Ranieri bị các học trò "đâm sau lưng" 4 nhát trước vụ sa thải?

Ranieri bị Leicester sa thải: Bóng đá đã không còn là của ngày hôm qua

“Ngày hôm qua, giấc mơ của tôi đã chết,” Claudio Ranieri đã nói như thế trong bài phỏng vấn đầu tiên sau khi bị Leicester City sa thải.
Ranieri bị Leicester sa thải: Bóng đá đã không còn là của ngày hôm qua ảnh 1Huấn luyện viên Claudio Ranieri. (Nguồn: sportinglife.com)

“Ngày hôm qua, giấc mơ của tôi đã chết,” Claudio Ranieri đã nói như thế trong bài phỏng vấn đầu tiên sau khi bị Leicester City sa thải.

Quyết định gây sốc của ban lãnh đạo Leicester đã không chỉ giết chết giấc mơ của Ranieri, mà còn chứng minh rằng bóng đá hiện đại đang dần trở nên thực dụng một cách tàn khốc. Bóng đá mà tất cả từng yêu, từng mơ mộng, đã là của ngày hôm qua.

298 ngày, là quãng thời gian Ranieri đi từ đỉnh cao xuống vực sâu. Vị trí thứ 17 với chỉ 1 điểm hơn nhóm xuống hạng đã đẩy ban lãnh đạo Leicester vào tình thế buộc phải tạo ra sự thay đổi. Và Ranieri là người ra đi. Song dựa trên những gì mà Ranieri đã phát biểu, chưa hẳn những ông chủ người Thái đã quyết định số phận nhà cầm quân người Italia.

Báo chí Anh đồn đoán rằng một số cầu thủ trụ cột của Leicester đã gặp trực tiếp chủ tịch Vichai để bày tỏ sự bất bình trong cách dùng người của Ranieri ngay trước trận gặp Sevilla. Nhưng những chi tiết sau đó còn tiết lộ rằng, nhóm cầu thủ của Leicester đã có tới… 4 lần gặp ông chủ người Thái để phàn nàn về Ranieri. Nói một cách dễ hiểu hơn, Ranieri đã bị các học trò "đâm" sau lưng 4 nhát trước khi bị sa thải, điều này thậm chí còn diễn ra từ tháng 12!

Ranieri biết rõ chiếc ghế của mình đã bị lật đổ theo cách nào. Trong bài phát biểu đầu tiên sau khi bị sa thải, Ranieri không có bất kỳ chữ nào nhắc tới những học trò của mình. Tất cả chỉ là sự thất vọng, kèm theo những lời cảm ơn CLB và đặc biệt, các cổ động viên, những người “đã giành tình yêu” cho Ranieri từ những ngày đầu tiên.

Jose Mourinho, là người chia sẻ với Ranieri hơn cả sau quyết định gây sốc với cả thế giới của ban lãnh đạo Leicester. “Người đặc biệt” trong buổi họp báo chuẩn bị cho trận gặp Southampton tại chung kết Capital One Cup đã mặc chiếc áo với tên viết CR (Claudio Ranieri) trên áo.

“Chiếc áo này ghi tên ông ấy. Đó là sự ủng hộ của tôi với người đã viết nên câu chuyện đẹp nhất trong lịch sử Premier League,” Mourinho nói. “Sân vận động của Leicester xứng đáng được đặt tên là Claudio Ranieri, và việc ông ấy bị sa thải là điều mà tất cả các cổ động viên bóng đá trên toàn thế giới đều nhận thấy là không chấp nhận được.”

“Tôi từng nghĩ khi mình bị sa thải vào mùa giải trước với vị thế là nhà đương kim vô địch là vì tầm vóc của Chelsea quá lớn. Nhưng bây giờ, câu chuyện ấy thật quá nhỏ bé so với những gì đã xảy ra với Ranieri.”

“Tôi nghĩ điều này là lỗi của Ranieri, nếu mùa trước thay vì vô địch Leicester chỉ đứng thứ 12, thì có lẽ giờ này Ranieri đã không bị sa thải. Họ vẫn sẽ chỉ chiến đấu để trụ hạng mà thôi.” 

“Mùa giải này đã bắt đầu với những suy nghĩ ích kỷ của các cá nhân. Người muốn hợp đồng mới, người muốn ra đi, người muốn tiền. Họ quên mất rằng ai đã đưa họ tới với đẳng cấp đấy.”

“Nhưng có một điều không ai có thể làm được. Đó là xóa đi lịch sử. Nên là, chẳng sao đâu Claudio. Không ai có thể xóa đi lịch sử mà ông đã tạo ra.”

176 chữ cả thảy của Mourinho đã vén màn toàn bộ bức tranh xảy ra tại Leicester.

“Bầy cáo” chơi kém là lỗi của Ranieri? Đúng. Nhưng có phải tất cả? Tại sao Jamie Vardy từ chỗ phá kỷ lục của Ruud Van Nistelrooy khi ghi bàn trong 11 trận liên tiếp tại Premier League lại biến thành một chân sút chỉ có trung bình… 1,4 cú sút trung khung thành đối phương trong một trận, chỉ chọc thủng lưới được có… 3 câu lạc bộ. Tại sao Riyad Mahrez lại sa sút tới mức không thể có nổi 5 bàn sau 25 vòng đấu? Đó không thể là lỗi của Ranieri, hay lỗi của… N’Golo Kante vì đã ra đi. Đó là hệ quả của những cái đầu đặt ở nơi nào đó không phải sân bóng.

Bóng đá hiện tại là nơi những toan tính về kinh tế đã lấn át đi tình cảm. Và những quyết định quan trọng với đội bóng của ban lãnh đạo quá dễ dàng bị thao túng bởi lợi ích nhóm. Thời gian đã thay đổi nhiều thứ, bóng đá không phải là một ngoại lệ. Thứ không khí mơ mộng mà túc cầu giáo từng mang lại với chúng ta, đã chỉ còn là của ngày hôm qua./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục