm soát các cuộc biểu tình, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đã phải tuyên bố thực thi sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp ở thủ đô Bangkok, có hiệu lực từ 4h ngày 15/10. Sau đó một tuần, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đã dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp “nghiêm trọng” tại Bangkok và các mệnh lệnh liên quan từ 12h ngày 22/10.

Trong bài phát biểu trên truyền hình tối 21/10, Thủ tướng Prayut đã kêu gọi tất cả các bên "kiềm chế" trong bối cảnh khủng hoảng chính trị leo thang. Ông Prayut cũng nêu rõ cách duy nhất để thoát khỏi xung đột mà không làm tổn hại đất nước là đối thoại, tôn trọng luật pháp và cùng nhau làm việc thông qua các tiến trình tại Nghị viện./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục