Ra mắt ấn bản Truyện Kiều bằng chữ Nôm và Quốc ngữ

Bản Truyện Kiều dày 492 trang, được in song đôi chữ Quốc ngữ và chữ Nôm, cùng những khảo dị và chú giải trên tinh thần hiện đại, vừa ra mắt nhân kỷ niệm 250 năm ngày sinh của Đại thi hào Nguyễn Du.
Ra mắt ấn bản Truyện Kiều bằng chữ Nôm và Quốc ngữ ảnh 1Nhà nghiên cứu Hán-Nôm Nguyễn Khắc Bảo đang đối chiếu, so sánh các bản Kiều. (Ảnh: Thanh Thương/TTXVN)

Ngày 24/11, Nhà xuất bản Trẻ đã chính thức ra mắt ấn bản Truyện Kiều kỷ niệm 250 năm ngày sinh của Đại thi hào Nguyễn Du.

Đây là bản Truyện Kiều do Ban Văn bản Truyện Kiều-Hội Kiều học Việt Nam hiệu khảo và chú giải.

Bản Truyện Kiều dày 492 trang, được in song đôi chữ Quốc ngữ và chữ Nôm, cùng những khảo dị và chú giải trên tinh thần hiện đại.

Trong quá trình làm việc, Ban Văn bản Truyện Kiều gồm nhà nghiên cứu Hán-Nôm Thế Anh và Nguyễn Khắc Bảo; cố phó giáo sư Nguyễn Văn Hoàn; nhà nghiên cứu Hoàng Xuân Khóa, Vũ Ngọc Khôi; phó giáo sư tiến sỹ Nguyễn Hữu Sơn; giáo sư Trần Đình Sử và nhà thơ Vương Trọng dồn nhiều tâm sức nghiên cứu nhiều năm để đi đến một bản thảo đồng thuận.

Bản Truyện Kiều được chú thích sáng tỏ và gọn, không lạm dụng các dẫn liệu, từ ngữ và điển cố, hạn chế các trích dẫn không cần thiết từ Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân để chú giải Truyện Kiều.

Đây là văn bản Truyện Kiều vừa hướng đến tầm nguyên, vừa tôn trọng kinh nghiệm tiếp nhận tác phẩm trong gần 2 thế kỷ qua. Văn bản đã phục nguyên hơn 400 chữ so với các bản Kiều thông dụng.

Đại diện Nhà xuất bản Trẻ cho biết ấn bản Truyện Kiều tuy chưa thể tái hiện các tiếp nhận trong 200 năm, nhưng đã tiếp cận những cách hiểu mới nhất. Tuy chưa làm được khảo dị bằng chữ Nôm, nhưng ấn bản Truyện Kiều cũng đã khảo dị và khảo đồng bằng âm đọc của hơn 12 văn bản Nôm và Quốc ngữ cổ.

Sau bản in đầu được xuất bản tháng 8/2015, nhằm phục vụ cho Hội thảo về Nguyễn Du tại Viện Hàn Lâm Khoa học xã hội Việt Nam tại Hà Nội, do phát hiện còn một số chỗ chưa chuẩn xác và đồng thuận hoàn toàn, Nhà xuất bản Trẻ đã cùng Ban Văn bản Truyện Kiều nỗ lực chỉnh lý để đi đến bản hoàn thiện.

Văn bản Truyện Kiều này cũng đã được Ban thẩm định gồm giáo sư Nguyễn Khắc Thi, phó giáo sư Trần Nho Thìn và tiến sỹ Trần Trọng Dương thẩm định, góp ý để nâng cao chất lượng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục