Sản xuất xoài GlobalGAP lãi 100 đến 200 triệu đồng

Nhờ áp dụng quy trình sản xuất xoài GlobalGAP, mỗi hécta trồng xoài Cát Chu và Cát Hòa Lộc, Đồng Tháp lãi từ 100-200 triệu đồng/ha.
Nhờ áp dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật với quy trình sản xuất xoài đạt chuẩn GlobalGAP (thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu), Hợp tác xã xoài Mỹ Xương (xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) từng bước khẳng định thương hiệu, vươn ra thị trường thế giới, bình quân mỗi ha trồng xoài Cát Chu và Cát Hòa Lộc lãi từ 100-200 triệu đồng/ha.

Hiện nay huyện Cao Lãnh có hơn 3.520ha xoài, đa phần là xoài Cát Chu và xoài Cát Hòa Lộc với sản lượng ước tính khoảng 30.000 tấn/năm. Xoài Cao Lãnh được đánh giá khá cao trên thị trường do có hương vị thơm ngọt thanh, màu sắc đẹp, nổi tiếng trên thị trường trong và ngoài nước.

Sau gần 2 năm thực hiện, hơn 20ha xoài của 25 hộ thuộc Hợp tác xã Mỹ Xương đã được Công ty Cafe Control Việt Nam chứng nhận đạt chuẩn GlobalGAP và Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu cấp mã số vùng trồng xoài xuất khẩu sang New Zealand với diện tích 33,2ha/40 hộ.

Ông Lê Văn Dũng, Chủ nhiệm Hợp tác xã xoài Mỹ Xương cho biết do nông dân quen với tập quán sản xuất cũ, khi triển khai sản xuất xoài theo hướng GlobalGAP, mỗi nhà vườn phải thực hiện theo quy trình mới kỳ công hơn... Tuy nhiên với sự quyết tâm trong xây dựng nhãn hiệu, nhà vườn phải vừa làm, vừa học hỏi, dần dần quy trình sản xuất thực hiện chuyên nghiệp, được ngành chức năng cấp giấy chứng nhận.

Sản xuất xoài theo hướng GlobalGAP hạn chế sử dụng hóa chất trong quá trình sản xuất, xây dựng nơi trữ, xử lý bao thuốc và rửa dụng cụ phun thuốc bảo vệ thực vật, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất trái cây an toàn. Hợp tác xã xoài Mỹ Xương đã sản xuất xoài theo hướng an toàn trong việc sử dụng bao trái xoài, biện pháp tỉa cành tạo tán sau thu hoạch và bón phân hữu cơ sinh học.

Ngoài ra, Hợp tác xã xoài Mỹ Xương còn thành lập tổ hợp tác sản xuất, thành lập xưởng sản xuất sản phẩm bao trái cây, tổ dịch vụ chuyên chăm sóc cây (đốn tỉa, tạo tán, bao trái...), một cơ sở chuyên cung cấp giống và bao tiêu sản phẩm cho xã viên, nhà vườn các vùng lân cận.

Hiện nay, trên thị trường có nhiều loại bao trái xoài, xuất xứ Đài Loan, Thái Lan và Việt Nam. Các loại bao trái xoài Đài Loan có giá dao động từ 540-560 đồng, của Việt Nam khoảng 550 đồng, của Thái Lan (loại 2 lớp, cho màu trái vàng ươm) giá 1.100 đồng.

Ông Võ Hữu Hiền - xã viên Hợp tác xã xoài Mỹ Xương cho biết: trồng xoài cát theo tiêu chuẩn GlobalGap cho năng suất cao 10-12 tấn/ha, trong đó có khoảng 80% xoài loại 1 - đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Đặc biệt, trồng xoài theo quy trình này sẽ giảm chi phí 50% số lần phun xịt thuốc. Với diện tích 1,5ha trồng xoài Cát Hòa Lộc, Cát Chu, mỗi năm cho lợi nhuận hàng trăm triệu đồng

Ông Từ Trọng Khôn - xã viên Hợp tác xã chia sẻ: trồng xoài GlobalGAP vất vả hơn bình thường ở khâu bao trái, nhưng đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng và nhà vườn; nhất là trái xoài có mẫu mã đẹp, bán giá cao, sản phẩm có đầu ra ổn định là nguyện vọng của nông dân. Với giá thu mua từ 20.000 đồng/kg đối với xoài Cát Chu, 50.000 đồng/kg đối với xoài Cát Hòa Lộc, nông dân trồng xoài theo GlobalGAP giá bán cao hơn 5.000 đến 10.000 đồng/kg.

Chủ nhiệm Hợp tác xã Lê Văn Dũng cho biết thêm nhiều công ty liên hệ ký hợp đồng tiêu thụ. Công ty Sanatra của Nhật đặt mỗi tuần vài tấn xoài Cát Hòa Lộc và yêu cầu cung cấp liên tục trong năm. Tuy nhiên, Hợp tác xã vẫn chưa có đủ nguồn hàng cung cấp theo đơn các hợp đồng. Hiện Hợp tác xã vận động, hướng dẫn xã viên mở rộng diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn Việt GAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam) , GlobalGAP, sắp xếp lại lịch thời vụ để đảm bảo nguồn cung.

Để cho thương hiệu xoài Cao Lãnh có tiếng ở nước ngoài, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp chỉ đạo tổ chức, xây dựng chuỗi cung ứng nông sản GAP trên địa bàn tỉnh nói chung và tại huyện Cao Lãnh nói riêng; hỗ trợ huyện mở rộng diện tích sản xuất xoài đạt chuẩn GlobalGAP; triển khai thực hiện đề tài “Xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng xoài Cát tỉnh Đồng Tháp.”./.

Nguyễn Văn Trí (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục