Quy định cụ thể các chính sách thúc đẩy phát triển du lịch

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, chiều 29/5, các đại biểu thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Du lịch (sửa đổi), trong đó có quy định về đô thị du lịch.
Quy định cụ thể các chính sách thúc đẩy phát triển du lịch ảnh 1Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Du lịch (sửa đổi). (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, chiều 29/5, các đại biểu làm việc tại Hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Du lịch (sửa đổi).


Chưa thống nhất quy định về đô thị du lịch

Liên quan đến nội dung về đô thị du lịch, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Đại biểu Trần Thị Hằng (Bắc Ninh), Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) đề nghị giữ nguyên quy định như Luật hiện hành về đô thị du lịch vì trên thực tiễn đã hình thành đô thị du lịch.

Đại biểu Trần Thị Hằng phân tích Đảng, Nhà nước đã xác định phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, thì rất cần những đô thị du lịch ở Việt Nam, thậm chí có thể khuyến khích hình thành chuỗi đô thị du lịch. Sự xuất hiện đô thị du lịch không những đáp ứng yêu cầu thực tế mà còn là sản phẩm mô hình đặc trưng của du lịch Việt Nam.

Thực tế, đã có những đô thị du lịch, những thành phố du lịch như Huế, Đà Lạt, Nha Trang, Hội An, Hạ Long... Những đô thị du lịch ấy đã tạo nên thương hiệu, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Nếu Luật không quy định về đô thị du lịch thì những đô thị du lịch như trên vẫn phát triển một cách khách quan, hiện hữu. Tuy nhiên, cơ quan quản lý sẽ bị động, dẫn đến lúng túng trong việc quy hoạch hoặc đề xuất những chế định, quy chế đặc thù để quản lý, phát triển đô thị dạng này.

Mặt khác, tại Quyết định số 201/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã đưa ra mục tiêu cụ thể về tổ chức lãnh thổ, trong đó đưa ra 12 đô thị du lịch, tuy nhiên, do không có các cơ chế chính sách về quy hoạch đầu tư phát triển theo đúng nghĩa nên chưa mang lại hiệu quả thiết thực. Quy định về đô thị du lịch là đáp ứng yêu cầu thực tiễn để chủ động trong quản lý và phát triển, đại biểu chỉ rõ.

Đồng tình với việc quy định về đô thị du lịch, nhưng đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ cho rằng Quy định về nội dung này trong dự án Luật còn sơ sài. Nếu đưa nội dung này vào Luật Du lịch, cần làm rõ các nội dung liên quan đến trách nhiệm quản lý của chính quyền, cơ quan chức năng và chính sách riêng cho đô thị du lịch, đặc biệt là chính sách về kết cấu hạ tầng dịch vụ, nếu không sẽ không khác đô thị thường.

Trái với quan điểm trên, các đại biểu Phạm Đình Cúc (Bà Rịa-Vũng Tàu), Nguyễn Văn Sơn (Đà Nẵng), Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang)... đề nghị không nên quy định nội dung này trong dự án Luật bởi Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị không quy định về loại hình này.

Việc quy định đô thị du lịch như một danh hiệu mà không kèm theo cơ chế quản lý, chính sách hỗ trợ thì không nên quy định trong văn bản Luật. Hơn nữa, dự án Luật do Chính phủ trình tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV cũng không quy định về đô thị du lịch.

Đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Đà Nẵng) đặt vấn đề nếu chỉ cần một danh hiệu để làm phong phú thêm thương hiệu của du lịch địa phương hay một tổ chức nào đó thì không cần thiết quy định trong Luật mà cần giao cho Hiệp hội du lịch và các tổ chức du lịch trong khuôn khổ của Hiệp hội tôn vinh lẫn nhau để tạo điều kiện cùng phát triển. Nếu nhất thiết phải quy định về đô thị du lịch thì câu hỏi đặt ra là quy định về đô thị du lịch nhằm mục đích gì?

Với luận giải du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, cần tập trung phát triển trong giai đoạn sắp tới thì việc xác định một đô thị du lịch phải là một thực thể đóng vai trò là trung tâm kết nối, đóng vai trò đầu tàu thúc đẩy kinh tế khu vực phát triển và cần quy định rõ định hướng phát triển, quy hoạch, nguồn lực phân bổ theo định hướng phát triển. Vì vậy, đại biểu cho rằng không cần thiết phải có quy định này trong dự thảo Luật.

Băn khoăn về việc xếp hạng các cơ sở lưu trú

Liên quan đến quy định về việc đăng ký xếp hạng cơ sở lưu trú, các đại biểu Phạm Đình Cúc, Nguyễn Văn Sơn đề nghị cần thực hiện theo nguyên tắc bắt buộc, để bảo đảm tính minh bạch, áp dụng tiêu chuẩn chung cho các doanh nghiệp phát triển lành mạnh, tránh tình trạng doanh nghiệp tự mạo nhận, quảng cáo sai thứ hạng, ảnh hưởng đến quyền lợi khách du lịch, nhất là trong thời đại kinh doanh qua mạng phát triển như hiện nay. Khách hàng đặt chỗ trước trên mạng, dựa vào niềm tin đối với quảng cáo trên mạng mà không biết thực chất cơ sở xếp hạng lưu trú như thế nào. Phương án này cũng tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý trong hoạt động du lịch.

Không đồng tình, đại biểu Vũ Thị Nguyệt (Hưng Yên) đồng ý với việc xếp hạng cơ sở lưu trú theo nguyên tắc tự nguyện từ 1 đến 5 sao và có thẩm định lại sau 5 năm. Đại biểu cho rằng điều này sẽ có tác dụng để đánh giá tốt hơn, giúp các khu du lịch cố gắng đạt chuẩn để thu hút du khách. Đồng thời, giúp du khách có thêm thông tin tham khảo khi lựa chọn các điểm lưu trú.

Tuy nhiên, để tránh tình trạng tiêu cực như là "chạy" để đạt thứ hạng sao để tăng tiền dịch vụ, gây thiệt hại cho khách du lịch và ảnh hưởng tới thương hiệu du lịch quốc gia, đại biểu đề nghị dự án Luật cần hướng đến mục tiêu tạo hệ thống pháp luật về lưu trú du lịch đầy đủ, trình tự thủ tục, hồ sơ đơn giản, minh bạch, bảo đảm cho việc xếp hạng các cơ sở lưu trú, gia tăng giá trị dịch vụ du lịch, không gây phiền phức, mất công bằng cũng như phát sinh tiêu cực. Đây cũng là ý kiến của các đại biểu Triệu Tuấn Hải (Lạng Sơn), Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ), Hoàng Thị Hoa (Bắc Giang)...

Bên cạnh đó, đại biểu Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) đề nghị ban soạn thảo bổ sung quy định xếp hạng đối với các điểm du lịch, bởi điểm du lịch là điều kiện quan trọng để phát triển du lịch. Lấy kinh nghiệm của một số nước như Singapore, Trung Quốc về việc xây dựng các điểm du lịch đạt chuẩn là cơ sở quảng bá du lịch, đại biểu nêu rõ: Nếu xếp hạng điểm du lịch theo tiêu chí cụ thể sẽ đạt hiệu quả tốt hơn, vì vậy dự án Luật cần bổ sung một điều về xếp hạng điểm du lịch và có thể do Chính phủ quy định về điều kiện.


Doanh nghiệp du lịch cần có trách nhiệm đóng Quỹ

Để triển khai hoạt động du lịch chủ động, chuyên nghiệp, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển du lịch, phù hợp với mục tiêu Đảng, Nhà nước đặt ra đối với ngành du lịch, đa số các đại biểu đồng tình với việc hình thành Quỹ phát triển du lịch. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị xem xét lại các nguồn thu của Quỹ để đảm bảo phù hợp với Luật Ngân sách nhà nước, Luật Phí và Lệ phí; đồng thời, cần xác định rõ nguồn thu, nhiệm vụ chi của Quỹ để không trùng với nguồn thu, nhiệm vụ chi của ngân sách Nhà nước. Đại biểu Trần Thị Hằng đề xuất nên bổ sung quy định doanh nghiệp kinh doanh du lịch phải có trách nhiệm đóng góp Quỹ bởi hoạt động xúc tiến du lịch sẽ thu hút và đưa khách đến doanh nghiệp.

Tại phiên họp, các đại biểu cũng cho ý kiến về nguyên tắc phát triển du lịch; về sự tham gia của cộng đồng dân cư trong phát triển du lịch; về tài nguyên du lịch, phát triển sản phẩm du lịch và quy hoạch về du lịch.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục