Rung động ngõ cổ

Rung động những ngõ phố cổ chốn Hà thành

Những ngõ cổ Hà Nội mang dáng dấp thật lạ, vừa cổ kính rung động tận chiều sâu tâm hồn nhưng cũng ẩn chứa các luồng sinh khí mới.
Ở Hà Nội có những ngõ cổ mang dáng dấp thật lạ, vừa truyền thống, hoài cổ, rung động tận chiều sâu tâm hồn, nhưng cũng lại ẩn chứa những luồng sinh khí mới. Cuộc sống nơi đây càng lạ hơn, rất trầm lặng mà cũng đầy náo nhiệt...

Ngõ Huyện là một trong những ngõ cổ của Hà Nội. Ngõ không dài, chỉ chừng hơn 150m, nối từ phố Lý Quốc Sư đến phố Phủ Doãn.

Nhìn bề ngoài Ngõ Huyện không có gì đặc biệt so với các ngõ cổ khác. Cũng tấp nập xe cộ, ồn ã trong cảnh "chục người bán, vạn người mua". Cũng những ngách sâu hun hút, những ngôi nhà thâm trầm nét thời gian xen lẫn những ngôi nhà hiện đại và những khách sạn mini dành cho khách du lịch. Song, phải tinh ý mới cảm được không khí rất riêng của con ngõ đất kinh kỳ này...

Đầu Ngõ Huyện là một hàng cháo trai, cháo sườn ngon có tiếng. Trông tuềnh toàng, dân dã, song lúc nào cũng đông kín khách. Lớn bé, gái trai, Tây ta, đến hàng đều tự kéo những chiếc ghế con ra ngồi dọc đầu ngõ.

Chị bán hàng tuổi ngoài bốn mươi thường khoác trên mình chiếc áo sẫm màu, nhỏ nhẹ phục vụ khách. Người ăn nhẩn nha thưởng thức từng thìa cháo béo béo, bùi bùi và lơ đễnh trong thanh âm Việt-Tây lẫn lộn. Sâu vào Ngõ Huyện, cảm giác chống chếnh, lọt thỏm trong không gian sống của trời Âu.

Những ông Tây, bà đầm ngồi trong quán bar ngắm khung cảnh ngõ nhỏ chật hẹp. Phía ngoài, đám thanh niên tóc vàng, mắt xanh, người ngồi ngẩn ngơ trước hiên cửa, người ôm đàn ghita, gõ trống, ca hát tưng bừng. Mấy chàng Tây ba lô dáng cao lênh khênh, quần lửng, áo phông, môi nở nụ cười thân thiện, bước đi vội vã như thu lại cả khoảng không gian sống nhỏ hẹp.

Lách qua nhóm thanh niên phương Tây đứng cười nói rôm rả, chúng tôi chui vào căn nhà nằm cuối một ngách nhỏ bên dãy số lẻ của Ngõ Huyện. Đường vào nhà hẹp, dài, tĩnh mịch, trầm tư, đối lập với sự sôi động bên ngoài.

Người chủ nhà là chị phụ nữ tên Trang, cũng là chủ shop quần áo kinh doanh tại gia theo phương thức thời @. Chị bán hàng online với đủ loại, từ quần Jean, áo măngtô, áo dạ đến các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu.

Trong câu chuyện cởi mở về cuộc sống nơi con ngõ cổ xưa này, chị nói nhỏ nhẹ như một nhà "tài phiệt" triết lý: "Trước thì ngõ vắng, đất rẻ. Nay thì đất chật, người đông. Đất biến thành nhà. Nhà thành khách sạn. Hotel, quán rượu, mọc lên ầm ầm. Đánh đổi cả chục tỷ cho ngôi nhà trong ngõ là thường".

Nghe "kim tiền" vậy, nhưng trong câu chuyện, người phụ nữ sống tại đây qua hai thế kỷ vô tình hé lộ tình yêu của chị dành cho ngõ cổ. Dường như sau những ẩn ức trong cuộc sống, kỷ niệm xưa cũ về những tháng ngày từ thời bao cấp chuyển sang kinh tế thị trường..., là niềm mến thương gắn bó của chị với Ngõ Huyện.

Chắc chắn tình cảm ấy không kém bà cụ có gương mặt phúc hậu, hơn 70 tuổi, nhà ở phía đầu ngách, lúc nào cũng ngồi âm thầm trong nhà nhìn ra ngoài, chứng kiến sự đổi thay từng ngày của ngõ cổ.

Trò chuyện với người Ngõ Huyện, phải tinh ý mới thấy, tình cảm, sự gắn bó của họ với ngõ cổ này như mạch nguồn tự nhiên, giản dị. Nhiều người Ngõ Huyện "tới chân tơ kẽ tóc" rành chuyện xưa cũ song lại không rõ lai lịch nơi mình sinh trưởng.

Kể cũng phải, có mấy ai biết Ngõ Huyện vốn là đất thôn Tiên Thị, tổng Tiền Túc, và là ngõ dẫn tới cổng chính của huyện đường Thọ Xương cũ.

Sự tích ly kỳ về miếu Ông Cai có ở đầu ngõ này vào khoảng cuối thế kỷ XIX càng hiếm người biết hơn. Nếu có, ắt hẳn là những người ưa lật những trang sách về đường phố Hà Nội, trong đó tóm lược vài dòng với đại ý: Sau khi Pháp hạ thành Hà Nội, tri huyện Thọ Xương bỏ chạy.

Ông Cai Trí chỉ huy một toán lính cơ kháng cự rất anh dũng. Cuối cùng ông hy sinh. Nhân dân quanh đó mới lập miếu để thờ cúng ông ngay bên cạnh huyện đường. Ít lâu sau, Hoàng Cao Khải, lúc đó là tri huyện Thọ Xương, đã cho dỡ miếu đi.

Khác với không gian vừa truyền thống, xưa cũ, vừa đậm nét toàn cầu hóa của Ngõ Huyện, cách đó vài phút thong thả chạy xe máy là một ngõ cổ mang những nét đặc trưng của phồn thực, của cái mới hiện diện, đan xen cái cũ, song cũng là nơi mà nếp nhà được trân trọng gìn giữ.

Đó là ngõ Phất Lộc của họ Bùi, có chiều dài khoảng 300m, gồm ba nhánh ăn thông ra ba con phố Hàng Mắm, Lương Ngọc Quyến và Nguyễn Hữu Huân. Ngõ xưa là đất thuộc thôn Tiên Hạ, làng Dũng Thọ, huyện Thọ Xương, Thăng Long.

Cuộc sống hối hả hiện diện ngay đầu ngõ Phất Lộc. Hàng quán dọc theo bờ tường, "nêm" chặt đường ngõ quanh co, lắt léo vốn chỉ đủ cho hai chiếc xe máy tránh nhau. Trong các hàng quán này, hàng bún đậu phụ mắm tôm là "oách" nhất bởi từ lâu đã tạo được "thương hiệu" riêng.

Xe máy xếp dọc cả một đoạn ngõ dài, khách ngồi chen nhau thưởng thức bún đậu trong ồn ào của muôn vàn câu chuyện hè phố, trong tiếng chao chát lảnh lót chen lẫn tiếng còi xe nhẫn nại xin đường.

Phần đông trong số họ là những người rất trẻ, dân văn phòng, dân phố cổ và cả khách Tây-Tàu. Tiếng ồn chỉ lắng xuống sau mười giờ đêm.

Dấn vào trong ngõ, nhà cửa chằng chịt, đan xen, nhà cao tầng chen lẫn mái ngói rêu phong già nua của đình Tiên Hạ hàng trăm năm tuổi. Trông "bát nháo", lẫn lộn vậy thôi, nhưng chớ có nhầm. Ẩn khuất sau sự xô bồ của cuộc mưu sinh, người ngõ Phất Lộc vẫn giữ những nét thanh lịch, kín đáo trong ứng xử, lối ăn, nếp ở, nét duyên người kinh kỳ.

Hàng trăm năm qua, họ vẫn trân trọng gian đình và những bàn thờ tổ lưu giữ những ký ức xa xưa, thời mà vào đầu thế kỷ thứ 18, một nho sinh họ Bùi ở làng Phất Lộc, huyện Đông Quan, Thái Bình lên Thăng Long học thi làm quan vào trú ở ngõ này.

Từ đó, họ hàng của ông ở làng cứ theo nhau lên đây sinh sống, lâu ngày tạo thành một ngõ dân cư toàn người làng Phất Lộc. Để rồi nơi ấy sản sinh ra không ít những bậc danh tài đỗ đạt, góp sức cho nước nhà.

Đứng ở giữa ngõ Phất Lộc ngước mắt nhìn lên, cảm giác bầu trời thu hẹp trong mấy vuông sân. Chợt nghĩ, trong hàng trăm con ngõ xưa cũ ở Hà thành, nơi nào dường như cũng giữ được nét riêng của mình. Để có một Hà Nội "ngõ" rất riêng!/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục