Quy hoạch tổng thể bảo tồn, phát huy giá trị di tích Thành Nhà Hồ

Thanh Hóa đã công bố quy hoạch tổng thể bảo tồn, phát huy giá trị di tích Thành Nhà Hồ và vùng phụ cận gắn với phát triển du lịch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 12/8/2015.
Quy hoạch tổng thể bảo tồn, phát huy giá trị di tích Thành Nhà Hồ ảnh 1Khu di tích Thành nhà Hồ. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Ngày 9/11, tại huyện Vĩnh Lộc, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã công bố quy hoạch tổng thể bảo tồn, phát huy giá trị di tích Thành Nhà Hồ và vùng phụ cận gắn với phát triển du lịch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 12/8/2015.

Theo đó, phạm vi lập quy hoạch xác định theo ranh giới di tích được UNESCO công nhận, bao gồm khu vực di tích Thành Nhà Hồ và vùng phụ cận thuộc ranh giới hành chính các xã Vĩnh Long, Vĩnh Tiến, Vĩnh Quang, Vĩnh Yên, Vĩnh Thành, Vĩnh Phúc, Vĩnh Khang, Vĩnh Ninh và thị trấn Vĩnh Lộc (thuộc huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa).

Quy hoạch tổng thể có quy mô 5.078,5ha, gồm vùng lõi và vùng đệm; trong đó vùng lõi rộng 155,5ha, gồm 3 hợp phần của khu Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ là Thành Nội, La Thành và Đàn tế Nam Giao. Vùng đệm rộng 4.923 ha, gồm di tích quốc gia, cấp tỉnh và các công trình tôn giáo tín ngưỡng (gồm cả khu bảo vệ I và II) rộng 54,87ha.

Ngoài ra, còn 4.868,13ha là khu vực cảnh quan đồi, núi, sông hồ có mối quan hệ với di sản thế giới Thành Nhà Hồ, khu vực phát huy giá trị di tích phục vụ du lịch, thị trấn Vĩnh Lộc, làng xã và đồng ruộng.

Theo Quy hoạch, sẽ hình thành hai trục di sản quan trọng: Trục dọc nối Thành Nhà Hồ từ cửa Nam đến núi Đún và di tích đàn tế Nam Giao; trục ngang nối sông Mã với khu quảng trường (khu vực đón tiếp, tổ chức các hoạt động văn hóa và lễ hội, trưng bày và quản lý di sản) và kết nối với La Thành phía Tây. Cùng với đó là quy hoạch cụ thể về không gian vùng lõi và vùng đệm của khu di tích.

Cũng theo Quy hoạch, tới đây Di sản Thế giới Thành Nhà Hồ sẽ tập trung phát triển loại hình du lịch tham quan di tích lịch sử-văn hóa; trải nghiệm các hoạt động văn hóa tâm linh, trò chơi dân gian; dã ngoại-thể thao leo núi; du lịch sinh thái; du lịch nghỉ dưỡng...

Bên cạnh đó, hình thành 3 tuyến du lịch kết nối gồm: Thành Nhà Hồ với các kinh đô cổ gồm khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh, cố đô Huế, cố đô Hoa Lư, Khu trung tâm Hoàng Thành-Thăng Long; tuyến du lịch kết nối Thành Nhà Hồ với các di sản thế giới như Cố đô Huế, Hội An, Mỹ Sơn, Phong Nha-Kẻ Bàng, Tràng An, Khu trung tâm Hoàng Thành Thăng Long, Vịnh Hạ Long; tuyến du lịch kết nối Thành Nhà Hồ với các điểm, cụm điểm tham quan du lịch trong tỉnh.

Ngoài ra, còn hình thành các tuyến du lịch chuyên đề như du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng (thăm các ngôi làng truyền thống gắn với Thành Nhà Hồ như Xuân Giai, Tây Giai, Đông Môn), du lịch dã ngoại kết hợp leo núi, du lịch đường sông dọc theo sông Mã...

Thời gian thực hiện quy hoạch từ năm 2015-2030. Trong đó, giai đoạn 2015-2020 sẽ thực hiện 3 nhóm dự án gồm: Triển khai đền bù, giải phóng mặt bằng, cắm mốc giới bảo vệ di tích; khai quật khảo cổ bổ sung và tiếp tục nghiên cứu các giá trị của di tích Thành Nhà Hồ, các khu vực có liên quan; tu bổ, bảo tồn, tôn tạo di tích vùng lõi, trưng bày khảo cổ trong thành và phục hồi Đông Thái Miếu, Tây Thái Miếu.

Thành Nhà Hồ là Di sản Văn hóa Thế giới, là niềm tự hào của nhân dân Việt Nam nói chung, nhân dân Thanh Hóa nói riêng. Trải qua gần 600 năm, đến nay di sản Thành Nhà Hồ đang chịu áp lực và ảnh hưởng tiêu cực đến di tích từ nhiều phía như thời tiết, khí hậu, sự thay đổi về cảnh quan môi trường, sự phát triển của đô thị hóa, hoạt động sinh hoạt và sản xuất của con người. Khu vực di tích đang bị xuống cấp một cách nghiêm trọng, sự đan xen, chen lẫn giữa di tích và khu dân cư, đường giao thông...

Bên cạnh đó, lâu nay việc chưa có quy hoạch cho khu vực này khiến cho công tác quản lý, bảo tồn và các công việc xây dựng khác gặp nhiều khó khăn.

Vì vậy, việc công bố quy hoạch tổng thể bảo tồn, phát huy giá trị di tích Thành Nhà Hồ và vùng phụ cận gắn với phát triển du lịch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt không chỉ là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc quản lý, đầu tư, xây dựng, bảo tồn, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích theo cam kết với UNESCO, mà còn có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược quảng bá hình ảnh và phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa nói chung, Di sản Thành Nhà Hồ nói riêng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục