Rừng và đất rừng ở Đắk Lắk vẫn bị chặt phá, lấn chiếm trái phép

Đắk Lắk đã tăng cường nhân lực cho lực lượng kiểm lâm, tăng thêm các trạm kiểm soát tại các điểm nóng, nhưng tình trạng rừng, đất rừng bị chặt phá, lấn chiếm trái phép ngày càng gia tăng.
Rừng và đất rừng ở Đắk Lắk vẫn bị chặt phá, lấn chiếm trái phép ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: Sỹ Huynh/TTXVN)

Ông Hoàng Trọng Hải, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk cho biết tỉnh đã tăng cường nhân lực cho lực lượng kiểm lâm, tăng thêm các trạm kiểm soát tại các địa bàn trọng điểm, nhưng tình trạng rừng, đất rừng vẫn bị chặt phá, lấn chiếm trái phép ngày càng gia tăng.

Chỉ riêng từ đầu năm đến nay, tỉnh đã phát hiện, xử lý trên 147 vụ vi phạm lâm luật. Số vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng từ năm 2009 đến nay tăng lên trên 13.300 vụ, lực lượng chức năng đã tịch thu gần 19.500m3 gỗ các loại. Trong đó, chỉ có 137 vụ khởi tố hình sự, với 78 đối tượng, số vụ còn lại là xử lý hành chính.

Tổng diện tích rừng bị phá, lấn chiếm trái phép trên địa bàn từ năm 2009 trở lại đây là trên 26.500ha, trong khi đó các ngành chức năng của tỉnh mới thu hồi được gần 2.000ha để trồng lại rừng.

Các địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh như Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng và chống người thi hành công vụ; thành lập các đoàn kiểm tra thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng, nhất là tăng cường kiểm tra tại các điểm nóng ở Ea Súp, Buôn Đôn, Cư M’gar, Ea H’Leo.

Tuy nhiên, theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk, tình hình khai thác, chế biến, vận chuyển gỗ trái phép vẫn còn tiếp diễn ở nhiều nơi trong tỉnh. Thậm chí, trên địa bàn vẫn còn tồn tại một số “điểm nóng” và các đối tượng khai thác gỗ trái phép, nhất là gỗ quý hiếm trong các vườn quốc gia, vùng biên giới, các đường dây khai thác, vận chuyển lâm sản tại các địa bàn thuộc các huyện Buôn Đôn, Ea Súp, Ea H’Leo, Krông Bông, Ma Đ’rắk.

Việc điều tra, thống kê phân loại các đối tượng phá rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển gỗ, sang nhượng đất rừng trái phép đã được thực hiện nhưng chưa xử lý, giải quyết triệt để.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do các chủ rừng quản lý rừng, đất lâm nghiệp còn lỏng lẻo, sử dụng đất đai kém hiệu quả, lãng phí. Nhiều chủ rừng thiếu sự phối hợp tổ chức bảo vệ rừng, không kiểm tra, kiểm soát hết lâm phần quản lý, thiếu sự phối hợp và tổ chức thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng hữu hiệu. Thậm chí, một số nơi còn bao che, "làm ngơ" cho lâm tặc khai thác tài nguyên rừng, đất rừng.

Các xã, huyện chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm, chưa quan tâm đến công tác quản lý bảo vệ rừng. Ở những "điểm nóng" về phá rừng, lấn chiếm đất rừng, chính quyền địa phương thiếu kiên quyết xử lý, một bộ phận cán bộ kiểm lâm có những biểu hiện tiêu cực, chưa nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ được giao.

Thời gian tới, ngoài việc tiếp tục thực hiện hiệu quả các Chỉ thị số 12, 08, Chỉ thị 1685 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng và chống người thi hành công vụ, tỉnh Đắk Lắk còn tiếp tục thống kê, rà soát lại diện tích rừng bị phá, bị lấn chiếm và triển khai lập kế hoạch phá bỏ hoa màu, lán trại, trồng lại rừng đối với diện tích rừng bị phá, lấn chiếm, kiên quyết xử lý nghiêm các đối tượng xâm hại trái phép tài nguyên rừng theo quy định của pháp luật.

Tỉnh cũng mở các đợt kiểm tra, truy quét lâm tặc, những tụ điểm phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác, chế biến, mua bán, sử dụng, vận chuyển trái phép lâm sản, săn bắt, tàng trữ, sử dụng động vật hoang dã.

Tỉnh cũng tiếp tục điều tra, thống kê, lập danh sách các đối tượng khai thác lâm sản trái phép để có biện pháp đấu tranh, ngăn chặn, xử lý, tuyên truyền vận động ký cam kết chuyển đổi ngành nghề, không vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục