Bệnh nhi nhập viện tăng cao ở nhiều địa phương vì rét đậm

Rét đậm kéo dài, bệnh nhi nhập viện tăng cao ở nhiều địa phương

Đợt rét đậm, rét hại kéo dài nhiều ngày qua với nền nhiệt độ xuống thấp kỷ lục đã khiến nhiều trẻ em ở các tỉnh, thành phố miền Bắc phải nhập viện điều trị các bệnh về hô hấp.
Rét đậm kéo dài, bệnh nhi nhập viện tăng cao ở nhiều địa phương ảnh 1Khám chữa bệnh chop trẻ em trong những ngày rét đậm. Ảnh minh họa. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)

Ngày 25/1, theo thống kê của Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Ninh Bình, do thời tiết rét đậm trong những ngày vừa qua, số bệnh nhi nhập viện tăng 25% so với mùa rét đậm, rét hại năm trước. Các bệnh nhi nhập viện chủ yếu mắc các bệnh về đường hô hấp như viêm phổi, viêm phế quản, ho, sốt.

Trước tình trạng bệnh nhi nhập viện tăng cao, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Ninh Bình đã tăng ca các bác sỹ, y tá, điều dưỡng để túc trực, thăm khám và điều trị kịp thời cho các bệnh nhi.

Bác sỹ Phạm Hồng Kiều, Trưởng khoa Nội nhi I, Bệnh viện sản nhi tỉnh Ninh Bình cho biết, do thời tiết mưa phùn, lạnh, độ ẩm cao khiến trẻ nhỏ dễ bị nhiễm bệnh do hệ miễn dịch suy giảm. Mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận gần 10 bệnh nhi khám và nhập viện do bệnh về đường hô hấp. Những năm trước, thời điểm này bệnh viện chỉ có 80 đến 100 bệnh nhi điều trị tại khoa nhưng năm nay số bệnh nhi tăng lên từ 140 đến 150 cháu.

Bác sỹ Kiều khuyến cáo, nhằm giảm thiểu trẻ bị viêm đường hô hấp trong những ngày giá lạnh, người lớn nên mặc đủ ấm cho trẻ và không để trẻ sinh hoạt ở nơi gió lùa, chú ý không tắm cho trẻ quá lâu, không cho trẻ đi chân đất trên nền nhà ẩm ướt.

Ngoài ra, chế độ dinh dưỡng cũng cần hết sức quan tâm, bởi khi cung cấp đầy đủ các protein sẽ giúp tăng sức đề kháng cho trẻ. Đối với trẻ đã bị viêm đường hô hấp, cần thường xuyên vệ sinh sạch sẽ, làm thông thoáng đường thở. Ngoài ra, gia đình không được sưởi than, trong nhà không nên đóng kín các cửa khiến không khí khó lưu thông.

Phụ huynh cần đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ theo chuẩn lịch của chương trình tiêm chủng mở rộng. Bởi khi không được tiêm chủng vắcxin phòng bệnh đúng lịch sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do không có miễn dịch bảo vệ như bệnh ho gà, sởi, bạch hầu, lao, viêm gan B, viêm não Nhật Bản. Khi đi tiêm chủng, trẻ phải được giữ ấm đúng cách, đi tất đảm bảo chân, tay đủ ấm, không bị gió lùa.

Trong trường hợp trời mưa phải đảm bảo trẻ không bị thấm nước mưa nhưng cũng không đùm trẻ quá kín bằng áo mưa, vải nilon dẫn đến không thoát được mồ hôi hoặc thiếu khí thở. Đây là nguyên nhân trẻ dễ bị ngạt hoặc viêm phổi.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục