Sau 8 năm, Phú Thọ cơ bản thoát khỏi diện tỉnh nghèo

Sau 8 năm (2005-2013) thực hiện đầu tư cho xóa đói, giảm nghèo, tới nay, tỉnh Phú Thọ đã cơ bản thoát khỏi diện tỉnh nghèo của cả nước.
Sau 8 năm, Phú Thọ cơ bản thoát khỏi diện tỉnh nghèo ảnh 1 Xây dựng đường giao thông nông thôn tại Phù Ninh từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước và đóng góp của người dân. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)

Sau 8 năm (2005-2013) thực hiện các chính sách pháp luật của Nhà nước về giảm nghèo, Phú Thọ đã hoàn thành tốt việc xóa hộ đói, giảm hộ nghèo và cơ bản thoát khỏi tỉnh nghèo.

Từ năm 2005 đến nay, Phú Thọ đã huy động được trên 6.200 tỷ đồng đầu tư cho công tác giảm nghèo. Nhiều chương trình, dự án hỗ trợ tín dụng ưu đãi, phát triển sản xuất, hỗ trợ giáo dục, dạy nghề, nhà ở, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, chăm sóc sức khỏe đã được địa phương triển khai có hiệu quả.

Nguồn vốn trên đã góp phần quan trọng giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh từ 31,08% (năm 2005) xuống còn 14,1% (năm 2012) và năm 2013 chỉ còn 12,5%. 100% số người nghèo được cấp thẻ Bảo hiểm Y tế ; 100% học sinh thuộc hộ nghèo được hỗ trợ miễn giảm học phí và các khoản đóng góp theo quy định.

Đặc biệt, tại các vùng dân tộc thiểu số và những xã miền núi, khó khăn trong tỉnh, việc thực hiện chương trình giảm nghèo đã góp phần làm chuyển biến nhanh đời sống xã hội, thúc đẩy sản xuất, phát triển, cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường; cơ sở hạ tầng được tăng cường, hệ thống chính trị được củng cố, trình độ đội ngũ cán bộ được nâng lên; bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc được cải thiện; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

Chuyển biến rõ nhất tại huyện miền núi Yên Lập, nhờ thực hiện các chính sách pháp luật của Nhà nước về giảm nghèo đã giúp 2.773 hộ thoát nghèo; 1.173 hộ được hỗ trợ xóa nhà tạm; đào tạo nghề cho gần 2.000 lao động nông thôn; tạo việc làm mới cho hơn 2.100 lao động; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 52,5% năm 2005 xuống còn 35,2% năm 2013.

Tại huyện Tân Sơn, kết quả thực hiện các chính sách giảm nghèo cũng đã góp phần giảm số hộ nghèo của huyện từ 61,01% (năm 2007) xuống còn 29,07% (năm 2013). Bình quân thu nhập người dân từ năm 2007 đến năm 2012 tăng từ 3,5 triệu đồng lên 12,3 triệu đồng; bình quân lương thực tăng từ 240kg/người/năm lên 334kg/người/năm.

Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo của tỉnh chưa vững chắc; tỷ lệ hộ nghèo, đặc biệt là tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số còn ở mức cao, tiềm ẩn nguy cơ tái nghèo và nghèo mới; các mô hình xóa đói giảm nghèo chưa nhiều, hiệu quả thấp. Khoảng cách chênh lệch về thu nhập và đời sống giữa nhóm hộ giàu và hộ nghèo cũng như giữa khu vực nông thôn và thành thị chưa được thu hẹp.

Để công tác giảm nghèo tiếp tục đạt được những kết quả thiết thực, tỉnh Phú Thọ đã đề ra nhiều giải pháp cụ thể trong việc thực hiện các chính sách pháp luật của Nhà nước về giảm nghèo.

Trong đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh chủ trì, phối hợp với các tổ chức thành viên chỉ đạo các cấp hội cơ sở tổ chức tốt công tác tuyên truyền, vận động toàn dân hưởng ứng, tham gia các cuộc vận động Ngày vì người nghèo, phong trào Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư; xây dựng nông thôn mới và cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.”

Mặt trận các cấp tiếp tục tạo điều kiện và cơ hội thuận lợi hơn để người nghèo dễ dàng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như: y tế, giáo dục, chính sách hỗ trợ về đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt; mở rộng các cơ sở bảo trợ xã hội nhằm thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội; tiến hành rà soát, đánh giá lại việc bình xét hộ nghèo đảm bảo nguyên tắc dân chủ, công khai, khách quan; tăng cường công tác kiểm tra việc triển khai thực hiện và đưa các chính sách giảm nghèo đến với người dân.

Hội Nông dân tỉnh phối hợp với các sở, ban, ngành tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, nông dân về chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới bằng nhiều hình thức.

Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức các phong trào “Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế,” “Ngày tiết kiệm vì phụ nữ nghèo,” “Chương trình hỗ trợ phụ nữ tạo việc làm, tăng thu nhập”…

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội giới thiệu các mô hình xóa đói giảm nghèo có hiệu quả; nhân rộng các dự án mô hình giảm nghèo bền vững và phổ biến những kinh nghiệm hay trong công tác xóa đói giảm nghèo qua việc tổ chức “Hội thi cán bộ cơ sở làm công tác giảm nghèo giỏi”...

Tỉnh cũng kiến nghị, đề xuất với Trung ương có nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích, tạo điều kiện, môi trường và hướng dẫn người nghèo, hộ nghèo triển sản xuất, cải thiện thu nhập, ổn định cuộc sống; đồng thời làm tốt công tác an sinh xã hội, tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra việc triển khai thực hiện và đưa các chính sách giảm nghèo đến với người dân…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục