Quy hoạch, điều tra nước ngầm thực hiện mô hình 3D

Quy hoạch và điều tra nước ngầm giai đoạn 2 ở các tỉnh thành Hà Nội, Hà Nam, Quảng Ngãi và Sóc Trăng sẽ thực hiện theo mô hình hóa 3D.
Ngày 5/3, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp với Viện Khoa học Địa chất và Tài nguyên thiên nhiên Cộng hòa Liên bang Đức (BGR) tổ chức Lễ ký kết thỏa thuận thực hiện Dự án ODA hỗ trợ kỹ thuật “Tăng cường năng lực quy hoạch và điều tra nước ngầm tại các khu đô thị giai đoạn 2.” Đây là dự án do Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức viện trợ.

Theo ông Jens Boehme, Cố vấn trưởng Dự án, mục tiêu của dự án là nhằm nâng cao năng lực quản lý quy hoạch và điều tra tổng hợp tài nguyên nước ngầm cho Trung tâm quy hoạch và điều tra tài nguyên nước và Sở Tài nguyên môi trường các tỉnh, thành phố là Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Quảng Ngãi và Sóc Trăng.

Giai đoạn 1, dự án đã tập trung cho tỉnh Nam Định xây dựng mô hình hóa 3D cũng như đầu tư hệ thống quan trắc tài nguyên nước cho tỉnh. Giai đoạn 2, Dự án sẽ tập trung đầu tư cho các tỉnh còn lại.

Chuyên gia Dự án sẽ cùng cán bộ Trung tâm quy hoạch và điều tra tài nguyên nước thống nhất công nghệ để tiến hành việc nâng cao năng lực quản lý tài nguyên nước có hiệu quả nhất. Theo đó, Trung tâm sẽ tiến hành tư vấn việc bảo vệ nước dưới đất và Bộ sẽ đưa ra giải pháp quản lý tổng hợp tài nguyên nước. Mục tiêu quan trọng nhất mà các chuyên gia Đức hướng tới là nhằm cải thiện tài nguyên nước dưới đất ở Việt Nam.

Ông Nguyễn Thái Lai, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh tính hợp lý của việc lựa chọn 5 đô thị làm thí điểm và đề nghị các chuyên gia dự án sớm xác định nhiệm vụ cụ thể đối với 3 thành phố Hà Nội, Hà Nam, Nam Định. Bên cạnh đó, việc nâng cao năng lực cho Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước là hết sức quan trọng.

Vì thế, trong quá trình triển khai Dự án, cán bộ của Trung tâm phải là người trực tiếp thực hiện, tránh tình trạng thuê người như ở một số dự án khác; luôn chủ động trong mọi tình huống bởi Cố vấn trưởng, các chuyên gia là những người hướng dẫn, tư vấn chứ không thể làm thay việc.

Qua triển khai thí điểm tại tỉnh Nam Định, các chuyên gia nhận thấy, ở khu vực này có tình trạng sụt giảm mực nước ngầm trên quy mô lớn, nhiễm mặn và ô nhiễm nước dưới đất do nước thải công nghiệp. Để khắc phục tình trạng này, dự án đã thiết lập 10 trạm quan trắc ở 23 giếng khai thác. Kết quả là đã cung cấp nền tảng kỹ thuật, bản đồ làm cơ sở cho nhà quy hoạch, chính sách đưa ra quyết định hợp lý./.

Lý Thanh Hương (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục