Quỹ bình ổn của Petrolimex giảm 300 tỷ đồng do bù đắp chi phí

Theo báo cáo của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), tính đến trước 15 giờ 00 phút, ngày 26/3, Quỹ bình ổn giá (BOG) của tập đoàn này còn dư 2.000 tỷ đồng, giảm 300 tỷ đồng so với ngày 11/3.
Quỹ bình ổn của Petrolimex giảm 300 tỷ đồng do bù đắp chi phí ảnh 1Nhân viên Petrolimex đang đổ xăng cho khách hàng (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Theo báo cáo của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), tính đến trước 15 giờ 00 phút, ngày 26/3, Quỹ bình ổn giá (BOG) của tập đoàn này còn dư 2.000 tỷ đồng.

Như vậy, so với thời điểm ngày điều chỉnh giá xăng dầu gần đây nhất (11/3) ở mức 2.300 tỷ đồng, quỹ bình ổn xăng dầu của tập đoàn này đã giảm 300 tỷ đồng.

Trước đó, vào chiều nay 26/3, liên bộ Công Thương-Tài chính đã có công văn yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối giữ nguyên giá bán lẻ các mặt hàng xăng và dầu diesel trong nước, trong khi giảm giá dầu hỏa 250 đồng/lít và dầu madút 108 đồng/kg.

Cùng với quyết định trên, liên bộ cũng yêu cầu doanh nghiệp trong lĩnh vực này điều chỉnh mức chi sử dụng Quỹ bình ổn giá đối với mặt hàng xăng dầu.

Cụ thể, giảm mức chi sử dụng quỹ bình ổn đối với xăng từ 1.852 đồng/lít xuống còn 1.020 đồng/lít (giảm 832 đồng/lít so với ngày 11/3); Giảm 883 đồng/lít đối với dầu diesel, từ mức 888 đồng/lít xuống còn 5 đồng/lít. Trong khi đó, hai mặt hàng là dầu hỏa và dầu madút sẽ ngừng chi sử dụng quỹ bình ổn.

Như vậy, sau quyết định trên, theo công bố của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), từ 15 giờ 00 phút, giá xăng Ron 95 là 17.880 đồng/lít; Xăng Ron 92 là 17.280 đồng/lít. Tiếp đến là xăng sinh học E5 Ron 92 giá bán ra là 16.950 đồng/lít.

Trong khi đó, giá dầu diesel 0,05S của tập đoàn này là 15.880 đồng/lít và dầu hỏa là 16.070 đồng/lít, dầu mazut 3,5s có giá 12.650 đồng/kg

Nêu quan điểm của Chính phủ về điều hành mặt hàng này, tại cuộc họp báo Chính phủ ngày 2/3, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên đã nhấn mạnh, thời gian tới, việc điều hành giá xăng dầu sẽ kiên định theo đúng các nguyên tắc, quy định của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP.

Ngoài ra, để ổn định kinh tế vĩ mô, các biện pháp về thuế, quỹ bình ổn giá sẽ được sử dụng để bình ổn giá xăng dầu; trong một số trường hợp có thể điều chỉnh lợi nhuận định mức trong cơ cấu giá cơ sở nhằm kiểm soát lạm phát; bảo đảm hài hòa lợi ích người tiêu dùng, doanh nghiệp và nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Từ đầu năm 2015, xăng dầu đã giảm 2 lần liên tiếp (ngày 6/1 giảm 310 đồng/lít, tiếp đến ngày 21/1 mặt hàng này giảm tới 1.900 đồng/lít.) (riêng xăng sinh học E5 năm 2015 giảm 3 lần, trong đó ngày 5/2 giảm thêm 320 đồng/lít so với xăng Ron 92).

Tuy nhiên, ngày 11/3, mặt hàng này bất ngờ đảo chiều tăng mạnh, giá xăng đã được liên bộ cho phép tăng cao nhất là 1.616 đồng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục