Quốc hội thông qua Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi)

Với 85,25% đại biểu tán thành, chiều 9/6, các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi).
Quốc hội thông qua Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi) ảnh 1Đại biểu Quốc hội thông qua toàn văn Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi). (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 9/6, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, biểu quyết thông qua Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi) và thảo luận về dự án Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã thành lập Ban công tác Mặt trận ở thôn, ấp, bản, làng

Với 85,25% đại biểu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi).

Trước khi biểu quyết thông qua, các đại biểu Quốc hội đã nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.

Về phạm vi điều chỉnh của Luật (Điều 2) có ý kiến cho rằng, nên quy định cụ thể trong Luật về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giám sát hoạt động của tổ chức Đảng và đảng viên. Nhiều ý kiến đề nghị không quy định cụ thể việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam góp ý xây dựng Đảng, giám sát hoạt động của tổ chức Đảng và đảng viên, phản biện xã hội đối với đường lối, chính sách của Đảng.

Vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam góp ý xây dựng Đảng, giám sát hoạt động của tổ chức Đảng, đảng viên và phản biện xã hội đối với dự thảo đường lối, chính sách của Đảng là một chủ trương lớn của Đảng nhằm bảo đảm phát huy dân chủ, sự tham gia góp ý của Nhân dân, đã và đang được thực hiện bình thường, ổn định trong thời gian qua theo quy định của Đảng.

Tuy nhiên, do đây là những nội dung mới được triển khai thực hiện theo Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội nên cần có thêm thời gian để tổng kết thực tiễn, tiếp tục hoàn thiện quy trình, thủ tục, phương thức thực hiện rồi mới thể chế hóa trong Luật. Do đó, chưa nên luật hóa nội dung này trong Luật.

Về Ban công tác Mặt trận (khoản 3 Điều 6), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, qua thảo luận, hầu hết ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội đều khẳng định vai trò cũng như những đóng góp quan trọng của Ban công tác Mặt trận ở thôn, ấp, bản, làng... trong thời gian qua.

Ban công tác Mặt trận không phải là một cấp nhưng là phương thức để triển khai hoạt động gắn với Nhân dân của Mặt trận ở cấp xã, bảo đảm kịp thời, rộng rãi, hiệu quả.

Mặt khác, trong một số văn bản quy phạm pháp luật hiện hành như Luật hòa giải ở cơ sở, Pháp lệnh về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn... cũng đã có quy định về Ban công tác Mặt trận.

Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho chỉnh lý nội dung này trong Luật để tránh cách hiểu Ban công tác Mặt trận như là một cấp trong hệ thống tổ chức của Mặt trận. Dự thảo Luật quy định Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã thành lập Ban công tác Mặt trận ở thôn, ấp, bản, làng,... còn tổ chức và hoạt động của Ban công tác Mặt trận sẽ do Điều lệ quy định.

Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam gồm 8 chương 41 điều, quy định về quyền, trách nhiệm, tổ chức, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; quan hệ giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Nhà nước, Nhân dân và các tổ chức ; điều kiện bảo đảm hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Quy định cụ thể hơn về hậu quả pháp lý của hoạt động giám sát

Thời gian còn lại của phiên làm việc chiều nay, các đại biểu Quốc hội thảo luận về dự án Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân.

Qua thảo luận, nhiều ý kiến tán thành với sự cần thiết ban hành Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Dự án Luật được xây dựng trên cơ sở thể chế hóa các nghị quyết của Đảng, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013; tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý để thực hiện tốt hơn chức năng giám sát của các cơ quan quyền lực nhà nước; khắc phục những hạn chế, bất cập trong các quy định của pháp luật hiện hành về giám sát và thực tiễn hoạt động giám sát trong thời gian qua, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng Nhân dân trong thời gian tới, bảo đảm Hiến pháp và pháp luật được thi hành nghiêm chỉnh và thống nhất.

Qua thảo luận, một số ý kiến tán thành sửa đổi, bổ sung để quy định cụ thể hơn trong dự thảo Luật về hậu quả pháp lý của hoạt động giám sát.

Đại biểu Hoàng Thị Hoa (Bắc Giang) đánh giá, Điều 8 và 11 trong dự thảo luật về nội dung này chưa thể hiện được các mặt đã làm được, chưa làm được, những hạn chế của đối tượng chịu sự giám sát, các biện pháp kiến nghị cụ thể đồng thời chủ thể giám sát phải chịu trách nhiệm về nghị quyết, kết luận kiến nghị của mình.

Đại biểu Hoàng Thị Hoa đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần quy định cụ thể hậu quả pháp lý của hoạt động giám sát.

Nội dung này cũng nhận được sự ủng hộ của cơ quan thẩm tra là Uỷ ban Pháp luật. Theo đó, đối với mọi hoạt động giám sát, sau khi kết thúc giám sát, chủ thể giám sát phải có ý kiến chính thức bằng văn bản (như nghị quyết, kết luận, báo cáo...), trong đó phải nêu rõ những mặt đã làm được, mặt chưa làm được, hạn chế của đối tượng chịu sự giám sát, các biện pháp, kiến nghị xử lý cụ thể đồng thời, chủ thể giám sát phải chịu trách nhiệm về nghị quyết, kết luận, kiến nghị của mình.

Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng, giám sát không phải chỉ cần đúng vấn đề, đúng yêu cầu của cử tri, thực tiễn mà quan trọng hơn là bảo đảm tính hiệu lực của kết quả của hoạt động giám sát.

Các quyết định, nghị quyết, kiến nghị yêu cầu giám sát phải được thực thi nghiêm chỉnh trong thực tế.

Đại biểu đánh giá dự thảo luật đã có những quy định về hiệu quả giám sát, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, cá nhân chịu sự giám sát, các điều kiện đảm bảo thực hiện kết luận, kiến nghị, nghị quyết giám sát; đề nghị bổ sung thêm khoản nêu hiệu lực giám sát vào Điều 11 dự thảo đồng thời cần quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu giám sát trong việc thực hiện các kết luận, kiến nghị, yêu cầu của các chủ thể giám sát.

Theo đại biểu Tô Văn Tám, tại khoản 4, Điều 8 mới chỉ quy định hậu quả của việc không thực hiện yêu cầu kiến nghị, yêu cầu, kết luận của chủ thể giám sát các tổ chức, đơn vị, cá nhân chịu sự giám sát mà chưa có quy định trách nhiệm của các cơ quan này đối với các kết luận, kiến nghị yêu cầu đó.

Một số ý kiến đánh giá dự thảo luật bổ sung nhiều quy định mang tính nguyên tắc, cụ thể hóa thẩm quyền của Quốc hội như xem xét đối với kiến nghị giám sát, nguyên tắc minh bạch, khách quan… Tuy nhiên, một số ý kiến quan tâm về chất lượng cuộc giám sát, theo đó có nên nêu đích danh đối tượng chịu trách nhiệm, kết quả có thực hiện nghiêm hay không.

Đại biểu Lê Văn Tân (Hà Nam) đánh giá các vấn đề Quốc hội, Hội đồng Nhân dân giám sát là những vấn đề lớn, bức xúc trong xã hội nhưng có những nội dung, hiệu lực, hiệu quả chưa được như mong muốn.

Đại biểu đánh giá có những vấn đề sau giám sát thực hiện tương đối tốt như việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, tai nạn giao thông nhưng cũng có những vấn đề không có chuyển biến như về ô nhiễm môi trường làng nghề, vệ sinh an toàn thực phẩm… nhưng không ai phải chịu trách nhiệm.

Đại biểu cho rằng nguyên nhân là do lĩnh vực giám sát có sự tham gia của nhiều cấp nhiều ngành, kiến nghị giám sát chưa chỉ rõ người chịu trách nhiệm cuối cùng; chưa có quy định trách nhiệm người đứng đầu nếu không thực hiện kết quả giám sát thì sẽ xử lý như thế nào.

Phân tích nội dung này, đại biểu Lê Văn Tân đề nghị “cần quy định rõ hơn trách nhiệm chính trị của người đứng đầu các cấp, ngành, lĩnh vực trong việc thực hiện nghị quyết giám sát của Quốc hội, Hội đồng Nhân dân.”

Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội đã góp ý cụ thể về các nội dung: chất vấn và xem xét việc trả lời chất vấn; giám sát chuyên đề của Quốc hội; giám sát của Hội đồng Nhân dân, Thường trực Hội đồng Nhân dân ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục