Quốc hội thảo luận dự án Luật Kinh doanh bất động sản-sửa đổi

Qua thảo luận, các ý kiến tán thành sự cần thiết ban hành Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) nhằm tiếp tục phát triển lành mạnh thị trường bất động sản.
Quốc hội thảo luận dự án Luật Kinh doanh bất động sản-sửa đổi ảnh 1 Đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh Trương Trọng Nghĩa phát biểu ý kiến. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Chiều 18/6, Quốc hội làm việc tại Hội trường, thảo luận dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).

Qua thảo luận, các ý kiến tán thành sự cần thiết ban hành Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) nhằm tiếp tục phát triển lành mạnh thị trường bất động sản; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh bất động sản, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Các ý kiến cho rằng qua sửa đổi luật, phải tạo được môi trường pháp lý thông thoáng, bình đẳng, để huy động hiệu quả các nguồn lực của xã hội tham gia vào thị trường bất động sản; tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp và người dân tham gia hoạt động kinh doanh bất động sản; qua đó tăng cường hội nhập quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản, trên cơ sở bảo đảm chủ quyền quốc gia, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội...

Nhiều ý kiến tán thành với việc mở rộng phạm vi hoạt động kinh doanh bất động sản cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, nhằm thu hút nguồn lực đầu tư nước ngoài phù hợp với tiến trình hội nhập quốc tế, góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh có tính cạnh tranh cao, đồng thời giải quyết nhiều việc làm, tạo sự tăng trưởng cho nền kinh tế, trên nguyên tắc bảo đảm ổn định chính trị, quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội và phát triển bền vững.

Tán thành với quan điểm này, đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam) nhấn mạnh bất động sản gắn liền với quyền sử dụng đất, một vấn đề phức tạp và nhạy cảm. Việc mở rộng phạm vi hoạt động kinh doanh bất động sản cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài phải đảm bảo được sự kiểm soát của Nhà nước, không xâm phạm tới chủ quyền lãnh thổ và an ninh quốc gia...

Theo đại biểu, dự thảo luận cần bóc tách hai vấn đề: Mở rộng phạm vi hoạt động kinh doanh bất động sản nhưng phải tăng cường điều kiện ràng buộc để đảm bảo sự kiểm soát của nhà nước.

Đại biểu đề xuất dự thảo cần có quy định tổ chức, cá nhân nước ngoài không được đầu tư kinh doanh bất động sản ở những nơi nhạy cảm về an ninh quốc phòng; sàng lọc kỹ tư cách pháp lý và năng lực tài chính của tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh bất động sản; siết chặt thủ tục phê duyệt dự án; tăng cường tính trách nhiệm tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia kinh doanh bất động sản...

Thảo luận về quy định cho phép các chủ đầu tư kinh doanh bất động sản được bán, cho thuê, cho thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai, Điều 14 của dự thảo Luật bổ sung quy định mở rộng việc cho phép các chủ đầu tư kinh doanh bất động sản được cho thuê, cho thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai.

Nhiều ý kiến tán thành với quy định này nhằm tạo điều kiện cho bên thuê bất động sản chủ động tham gia với chủ đầu tư trong việc hoàn thiện thiết kế, tránh tình trạng phải cải tạo, sửa chữa cho phù hợp với mục đích thuê gây tốn kém, lãng phí. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng hình thức mua bán, cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai rất dễ nảy sinh tranh chấp. Do vậy, cần có các quy định chặt chẽ trong dự thảo Luật, nhất là các quy định liên quan đến bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bên mua, thuê, thuê lại, thuê mua bất động sản.

Về dịch vụ sàn giao dịch bất động sản, qua thảo luận, nhiều ý kiến tán thành với quy định không bắt buộc giao dịch thông qua sàn giao dịch bất động sản. Trên thực tế, các chủ đầu tư hoàn toàn có thể thực hiện hình thức quảng cáo, chào hàng, bán trực tiếp cho khách hàng mà không thông qua sàn giao dịch bất động sản. Việc lựa chọn giao dịch qua sàn giao dịch bất động sản hay không do doanh nghiệp và khách hàng quyết định.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội đã cho ý kiến vào các nội dung: Bảo hành nhà, công trình xây dựng đã bán; quyền và nghĩa vụ các bên trong hợp đồng kinh doanh bất động sản; quy định cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục