Sa Pa chuẩn bị khoảng 10.000 chậu hoa lan phục vụ nhu cầu Tết

Giá của mỗi chậu địa lan từ vài triệu đến trên 60 triệu đồng tuỳ loại, được tính theo bông, theo dáng chậu và kích cỡ của mỗi chậu.

Sa Pa (Lào Cai) không chỉ là vùng đất du lịch nổi tiếng với điều kiện khí hậu vô cùng ưu đãi mà đây còn là nơi thích hợp để ươm trồng và phát triển các loài hoa quý hiếm. Bởi vậy, Quốc lộ 4D đoạn nối thành phố Lào Cai và huyện Sa Pa cứ vào thời điểm giáp Tết lại rực rỡ bởi muôn vàn nhành lan khoe sắc bên đường (chủ yếu là địa lan).

Theo ông Nguyễn Ngọc Hinh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Sa Pa, cho hay năm nay, các chủ vườn trồng hoa trên địa bàn đã chuẩn bị khoảng 10.000 chậu hoa lan (chủ yếu là địa lan) phục vụ nhu cầu thị trường hoa Tết, tăng trên 40% so với năm trước.

Mặc dù còn cách Tết hơn nửa tháng, nhưng con đường được mệnh danh là "con đường lan," với độ dài chỉ khoảng 30km đã tập kết hàng nghìn chậu lan của không dưới 30 điểm vườn, nhà lưới để di trú địa lan Sa Pa xuống núi để bán trong dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016.

Nơi đây chủ yếu giống lan Trần mộng xuân - giống lan đặc hữu của Sa Pa đến từ xã Tả Phìn, San Sả Hồ... được các chủ vườn đưa xuống vùng thấp (xã Cốc San, huyện Bát Xát, cách Sa Pa khoảng 20km) để tránh rét đồng thời chăm sóc cho hoa nở đúng dịp Tết.

Theo chủ vườn Nguyễn Văn Thận, việc đưa hoa xuống vùng thấp ngoài việc để kích thích cho hoa nở đúng dịp Tết mà còn là cách để khách du lịch và người yêu hoa có cơ hội chiêm ngưỡng và chọn mua những chậu hoa ưng ý trong dịp Tết, bởi Quốc lộ 4D hiện vẫn là con đường chủ yếu mà du khách lên Sa Pa thường đi qua.

Ông Giàng A Sà, Bí thư Đảng ủy xã Tả Phìn (Sa Pa) - nơi được mệnh danh là "Vương quốc địa lan Sa Pa," cho biết muốn có được hoa xanh, tốt cánh, lá dày, bông to thì cần phải trồng hoa trên mùn được lấy từ rừng nuôi dưỡng ở nơi có khí hậu trong lành không ô nhiễm. Cầu kỳ như vậy nên thậm chí năm nay các nghệ nhân trồng hoa lan ở Tả Phìn phải “di cư” hoa xuống vùng thấp trước cả hai tháng nhằm điều chỉnh ngày trổ bông đúng vào dịp Tết do thời điểm này Sa Pa rất lạnh sợ không kịp nở hoa.

Rất nhiều du khách đã bày tỏ sự thích thú khi được thỏa thích ngắm nhìn lan dọc đường đi. Anh Hà Mạnh Thắng (Hưng Yên) nhận xét, lan ở đây được chăm sóc rất tỉ mỉ, giá thành khá hợp lý bởi đây là giống lan Trần mộng xuân nức tiếng về vẻ đẹp và hương thơm quyến rũ.

Giá của mỗi chậu địa lan từ vài triệu đến trên 60 triệu đồng tuỳ loại, được tính theo bông, theo dáng chậu và kích cỡ của mỗi chậu. Chậu nhỏ ít hoa tính theo cành hoa từ 400.000-500.000 đồng/bông, chậu to đẹp tán đều trên 20 cành hoa có giá từ 550.000-700.000 đồng/bông.

Đặc biệt, ở cơ sở nào còn có giống Trần mộng xuân “sang chảnh” với cánh hoa có màu xanh, nhụy đỏ (rất hiếm) dành cho những “dân chơi bạo chi” thì giá không dưới 1,5 triệu đồng/cành.

Hầu hết các chủ vườn tại Sa Pa năm nay đều phấn khởi, bởi theo họ mặc dù số lượng hoa địa lan Trần mộng xuân đưa ra thị trường Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 tăng gần hai lần so với năm trước nhưng giá bán năm nay cao hơn. Tết Nguyên đán năm 2015, hoa lan đã mang lại nguồn thu gần 5 tỷ đồng cho huyện Sa Pa.

Ngoài lan, Sa Pa còn có hàng chục nghìn chậu hoa cảnh, hoa thảm đang được chăm sóc để phục vụ thị trường hoa Tết. Nhưng hoa đào - một loại hoa đặc hữu của vùng đất du lịch này không được khuyến khích mua bán.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hinh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Sa Pa, từ năm 2015, địa phương đã có văn bản khuyến cáo người dân không tiêu thụ đào cành bởi nguy cơ xâm hại đến thiên nhiên. Theo đó, huyện sẽ có biện pháp xử lý đối với những cán bộ, công chức tiêu thụ, trao đổi mua bán đào cành trong dịp Tết. Chủ trương này xuất phát từ thực trạng vì nguồn lợi trước mắt, nhiều người dân Sa Pa đã bỏ không chăm sóc đào để lấy quả, mà chuyển sang chặt cành, đào gốc để bán. Những năm trước, rất nhiều cành đào cổ thụ từ 30-50 năm tuổi tại các xã Hầu Thào, Séo Mí Tỷ... đã được mua với giá ngang với một con trâu nái (từ 10-20 triệu đồng) dẫn đến việc những rừng đào ngày càng thưa vắng dần những cây đào cổ thụ - một nét đẹp bản sắc của vùng núi cao Sa Pa.

Từ lâu Sa Pa đẹp nhất mùa hoa đào nở mỗi khi Xuân về, người Sa Pa tự hào vì nơi đây được mệnh danh là "vương quốc hoa đào" của Việt Nam. Cùng với việc giữ gìn các cây đào rừng đại thụ mọc hàng trăm năm trên núi Hoàng Liên, huyện Sa Pa luôn khuyến khích các gia đình trồng nhiều loại cây ăn quả ôn đới; trong đó có cây đào. Nhiều gia đình ở thị trấn Sa Pa, nhất là khu vực chân đèo Ô Quy Hồ vẫn giữ được những cây đào phai 30-40 năm tuổi có dáng và hoa rất đẹp.

Ông Nguyễn Ngọc Hinh cho hay với việc tăng số lượng địa lan và một số loại cây hoa khác như ly, hồng... phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai đang có chủ trương khuyến cáo người dân trên địa bàn không nên chơi đào cành, đặc biệt đào rừng trong dịp Tết để bảo tồn giống đào cổ thụ lâu năm đang có nguy cơ mai một tại Sa Pa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục