Sản lượng lúa của Indonesia suy giảm do thời tiết cực đoan

Sản lượng lúa niên vụ năm nay của Indonesia dự kiến sẽ giảm 0,94% so với năm ngoái do khô hạn xảy ra tại một số khu vực trồng lúa chủ chốt và lũ lụt ở một số vùng sản xuất lương thực khác.
Sản lượng lúa của Indonesia suy giảm do thời tiết cực đoan ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: clairebolderson.com)

Cơ quan Thống kê Quốc gia Indonesia (BPS) cảnh báo chính phủ nước này sẽ phải đối mặt với thách thức lớn trong việc hoàn thành mục tiêu tự cung tự cấp lương thực vào năm 2018, khi sản lượng lúa của quốc đảo được dự báo sẽ giảm trong năm nay và năm tới.

Theo BPS, sản lượng lúa niên vụ năm nay của Indonesia dự kiến sẽ giảm 0,94%, hay 670.000 tấn so với niên vụ năm ngoái do khô hạn xảy ra tại một số khu vực trồng lúa chủ chốt và lũ lụt ở một số vùng sản xuất lương thực khác; trong đó, bị ảnh hưởng nhiều nhất vì điều kiện thời tiết không thuận lợi và thiên tai là các tỉnh Trung Java, Tây Java, Nam Sumatra, Bắc Sumatra và Tây Nusa Tenggara.

Trước đó, Quyền Tổng vụ trưởng Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp Indonesia, ông Haryono cho rằng sự giảm sút sản lượng lúa sẽ không đáng ngại, bởi Bộ Nông nghiệp Indonesia ngay từ tháng Bảy đã có sự chuẩn bị ứng phó khi có dự báo El Nino có thể làm giảm 1,98% sản lượng lương thực, song hiện tượng thời tiết cực đoan đã không xảy ra và Indonesia cũng chưa cần tăng nhập khẩu gạo.

Tuy nhiên, BPS vẫn lưu ý rằng sản lượng lúa giảm sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung, đẩy giá gạo tăng và đây là một động thái cần hết sức quan tâm, bởi Indonesia - với dân số 250 triệu người hiện nay - là quốc gia tiêu thụ gạo cao nhất thế giới ở mức 137 kg/người/năm.

Thống kê cũng cho thấy chỉ riêng gạo đã đóng góp 0,03% vào mức tăng lạm phát 0,47% trong tháng 10/2014.

Sau khi nhậm chức hôm 27/10 vừa qua, Bộ trưởng Nông nghiệp Indonesia Amran Sulaiman đã thông báo mục tiêu tăng sản lượng lương thực, bao gồm lúa, ngô, đậu tương để không phải nhập khẩu và đảm bảo tự cung tự cấp trong 3-4 năm tới, với các biện pháp thực hiện như phục hồi cơ sở hạ tầng thủy lợi, cơ giới hóa nông nghiệp, mở rộng diện tích canh tác và các chương trình hỗ trợ và đảm bảo phúc lợi cho nông dân.

Trong một động thái liên quan, ngược lại với lúa, BPS dự báo sản lượng các cây lương thực khác lại tăng, ở mức 3,33% với ngô lên 19,13 triệu tấn và 18,12% với đậu tương lên 921.340 tấn, chủ yếu nhờ diện tích trồng ngô tăng 1,54% lên 58.720ha và trồng đậu tương tăng 11,08% lên 61.010ha./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục