Sẽ công khai việc giảm giá cước vận tải ngay trong tháng Hai

Dù giá xăng dầu đã liên tục giảm trong thời gian qua, nhưng các doanh nghiệp vận tải vẫn “chây ì” hoặc “trông” nhau để giảm giá cước với nhiều lý do.
Sẽ công khai việc giảm giá cước vận tải ngay trong tháng Hai ảnh 1Các doanh nghiệp vận tải sẽ phải giảm giá cước do giá xăng dầu liên tục giảm trong thời gian qua. (Ảnh: TTXVN)

Dù giá xăng dầu đã liên tục giảm trong thời gian qua, nhưng các doanh nghiệp vận tải vẫn “chây ì” hoặc “trông” nhau để giảm giá cước với nhiều lý do về sự biến động của nhiên liệu đầu vào; chi phí, thủ tục hành chính của việc kê khai, niêm yết giá tốn kém và rườm rà.

Theo đại diện các cơ quan chức năng, trong tháng Hai này, công khai việc giảm giá cước vận tải ở tất cả các thành phố trên địa bàn cả nước. Các sở Giao thông Vận tải có hướng dẫn trên địa bàn quản lý trong việc kê khai giá cước giảm phù hợp với giá xăng dầu.

Doanh nghiệp “trông” nhau giảm giá cước

Tại buổi hop về giá cước vận tải ngày hôm nay (22/2), ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, trong năm 2015 đã diễn ra 2 đợt giảm giá cước trên khắp các tỉnh, thành phố vào tháng Hai và tháng 10. Số lượng các đơn vị vận tải kê khai giảm giá cước tại các địa phương và tỷ lệ giảm giá mỗi loại hình xe, mỗi tuyến vận tải là khác nhau nhưng tổng hợp lại thì phần lớn các đơn vị vận tải đã kê khai giảm tỷ lệ phổ biến từ 3-5% trên mỗi lần kê khai giảm. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp kê khai giảm giá đến 2-3 lần trong năm qua.

Theo ông Ngọc, tính từ đầu năm 2016 đến nay, giá xăng dầu tiếp tục được điều chỉnh giảm sâu. Hiện nay, trong cơ cấu giá thành vận tải thì chi phí nhiên liệu ước chiếm khoảng 25-35% đối với xe chạy xăng (chủ yếu là taxi), 35-45% đối với xe chạy dầu (chủ yếu là vận tải khách và hàng hóa), còn lại là 55-75% giá thành vận tải bao gồm các chi phí khác như khấu hao, sửa chữa phương tiện, nhân công, chi phí cầu đường, bến bãi...

“Hiện, các địa phương đang quyết liệt chỉ đạo về giá cước vận tải theo chỉ đạo của Chính phủ. Đã có doanh nghiệp vận tải ở 63 tỉnh thành thực hiện giảm giá cước với mức 1-33% với mỗi loại hình vận tải. Tuy nhiên, tại nhiều địa phương còn có đơn vị vận tải chưa giảm giá hoặc giảm chiếu lệ,” ông Ngọc khẳng định.

Thứ trưởng phụ trách Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường cho biết, cả nước có trên 4.000 tuyến vận tải cố định nhưng các Sở, ngành địa phương thống kê lên mới có khoảng 1.000 doanh nghiệp tham gia vào việc giảm giá.

“Các doanh nghiệp vận tải vẫn còn nhiều lý do khác nhau để giảm giá trong đó có lý do về trạm thu phí BOT, nhưng chỉ cần giá xăng tăng một cái là tăng cước vận tải ngay. Hai cái này phải tách bạch, không thể lấy cái này bù cái kia. Cần phân tích rõ nguyên nhân nào mà doanh nghiệp vận tải chậm giảm giá cước theo giá xăng,” Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường nói rõ.

Theo ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Thành phố Hồ Chí Minh, trước Tết Nguyên đán 2016, các hãng taxi đã giảm giá, thấp nhất là 300-500 đồng/km. Hãng taxi cũng không muốn tăng hay giảm giá vì mỗi lần tăng giảm, điều chình tốn kém rất nhiều.

Sẽ công khai việc giảm giá cước vận tải ngay trong tháng Hai ảnh 2Doanh nghiệp taxi sẽ không dại gì mà ôm một cái giá không sát với mặt bằng thị trường, vì làm vậy thì người tiêu dùng sẽ tẩy chay. (Ảnh: TTXVN)

“Với xe taxi thì nguyên liệu đầu vào là xăng đã khoán cho tài xế, nên khi xăng tăng thì tài xế đình công không chạy, xăng xuống thì lái xe được lợi chứ doanh nghiệp không được lợi gì ở việc này. Mới đây nhất, xăng dầu đã giảm 2 lần nữa. Ngay chiều nay (22/2), hàng loạt các hãng taxi tại Thành phố Hồ Chí Minh sẽ đăng ký giảm giá. Taxi không dại gì mà ôm một cái giá không sát với mặt bằng thị trường, vì doanh nghiệp làm vậy thì người tiêu dùng sẽ tẩy chay, gần như các hãng phải ‘trông’ nhau,” ông Tạ Long Hỷ phân trần lý do chần chừ giảm cước.

Bổ sung thêm, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ôtô Việt Nam cho rằng cần làm rõ doanh nghiệp làm ăn tích cực và cố tình “chây ỳ” về giá cước.

Lý giải điều này, theo ông Thanh, giá thành vận tải ôtô gồm nhiều yếu tố cấu thành nên giá, không phải mỗi giá nhiên liệu, có đơn vị quản lý tốt, có đơn vị phó thác cho lái xe. Việc trạm phí BOT làm tăng giá thành đầu vào là rõ ràng nhưng xăng dầu giảm nhưng các chi phí khác như nhân công lao động giảm. Giá cước vận tải Nhà nước không định giá, để theo thị trường điều tiết.

“Tuyến vận tải cố định, taxi cũng nhiều hãng, nhiều loại xe khác nhau nên không thể áp đặt thống nhất cùng một mức giá. Không có chuyện, xăng tăng là cước vận tải tăng nhanh, không đơn giản chút nào bởi việc điều chỉnh về cước phí tốn kém rất nhiều. Nên chăng việc cài đặt lại đồng hồ giao cho doanh nghiệp, không lo sợ các đơn vị này làm láo vì cơ quan chức năng hậu kiểm, đỡ tốn chi phí và rút ngắn thời gian cho doanh nghiệp,” ông Thanh khẳng định.

Biến động xăng dầu và giá cước tính toán ra sao?

Bên cạnh đó, ông Thanh cũng chỉ ra thực tế việc kê khai giá của các doanh nghiệp rất phức tạp, thủ tục nhiêu khê, cần phải cải tiến thủ tục này và phải có chế tài đủ mạnh để xử lý nghiêm minh các doanh nghiệp vi phạm, xử bằng pháp luật, có căn cứ rõ ràng chứ không phải “chỉ đạo mãi mà không giảm giá”, nhưng chắc chắn phải có độ trễ, không thể mỗi lần xăng giảm giá thì doanh nghiệp vận tải lại phải giảm giá cước, hay nếu xăng dầu tăng chưa tới 20% mà doanh nghiệp đã tăng cước thì hậu kiểm, phạt nặng.

“Hiệp hội vận tải địa phương thiếu sự phối hợp, Hiệp hội địa phương nhiều khi phải ‘lạy, xin’ các doanh nghiệp vận tải giảm giá cước. Bộ Tài chính và Giao thông Vận tải phải điều tiết bằng tài chính chứ không phải điều hành bằng mệnh lệnh hành chính, để làm sao doanh nghiệp chân chính yên tâm, mở rộng đầu tư,” ông Thanh phân tích thêm.

Theo đại diện Cục Quản lý giá Bộ Tài chính, cước vận tải đang vận hành theo cơ chế thị trường, cơ quan quản lý cũng không can thiệp, nhưng do tính chất nên Nhà nước vẫn tham gia điều tiết. Việc kê khai giá cước đã làm thường xuyên, thủ tục không có gì nhiêu khê. Bộ Giao thông Vận tải tập hợp ý kiến doanh nghiệp, Hiệp hội Vận tải để liên Bộ xem xét và sớm ban hành Thông tư 152 để công tác quản lý giá cước vận tải có hiệu quả, tôn trọng thị trường.

“Dự thảo Thông tư sửa đổi đưa ra, khi giá nhiên liệu giảm 20% buộc các doanh nghiệp phải tự động giảm, không phải có văn bản giục giảm nữa,” đại diện Cục Quản lý giá Bộ Tài chính tiết lộ.

Kết luận tại buổi họp, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết, doanh nghiệp đã kê khai giảm giá cước nhưng theo tiến trình giảm giá xăng dầu thì chưa đạt được như kỳ vọng của nhân dân.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, mỗi một lần kê khai giảm giá cước là rất phức tạp, tốn kém cho doanh nghiệp vận tải. Vì vậy, liên Bộ Tài chính và Giao thông sẽ nghiên cứu và đây là mấu chốt của vấn đề, cần làm nhanh.

Ngoài ra, Thứ trưởng cũng đặt câu hỏi về công thức để tính toán, liên hệ giữa biến động của xăng dầu và cước vận tải sẽ tính toán như thế nào? Nếu giá xăng dầu thay đổi dẫn đến giá cước vận tải thay đổi ở một mức nào đó có phải báo cáo hay không, như ở mức dưới 10% thì có phải báo cáo hay không?

Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cũng cho biết, ngay chiều nay, Hiệp hội Vận tải tính toán giảm giá cước taxi và vận tải khách tuyến cố định. Trong tháng Hai này phải công khai việc giảm giá cước vận tải ở tất cả các thành phố trên địa bàn cả nước. Các sở Giao thông Vận tải có hướng dẫn trên địa bàn mình quản lý trong việc kê khai giá cước giảm phù hợp với giá xăng dầu.

Thứ trưởng cũng đề nghị Bộ Tài chính sớm ban hành quy trình để triển khai việc kê khai giảm giá cước vận tải một cách đơn giản. Hiện nhiều doanh nghiệp, Hiệp hội Vận tải địa phương cho rằng quá nhiều thủ tục, mất thời gian, chả hạn có thể gửi mail trước và gửi hồ sơ sau.

Thứ trưởng cũng giao Vụ Vận tải và Hiệp hội Vận tải nghiên cứu, thu thập ý kiến của cơ quan kiểm định về việc điều chỉnh đồng hồ có thể để cho doanh nghiệp tự chủ được không?

“Sửa đổi Thông tư 152 phải cầu thị với các ý kiến, góp ý của doanh nghiệ để trong tháng Hai cơ bản thu thập được tài liệu. Tháng tháng Ba ban hành thông tư này, để khi ban hành là đi vào cuộc sống, không gặp phải vướng mắc từ việc thực thi của các doanh nghiệp,” Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho hay./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục