Sau 9 tháng, hơn 90.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài

Chỉ trong vòng 9 tháng chỉ tiêu đưa 90.000 người đi làm việc ở nước ngoài đã được Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội hoàn thành và Đài Loan vẫn là thị trường tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam nhất.
Sau 9 tháng, hơn 90.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài ảnh 1Lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Theo số liệu vừa được công bố của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), ​sau 9 tháng, chỉ tiêu đưa 90.000 người đi làm việc ở nước ngoài đã được hoàn thành sớm.

​Cụ thể, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 90.558 lao động (28.894 lao động nữ) đạt 100,62% kế hoạch năm 2015 và bằng 108,62% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chỉ riêng trong tháng 9/2015, theo báo cáo của các doanh nghiệp, số lao động đã đi làm việc ở nước ngoài là 10.780 lao động (4.245 lao động nữ). Đài Loan tiếp tục là thị trường đưa nhiều lao động Việt Nam nhất với 5.805 lao động (1.820 lao động nữ). Tiếp theo là Nhật Bản 2.464 lao động, Hàn Quốc 472 lao động, Malaysia 920 lao động, Saudi Arabia 798 lao động, Macau 30 lao động và các thị trường khác.

Kết quả hoàn thành sớm chỉ tiêu xuất khẩu lao động là do thị trường Đài Loan tiếp tục tiếp nhận lao động Việt Nam với số lượng lớn và đang thí điểm tiếp nhận lại lao động Việt Nam ở hai nghề thuyền viên tàu cá xa bờ và khán hộ công gia đình.

Trong 9 tháng năm 2015, nhiều hiệp định hợp tác lao động cũng được ký kết mở ra nhiều cơ hội việc làm cho lao động Việt Nam. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã đàm phán ký kết và triển khai thực hiện Bản ghi nhớ đặc biệt (MOU) với Hàn Quốc về phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS, ký kết thỏa thuận song phương hợp tác lao động giữa Việt Nam-Thái Lan, Việt Nam-Malaysia.

Đối với thị trường lao động có trình độ, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Việt Nam cũng đã ký kết Ý định thư hợp tác đưa lao động sang làm việc trong lĩnh vực chăm sóc người già tại Đức. Đây là cơ hội để tăng số lượng lao động có trình độ sang làm việc ở Đức lên 500-700 người/năm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục