Quốc tế chia sẻ cách bảo quản tài liệu cho Việt Nam

Các cán bộ thư viện, lưu trữ, nhà nghiên cứu Việt Nam đã có cơ hội tiếp cận cách bảo quản tư liệu hiện đại tại khóa tập huấn diễn ra từ 24-25/3 ở Hà Nội.
Quốc tế chia sẻ cách bảo quản tài liệu cho Việt Nam ảnh 1Mộc bản Triều Nguyễn được lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV (Đà Lạt). (Ảnh: Đặng Tuấn/TTXVN)

Ngày 24/3, tại Hà Nội, Thư viện Quốc gia Việt Nam và Hiệp hội Thư viện chuyên ngành khu vực châu Á (SLA) khai giảng khóa tập huấn và chia sẻ kinh nghiệm về “Bảo quản tài liệu truyền thống, tài liệu số và quản lý rủi ro.”

Học viên của khóa tập huấn là hơn 200 cán bộ thuộc thư viện tỉnh, thành phố, thư viện chuyên ngành, Trung tâm thông tin, Cục lưu trữ nhà nước, các giảng viên và các nhà nghiên cứu Việt Nam, Ấn Độ, Philippines, Srilanka và Singapore.

Khóa tập huấn nằm trong khuôn khổ Sáng kiến nâng cao năng lực bảo quản tài liệu cho các thư viện Đông Nam Á của Hiệp hội Thư viện chuyên ngành-khu vực châu Á và Thư viện Quốc gia ba nước Việt Nam, Lào và Philippines.

Sáng kiến này được đề xuất tại Đại hội thư viện và thông tin thế giới lần thứ 79 diễn ra tại Singapore năm 2013. Khóa tập huấn tại Thư viện Quốc gia Việt Nam diễn ra trong hai ngày 24-25/3.

Trong khóa tập huấn này, tiến sỹ Reinhard Feldmann, Giám đốc phụ trách các bộ sưu tập cổ tại Thư viện Đại học Munster và thư viện bang North Rhine Westphalia, thành phố Munster (Đức) giới thiệu chuyên đề “Bảo quản, bảo tồn, phục chế, phục hồi dữ liệu, giám sát dữ liệu, số hóa, lưu trữ lâu dài tài liệu số."

Các chuyên gia và cán bộ bảo quản tài liệu của Thư viện Quốc gia Việt Nam hướng dẫn thực hành các kỹ năng bảo quản tài liệu truyền thống. Bên cạnh đó, một số chuyên gia trong nước, quốc tế cũng chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn về công tác bảo quản tài liệu truyền thống, tài liệu số.

Phát biểu khai giảng khóa tập huấn, bà Phan Thị Kim Dung, Giám đốc Thư viện Quốc gia Việt Nam cho biết truyền thống văn hóa, tri thức của các dân tộc trên thế giới đã, đang được lưu truyền trong các thư viện, cơ quan lưu trữ và bảo tàng. Mỗi người có cách tiếp cận các tư liệu, hiện vật đó theo nhu cầu khác nhau của mình trong hiện tại và cho tương lai. Vì vậy, việc thu thập, phổ biến và có chính sách bảo quản, bảo tồn nghiêm ngặt tài liệu, hiện vật, cũng như tạo được môi trường, không gian phù hợp để mọi người đến tìm hiểu, tra cứu là việc làm quan trọng.

Tiếp sau Việt Nam, khóa tập huấn về bảo quản tài liệu truyền thống, tài liệu số và quản lý rủi ro sẽ được tổ chức tại Thư viện Quốc gia Lào từ ngày 27-28/3 và tại Đại học Aquinas University of Legazpi, Philippines vào ngày 10-12/4./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục