Sapa lọt vào top 10 điểm đến ngắm tuyết hấp dẫn ở châu Á

Sa Pa lọt vào top 10 điểm đến ngắm tuyết hấp dẫn ở châu Á

The Travel khẳng định Sa Pa - Xứ sở Sương mù của Việt Nam là một điểm đến cực kỳ lý tưởng cho dịp mùa đông, du khách sẽ được tận hưởng không khí trong lành trên đỉnh núi Fansipan hay núi Hàm Rồng.
Sa Pa lọt vào top 10 điểm đến ngắm tuyết hấp dẫn ở châu Á ảnh 1Du khách đổ về Sa Pa để vui chơi và đắm mình trong tuyết. (Ảnh: Văn Thắng/TTXVN)

Mới đây, chuyên trang du lịch nổi tiếng The Travel của Canada đã đề xuất Việt Nam là một trong 10 điểm đến hấp dẫn có tuyết rơi ở châu Á.

The Travel, Nepal là điểm đến ngắm tuyết hàng đầu ở châu Á do đây là nơi có đỉnh Everest nổi tiếng. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết Trung Đông và Đông Nam Á cũng có tuyết và du khách ưa thích khí hậu lạnh giá hay băng tuyết sẽ không thất vọng khi đến đây.

Thị trấn Sa Pa nằm ở phía Tây Bắc của Việt Nam chính là một trong những điểm đến như vậy. Sa Pa được biết đến với những dãy núi trùng điệp, những thung lũng rộng lớn được bao phủ bởi màu xanh mướt. Thế nhưng, vào mùa đông, thị trấn khoác lên mình một chiếc áo lông màu trắng tinh khôi, mang đến sức hấp dẫn đặc biệt, thu hút những tín đồ du lịch đặt chân ghé thăm, tận hưởng không khí trong lành cùng với những chuyến đi bộ thư giãn trên đỉnh núi Fansipan hay núi Hàm Rồng.

[Lào Cai phát triển du lịch theo hướng khám phá, trải nghiệm]

The Travel khẳng định Sa Pa  - Xứ sở Sương mù của Việt Nam là một điểm đến cực kỳ lý tưởng cho dịp mùa đông. Còn gì tuyệt vời hơn khi được ngắm nhìn khung cảnh tuyết trắng rơi ngập trời tại mảnh đất hình chữ S xinh đẹp này.

Cùng với Sa Pa, The Travel cũng đề xuất 9 điểm đến có tuyết không kém phần hấp dẫn, bao gồm Wadi Rum (Jordan), núi Hajar (Oman và các tiểu vương quốc Arab Thống nhất), cao nguyên Golan (Israel), Papua (Indonesia), Almaty (Kazakhstan), Ulaanbaatar (Mông Cổ), Taichung (Đài Loan, Trung Quốc), Yongpong Resort (Hàn Quốc) và Sapporo (Nhật Bản).

Sa Pa lọt vào top 10 điểm đến ngắm tuyết hấp dẫn ở châu Á ảnh 2Con đường lên Sapa ngập trắng trong băng. (Nguồn: Vietnam+)

Theo sử sách, Sa Pa xưa vốn gọi là Hùng Hồ, nghĩa là Suối Đỏ. Thực dân Pháp đánh Lào Cai vào tháng 3/1886 và chiếm Sa Pa vào tháng 11. Sau khi chiếm được Hùng Hồ, cảm nhận được khí hậu tuyệt vời của mảnh đất này, Pháp tập trung xây dựng và biến nơi đây thành khu nghỉ mát lý tưởng dành cho du lịch trong những tháng hè nóng nực.

Sau hơn 100 năm được người Pháp khai phá, Sa Pa ngày nay là một trong những điểm đến thu hút khách nước ngoài nhất tại Việt Nam. Trong mắt du khách quốc tế, Sapa được biết đến với hình ảnh của một thành phố cổ kính ngập tràn sương mờ và cung đường đi bộ qua ruộng bậc thang đẹp như tranh vẽ.

Phong cảnh thiên nhiên của Sa Pa được kết hợp với sức sáng tạo của con người cùng với địa hình của núi đồi, màu xanh của rừng, như bức tranh có sự sắp xếp theo một bố cục hài hoà tạo nên một vùng có nhiều cảnh sắc thơ mộng hấp dẫn.

Chìm trong làn mây bồng bềnh, thị trấn Sa Pa như một thành phố trong sương huyền ảo. Nơi đây, có thứ tài nguyên vô giá đó là khí hậu trong lành mát mẻ, mang nhiều sắc thái đa dạng. Nằm ở độ cao trung bình 1500-1800m, nên khí hậu Sa Pa ít nhiều lại mang sắc thái của xứ ôn đới, với nhiệt độ trung bình 15-18°C. Từ tháng 5 đến tháng 8 có mưa nhiều.

Đến với Sa Pa mùa lạnh, du khách sẽ có cơ may được ngắm tuyết rơi đẹp như châu Âu trong sương mù, tạo nên phong cảnh tuyệt mỹ như tranh thủy mặc.

Sa Pa mùa xuân là mùa đẹp nhất trong năm bởi mây núi, sương mù tạo nên khung cảnh đẹp tới nao lòng mà ít nơi nào ở Việt Nam có được.

Tháng Tư, tháng Năm, là thời điểm đồng bào dân tộc thiểu số cấy lúa trên những thửa ruộng bậc thang. Và đây cũng là mùa nở của rất nhiều loài hoa đẹp. Tất cả hòa quyện tạo thành một bức tranh đầy màu sắc.

Mùa hè, Sa Pa cũng là địa điểm lý tưởng để trốn tránh nắng nóng oi ả.

Tháng Chín và tháng Mười là mùa lúa chín, khi ấy thì khắp mọi góc nhìn Sa Pa đều rực vàng. Vào khoảng thời gian này, Sa Pa như khoác lên mình màu áo mới - màu vàng óng trên khắp những quả đồi.

Sự biến hóa kỳ ảo của thiên nhiên, khí hậu ở Sa Pa hòa cùng bản sắc văn hóa dân tộc độc đáo của đồng bào vùng cao Tây Bắc đủ sức mê hoặc lòng người./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục