Quỹ hưu trí VN: Sẽ hết thời “Đóng ít, hưởng nhiều”

Theo các chuyên gia của ILO, công chức hiện nay hưởng lương hưu nhiều hơn mức đóng BHXH thực tế của họ và cần giảm tỷ lệ này.

Chỉ 8 năm nữa, quỹ hưu trí Việt Nam sẽ bắt đầu thâm hụt và trong vòng 21 năm tới, những người lao động đang ở độ tuổi 35-40 hiện nay sẽ không được nhận lương hưu vì quỹ hưu trí cạn kiệt.

Đây là một trong những khuyến cáo của dự án “Đánh giá và dự báo tài chính quỹ hưu trí của Việt Nam” do Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) thực hiện theo đề nghị của Chính phủ Việt Nam.

Thông qua điều tra, dự án đã chỉ ra tốc độ già hóa dân số nhanh cùng với sự lỗi thời của những chính sách bảo hiểm xã hội sẽ làm suy yếu quỹ hưu trí một cách nghiêm trọng. Việt Nam cần phải có ngay những cải cách cơ cấu bảo hiểm xã hội mạnh mẽ, nếu trì hoãn cải cách có thể dẫn đến những khủng hoảng xã hội trong tương lai.;

Chính vì vậy, Chính phủ đang xem xét đệ trình Quốc hội Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi với những thay đổi lớn về đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, cách tính lương hưu… vào năm 2014.

Nguy cơ cận kề

Trong báo cáo của ILO, ở Việt Nam, chỉ có khoảng 20% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội cho thấy tiềm năng mở rộng đối tượng trong thời gian tới tại Việt Nam. Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam đang bước vào thời kỳ dân số vàng với số người trong độ tuổi lao động chiếm tới 58,5% cơ cấu dân số.

Tuy nhiên, khi thời kỳ dân số vàng qua đi, quá trình già hóa dân số diễn ra rất nhanh, nếu không có một chính sách cải cách kịp thời để khôi phục quỹ hưu trí thì một tỷ trọng lớn dân số sẽ không còn được hưởng trợ cấp xã hội trong tương lai và tạo áp lực lớn lên Chính phủ.

Năm 2012, Việt Nam bắt đầu bước vào giai đoạn già hóa dân số khi nhóm người trên 60 tuổi chiếm hơn 10% tổng dân số, giai đoạn này sớm hơn 5 năm so với dự kiến. Với số lượng thanh niên trong độ tuổi lao động giảm đi và chế độ lương hưu “hào phóng," quỹ lương hưu sẽ cạn kiệt nếu quá trình cải cách không đưa ra được những biện pháp cấp thiết.

Quỹ hưu trí VN: Sẽ hết thời “Đóng ít, hưởng nhiều” ảnh 1Tốc độ già hóa dân số đang tạo áp lực lên quỹ hưu trí. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Ông Carlos Galian, Chuyên gia về an sinh xã hội của ILO tại Việt Nam cho rằng, trong tình hình kinh tế đi xuống như hiện nay, việc Việt Nam tập trung vào mở rộng độ bao phủ của bảo hiểm xã hội sẽ không giải quyết được vấn đề bền vững của quỹ hưu trí. Càng có nhiều người lao động tham gia bảo hiểm xã hội thì nguồn thu của quỹ có tăng trong ngắn hạn nhưng lại phải chi trả lương hưu cho nhiều người hơn sau này.

Chiến lược cải cách phải được thực hiện đồng bộ, khắc phục được những hạn chế của chính sách bảo hiểm xã hội hiện hành và đáp ứng được những thách thức trong tương lai.

Ông Gyorgy Sziraczki, Giám đốc ILO Việt Nam cảnh báo: “Cải cách bảo hiểm xã hội giống như việc chèo lái một con thuyền lớn và thuyền trưởng không thể chờ đến phút cuối mới hành động. Con thuyền đó phải được xoay chuyển trước khi tiến đến quá sát chướng ngại vật. Nhưng thật đáng quan ngại là báo cáo của ILO cho thấy, chướng ngại vật đó lại đang ở rất gần.”

Lao động bắt đầu rút khỏi BHXH

Vấn đề của chính sách bảo hiểm xã hội mà các chuyên gia nhấn mạnh chính là tình trạng “đóng ít, hưởng nhiều” của chế độ hưu trí hiện nay. Theo cách tính của ILO, tỷ lệ hưởng lương hưu của công chức, viên chức là hơn 100%, có nghĩa là họ hưởng nhiều hơn mức đóng bảo hiểm xã hội thực tế của họ.;

Theo khảo sát gần đây nhất của ILO, tuổi nghỉ hưu thực tế tại Việt Nam là 54 tuổi và không có xu hướng tăng trong những năm gần đây. Trong khi đó, tuổi thọ và kỳ vọng sống trong những năm gần đây lại có xu hướng tăng tới 75 tuổi và sẽ lên tới 78 tuổi trong một vài năm tới. Như vậy, người lao động đóng bảo hiểm xã hội từ 25-30 năm trong tương lại sẽ hưởng lương hưu khoảng 20 năm hoặc nhiều hơn. Tỷ lệ giữa thời gian làm việc và thời gian hưởng lương hưu này là không bền vững. 

Mặt khác, tỷ lệ hưởng lương hưu hiện nay của Việt Nam là 75% cũng là mức quá cao mà các chuyên gia khuyến nghị cần phải thay đổi. Theo các chuyên gia, Việt Nam nên bỏ mức hưởng trần 75% và áp dụng cách tính mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội được hưởng là 1,5% hoặc nhiều nhất là 2%.

“Thông thường, hệ thống hưu trí chỉ cho phép một tỷ lệ hưởng trong khoảng từ 40-60%. Trên thực tế, tỷ lệ hưởng lương hưu của Việt Nam là tỷ lệ cao nhất các chuyên gia của ILO từng biết đến,” ông Carlos Galian, Chuyên gia về an sinh xã hội của ILO tại Việt Nam cho biết.

Quỹ hưu trí VN: Sẽ hết thời “Đóng ít, hưởng nhiều” ảnh 2Lao động ở khu vực tư nhân bắt đầu rút khỏi bảo hiểm xã hội. (Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN)
Đối với kỳ vọng mở rộng độ bao phủ của bảo hiểm xã hội mà Việt Nam đang tập trung thực hiện, các chuyên gia cho rằng chính sự bất bình đẳng trong hệ thống hưu trí sẽ là trở ngại lớn cho quá trình này.  Thực tế, nhóm lao động quân nhân, công chức, viên chức, và nhóm lao đông tư nhân có tỷ lệ hưởng so với mức đóng góp thực tế là khác nhau. Đây có thể là lý do tại sao việc mở rộng tỷ lệ bao phủ đang chậm lại trong khối tư nhân. Thậm chí, nhóm đối tượng bị thiệt thòi quyền lợi sẽ có động cơ trốn và không tham gia hệ thống bảo hiểm xã hội. Thứ trưởng Phạm Minh Huân Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng thừa nhận, phát triển đối tượng là nhiệm vụ lớn nhất trong giai đoạn sắp tới, tuy nhiên, trong vài năm gần đây, tốc độ phát triển này lại đang rất chậm, hết năm 2012 chỉ có 10,4 triệu người (trong gần 60 triệu lao động) tham gia bảo hiểm xã hội. Trong khi đó, những thông tin về việc mất cân bằng quỹ bảo hiểm hưu trí đang gây ảnh xấu, đặc biệt là đối với những người lao động ở khu vực tư nhân, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đối tượng hiện nay mức hưởng bảo hiểm có sự chênh lệch so với khu vực nhà nước. Bà Nguyễn Thị Xuyên, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn cơ điện Đại Dương cho biết, ngay khi có thông tin về việc vỡ quỹ bảo hiểm hưu trí, những lao động có tay nghề cao của công ty đã yêu cầu không đóng bảo hiểm xã hội và đề nghị tính thẳng vào lương. Đối với những người lao động này chúng tôi không thể không đồng ý vì họ đều là những người làm tại công ty lâu năm, rất có tay nghề, ban giám đốc bắt buộc phải đồng ý để giữ chân người lao động. Việc cải cách hệ thống bảo hiểm xã hội có thể sẽ tạo nên những cú sốc về lương hưu của người lao động khi thay đổi về cách tính lương hưu. Chính vì vậy, không chỉ điều chỉnh thay đổi theo lộ trình, để tránh khỏi sự phản đối của người lao động còn cần phải có quỹ hưu trí bổ sung để đảm bảo thu nhập cho người lao động khi nghỉ hưu./.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục