Sân khấu tuồng Việt Nam: Thực trạng đáng buồn

Nhiều ý kiến cho rằng sân khấu tuồng thiếu những tác phẩm đỉnh cao, những vở diễn đi vào lòng người xem và có quá ít khán giả.
Tại buổi tọa đàm với chủ đề “Giáo sư Hoàng Châu Ký với nghệ thuật Tuồng Việt Nam” được tổ chức ở Đà Nẵng ngày 15/1, nhiều ý kiến và báo cáo tham luận đã nêu lên thực trạng đáng buồn của môn nghệ thuật này.

Một số ý kiến cho rằng sân khấu tuồng thiếu những tác phẩm đỉnh cao, những vở diễn đi vào lòng người xem; quá ít khán giả, nhất là khán giả trẻ thờ ơ, lạnh nhạt với nghệ thuật truyền thống.

Không chỉ vậy, các đơn vị hoạt động sân khấu truyền thống còn thụ động, thiếu liên kết để tạo nên sức mạnh để đưa tuồng đến với khán giả...

Tại buổi tọa đàm, hơn 20 tham luận của các nhà nghiên cứu, các giáo sư đã ôn lại cuộc đời, sự nghiệp và tôn vinh những cống hiến của Giáo sư Hoàng Châu Ký đối với nghệ thuật sân khấu Tuồng Việt Nam.

Ông đã dành cả cuộc đời mình cho bộ môn nghệ thuật này trên nhiều phương diện diễn viên, nhà soạn tuồng, đạo diễn, nhà sư phạm và nhà nghiên cứu. Ông để lại cho hậu thế hàng chục tác phẩm do ông sáng tác, cải biên, chỉnh lý cùng với những công trình nghiên cứu lý luận cho sân khấu Tuồng Việt Nam.

Để giữ gìn và phát huy nghệ thuật tuồng truyền thống, nhiều ý kiến các đại biểu cho rằng cần thành lập một trung tâm nghiên cứu và thực nghiệm tuồng miền Trung-Trung Bộ; cần liên kết đào tạo diễn viên tuồng bậc đại học.

Không chỉ vậy, các nhà hát tuồng nên thường xuyên giao lưu biểu diễn ở các tỉnh không có đoàn tuồng để giới thiệu môn nghệ thuật này đến với công chúng, đồng thời giới thiệu hoặc dàn dựng các vở tuồng kinh điển, giúp môn nghệ thuật này tìm chỗ đứng trong đời sống xã hội./.

Hà Phương (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục