Sạt lở tại các tuyến đê của Hà Nội đang diễn biến phức tạp

Dọc các tuyến đê ven sông Đáy (Mỹ Đức), kênh Yên Cốc (Thanh Oai) và bờ tả sông Nhuệ tại xã Nguyễn Trãi (Thường Tín), tình trạng sạt lở diễn ra hết sức phức tạp.
Sạt lở tại các tuyến đê của Hà Nội đang diễn biến phức tạp ảnh 1(Ảnh minh họa: Thùy Dung/TTXVN)

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Trần Xuân Việt cho biết, sau khi đi kiểm tra một số điểm sạt lở trong mùa mưa lũ 2015 tại các huyện Chương Mỹ, Mỹ Đức, Thanh Oai và Thường Tín, thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội phối hợp với các sở, ngành liên quan khẩn trương xem xét, đề xuất phương án xử lý khẩn cấp chống sạt lở đê điều, đảm bảo an toàn về người và tài sản của nhân dân trong mùa mưa bão này.

Qua khảo sát cho thấy, mái đê tả Tích thuộc thôn Tiên Trượng, xã Thủy Xuân Tiên (Chương Mỹ) xuất hiện các cung sạt trượt hình trăng khuyết, ăn sâu vào thân đê. Tại bờ hữu sông Bùi thuộc xã Hồng Phong, nhiều bụi tre bị nước lớn cuốn trôi trong các đợt mưa lớn đầu tháng 3 và cuối tháng 7 vừa qua. Hiện, có khoảng 27 hộ dân sống ven bờ hữu sông Bùi có nguy cơ bị ảnh hưởng.

Thị sát dọc các tuyến đê ven sông Đáy (Mỹ Đức), kênh Yên Cốc (Thanh Oai) và bờ tả sông Nhuệ tại xã Nguyễn Trãi (Thường Tín), tình trạng sạt lở cũng diễn ra hết sức phức tạp, đe dọa đến sản xuất nông nghiệp và cuộc sống của hàng trăm hộ dân. Điển hình như đường ven kênh Yên Cốc, nền đê yếu, mặt đê xuất hiện nhiều vết rạn nứt kéo dài.

Tại bờ tả sông Nhuệ, mái và chân đê bị sạt lở nghiêm trọng. Nhiều diện tích ven đê bị nước cuốn trôi ảnh hưởng tới tuyến giao thông trên địa bàn xã Nguyễn Trãi, dòng sông áp sát tường nhà khiến người dân nơi đây sống trong lo sợ…

Trong khi đó, việc xử lý các trường hợp vi phạm đê điều thời gian qua rất hạn chế, hơn 5 năm mới xử lý, giải tỏa được 555 trong tổng số 1.690 trường hợp. Với vi phạm công trình thủy lợi, khả năng xử lý còn kém hơn khi mới giải quyết được 1.660 trong tổng số 15.289 trường hợp. Việc xử lý thiếu kiên quyết, dứt điểm là nguyên nhân dẫn tới số vụ vi phạm có chiều hướng tăng và diễn biến ngày càng phức tạp, thậm chí đối tượng vi phạm rất manh động, cản trở, chống đối lực lượng chức năng khi bị lập biên bản vi phạm.

Trước thực trạng trên, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Trần Xuân Việt yêu cầu các sở, ban, ngành, Ủy ban Nhân dân các huyện tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến các điểm sạt lở. Ủy ban Nhân dân các huyện chỉ đạo chính quyền cơ sở có biện pháp xử lý tạm thời; đánh giá mức độ ảnh hưởng của các điểm sạt lở đến đời sống của nhân dân để kịp thời có những hỗ trợ cần thiết; đồng thời khẩn trương nghiên cứu, xây dựng phương án, xử lý cấp bách đối với các khu vực xung yếu, nhất là tại những điểm hiện đang bị sạt lở, nhằm bảo vệ an toàn công trình, tài sản và tính mạng của người dân.

Trong thời gian tới, các địa phương và đơn vị thủy lợi, đê điều cần tập trung nâng cao công tác tuyên truyền pháp luật; nâng cao năng lực xử lý vi phạm cho cán bộ ở cơ sở. Với những vi phạm tồn tại đã nhiều năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, các công ty thủy lợi cần rà soát, phân loại vi phạm theo từng giai đoạn, từng lĩnh vực và từng nhóm đối tượng để xử lý, trong đó, giao chính quyền cấp xã, thị trấn xử lý những vi phạm đơn giản trước. Với những sai phạm nghiêm trọng như xây dựng công trình kiên cố, xe quá tải; hút cát... giao các huyện phối hợp với sở, ban, ngành liên quan xử lý./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục